• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người làm du lịch ở Đắk Nông

Hiện nay, có rất nhiều người dân, doanh nghiệp ở Đắk Nông muốn phát triển du lịch nhưng lại đang "mắc cạn" vì đất đai chưa phù hợp quy hoạch. Việc tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp là không khó bởi điều này được quyết định bởi ý chí giải quyết của chính quyền địa phương.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người làm du lịch ở Đắk Nông

Một địa điểm du lịch ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Phan Tuấn

Nhiều tiềm năng nhưng vướng pháp lý

Theo ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông thì địa phương có địa lý vị trí thuận lợi về khí hậu, tài nguyên nước, thổ nhưỡng. Đặc biệt tỉnh Đắk Nông tiếp giáp với các tỉnh thành trọng điểm kinh tế phía Nam. Cho nên, đây là cơ hội để Đắk Nông phát triển nông nghiệp đa giá trị.

Việc thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp xanh, bền vững, gắn với sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn là một trong những hướng đi mà ngành nông nghiệp đang tập trung tham mưu cho UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, nếu như chúng ta đơn thuần bán những sản phẩm nông nghiệp thì những giá trị tiềm năng như cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm… là những thứ chưa làm được.

"Khi lượng khách du lịch đến thăm quan thì sẽ thúc đẩy tiêu thụ được sản phẩm OCOP. Ngược lạị, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP sẽ quảng bá hình ảnh du lịch Đắk Nông tới các địa phương khác trong và ngoài nước. Rõ ràng đây là mối quan hệ hữu cơ" - ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xuất hiện một số mô hình làm du lịch trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi. Sự việc này đang gây khó khăn cho cả chủ đầu tư lẫn cơ quan chức năng trong việc quản lý.

Theo ông Võ Ngọc Anh, quyền Chủ tịch UBND xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp thì địa phương rất mong muốn có những mô hình nông nghiệp gắn với du lịch để quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương ra thị trường trong nước và quốc tế.

Mục đích của việc này nhằm giúp người nông dân tránh được điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa". Bởi sự ra đời của các mô hình sẽ góp phần thúc đẩy địa phương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.

Tuy nhiên, hiện nay, địa phương lại đang gặp vướng mắc trong khâu hành lang pháp lý để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Cũng liên quan đến vấn đề này, theo ông Kiều Quí Diện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức, hiện nay, ở địa phương có một số vướng mắc nên chưa phát huy hết các tiềm năng lợi thế.

Cụ thể, về quyền sử dụng đất, hầu hết các vị trí đều nằm trên đất nông nghiệp hoặc quy hoạch đất lâm nghiệp. Trong khi việc chuyển mục đích sử dụng đất rất phức tạp, qua nhiều bước và mất rất nhiều thời gian nên chưa tạo cơ chế thông thoáng cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

Hơn nữa, các dự án chưa được cấp phép đầu tư đã triển khai thực hiện sẽ chịu xử lý theo quy định. Trong đó, có thể bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất... và chủ đầu tư sẽ rơi vào thế "tiền mất, tật mang".

Khách du lịch thăm quan vườn nho ở huyện Đắk Mil. Ảnh: Đức Hùng

Khách du lịch thăm quan vườn nho ở huyện Đắk Mil. Ảnh: Đức Hùng

Cần đầu tư, xây dựng quy hoạch

Chia sẻ về việc phát triển du lịch trên đất nông nghiệp, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng – Viện Kinh tế và Du lịch Nông nghiệp - Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho biết, đa số các mô hình du lịch canh nông, sinh thái… ở Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng đang gặp khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, một số hạng mục xây dựng trong quá trình triển khai chưa đúng theo quy định chủ yếu liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo ông Tùng, đầu tiên, muốn triển khai các dự án du lịch dưới bất kỳ hình thức nào thì người dân và doanh nghiệp đều phải dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Nếu làm sai thì người dân, doanh nghiệp hay thậm chí cả chính quyền địa phương sẽ bị cấp có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm về vi phạm.

UBND các tỉnh, thành phố nếu muốn phát triển du lịch canh nông, du lịch sinh thái… trên đất nông nghiệp thì có thể làm đề án thử nghiệm trước một vài mô hình cho đến vài chục mô hình để có sự đánh giá rồi mới triển khai với quy mô lớn.

Cũng liên quan đến việc này, Trung ương đã có nhiều văn bản hướng dẫn thí điểm phát triển mô hình du lịch trên đất nông nghiệp.

Đối với các mô hình đã lỡ vi phạm quy định xây dựng trên đất nông nghiệp, nếu như chính quyền địa phương quyết tâm phát triển du lịch thì có thể triển khai các biện pháp hướng dẫn, xem thử dự án chưa đúng ở điểm nào để tháo gỡ ngay những khó khăn gặp phải.

"Tức là giúp cho các mô hình chưa hợp lý trở về thành “trạng thái đúng” nhưng vẫn phải đúng theo quy định hiện hành và trong một khoảng thời gian cho phép. Việc phát triển du lịch nông nghiệp muốn thành công phải tuỳ thuộc vào sự linh động, ý chí giải quyết của chính quyền các địa phương" - ông Tùng cho biết thêm.

Theo ông Tùng, nhiều nơi đang xảy ra sự việc, chính quyền thì muốn phát triển du lịch. Tuy nhiên, họ không biết rõ là các điểm đất, thác, ghềnh... chỗ này chỗ kia phải chuyển thành mục đích gì.

Còn người dân hoặc nhà đầu tư ở vùng khác khi đến đây thì muốn thay đổi, làm du lịch nhưng không biết cách phải làm thế nào. Do đó, khi không ai biết phải làm như thế nào thì sẽ xảy ra làm tự phát.

Thế nên, một tỉnh muốn phát triển du lịch thì phải quy hoạch toàn tỉnh rồi dựa trên quy hoạch đó mới tiếp tục phát triển. Còn nếu như không làm được quy hoạch toàn tỉnh thì việc làm du lịch sẽ rất khó.

Tuy nhiên, người tư vấn quy hoạch phải hiểu rõ được nguồn lực của địa phương có thực hiện được hay không. Có những quy hoạch cần sự đầu tư quá lớn nhưng địa phương không có nguồn lực để thực hiện thì quy hoạch đó cũng chỉ nằm trên giấy...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết