Tăng tốc đón khách quốc tế
Các doanh nghiệp kiến nghị đẩy mạnh chiến lược xúc tiến, quảng bá để tăng tốc đón khách quốc tế dịp cuối năm và cả năm sau.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 10 tháng của năm 2022, lượng khách quốc tế mới đạt khoảng 2,35 triệu lượt, gấp gần 19 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm tới 83,7% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Nhiều thị trường nguồn chưa phục hồi
Vừa trở về từ chuyến công tác tới Ấn Độ để xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam với các thị trường khách mới, tiềm năng hơn, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho hay 3 thị trường nguồn khách chính của Việt Nam như Nga, Trung Quốc và Nhật Bản đều chưa phục hồi. Cụ thể, Nhật Bản là thị trường lớn nhưng Chính phủ nước này đang khuyến khích người dân đi du lịch nội địa. Thị trường châu Âu chưa phục hồi nên các đường bay, tần suất bay chưa nhiều dẫn đến giá vé máy bay còn cao. Vì vậy, khó có thể kỳ vọng lượng khách quốc tế đến Việt Nam tấp nập vào thời điểm này.
"Một số thị trường mới được đánh giá tiềm năng như Ấn Độ, khu vực Trung Đông, khách rất quan tâm tới điểm đến Việt Nam nhưng vẫn là thị trường mới, cần thời gian để quảng bá, xúc tiến và không thể có ngay lượng khách đông như thị trường truyền thống. Vietravel vừa làm một chuỗi chương trình phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam ở các nước Trung Đông để giới thiệu du lịch, điểm đến Việt Nam" - ông Duy nói.
Gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam tại Hội chợ du lịch quốc tế ITB Asia tháng 10-2022 Ảnh: BÌNH AN
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), nhận định năm 2022, du lịch Việt Nam có thể không đạt mục tiêu đề ra là 5 triệu lượt khách quốc tế do nhiều nguyên nhân. Trong đó, thị trường nguồn quan trọng là khách Trung Quốc vẫn "đóng băng". Khách Nhật Bản hầu như chưa có nhiều tour đoàn. Thị trường khách Hàn Quốc cũng chỉ đạt khoảng 10% so năm 2019. Các thị trường xa như châu Âu, Bắc Mỹ chưa kịp phục hồi do ảnh hưởng tình hình xung đột Nga - Ukraine, sức tiêu dùng của khách còn yếu và nhu cầu khách sau COVID-19 ưu tiên lựa chọn đi các tuyến điểm gần.
"Một phần do các thông tin phục vụ khách quốc tế sau khi mở cửa trở lại của Việt Nam chưa kịp đến với khách và thực sự cũng chưa có chiến dịch lớn tạo sức hút với thị trường quốc tế. Năm 2022, du lịch Việt Nam bắt đầu có sức sống trở lại nhờ nguồn khách nội địa, đã góp phần mang về doanh thu tốt và lợi nhuận lạc quan. Hy vọng năm 2023 sẽ có điểm sáng từ thị trường khách quốc tế" - ông Phạm Huy Bình nói.
Tiếp tục kiến nghị đột phá chính sách visa
Đột phá về chính sách visa (thị thực) tiếp tục là một trong những kiến nghị được các doanh nghiệp du lịch đề cập bởi các nước trong khu vực hiện đều có chính sách visa cởi mở, thông thoáng.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, vừa dự Hội chợ du lịch quốc tế ở London và thấy chính sách quảng bá của các nước trong khu vực như Thái Lan tới bạn bè quốc tế quá tốt. Những sản phẩm du lịch mới, chính sách miễn visa tới 45 ngày cho khách quốc tế, đường bay thẳng từ Anh tới Thái Lan, thông tin về du lịch nước này tràn ngập tới du khách… Không ít đối tác nước ngoài than phiền về việc thiếu thông tin về du lịch Việt Nam khiến họ quyết định chọn điểm đến khác.
"Khó khăn khách quan là chung và điểm đến nào cũng bị ảnh hưởng nhưng nếu có chiến lược phục hồi bài bản, quảng bá, thông tin đầy đủ tới du khách họ sẽ có sự lựa chọn. Đặc biệt sau COVID-19, tâm lý và hành vi của khách thay đổi với việc quyết định đi du lịch vào giờ chót, thay vì đặt tour trước 3-6 tháng, thậm chí cả năm như trước đây. Nếu nắm bắt được, du lịch Việt Nam vẫn có cơ hội đón thêm khách quốc tế" - ông Phạm Hà nói.
Để có được lượng khách quốc tế đến đông như giai đoạn năm 2019, các doanh nghiệp cho rằng phải từ năm 2024 về sau nếu bối cảnh chung toàn thế giới ổn định và kinh tế toàn cầu không bị suy thoái. Dù vậy, ông Phạm Huy Bình nhấn mạnh quan trọng là ngay từ bây giờ phải có kế hoạch lớn tiếp cận và thu hút nguồn khách quốc tế thông qua các chính sách thông thoáng về visa, tăng cường quảng bá tiếp thị, kết hợp sâu rộng giữa các ngành để tung ra các chương trình ưu đãi đặc biệt.
"Nếu chúng ta bỏ lỡ thời cơ, một lần nữa khoảng cách sẽ bị bỏ xa so các quốc gia có nội lực và công nghệ du lịch tiên tiến khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia…" - ông Phạm Huy Bình nói.
Mở rộng diện được miễn visa
Trong quá trình làm việc với các đối tác nước ngoài, ông Trần Đoàn Thế Duy cũng cho hay các đối tác rất quan tâm về visa, làm sao tạo điều kiện để thủ tục nhanh chóng, thông thoáng, đơn giản như các nước xung quanh. Đồng thời, mở rộng diện được miễn visa và thời gian lưu trú lâu hơn bởi rất nhiều du khách có nhu cầu đi - về nhiều lần hoặc có thể đi du lịch Việt Nam, qua Thái Lan, Campuchia... rồi trở lại Việt Nam.