• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Địa phương có khu dự trữ sinh quyển thế giới đề xuất giải pháp làm du lịch

U Minh Thượng được xác định là một trong 4 khu vực đầu tư trọng điểm của Kiên Giang về phát triển du lịch, tuy nhiên lượng khách đến đây vẫn còn thấp.

Địa phương có khu dự trữ sinh quyển thế giới đề xuất giải pháp làm du lịch

Huyện U Minh Thượng có nhiều lợi thế về cảnh quan tự nhiên. Ảnh: Nguyên Anh

U Minh Thượng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có nhiều khu di tích lịch sử... Vùng đất này được xác định là một trong 4 khu vực đầu tư trọng điểm của tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó có vai trò nổi bật của Vườn Quốc gia U Minh Thượng – Khu căn cứ địa cách mạng, khu dự trữ sinh quyển thế giới, vùng đặc thù sinh thái rừng tràm ngập nước trên đất than bùn... Hàng năm, có khoảng 35.000 lượt khách du lịch đến với U Minh Thượng.

Bà Võ Thị Tuyết Nhung - Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng cho biết: Trong những năm qua, huyện cũng được đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch. Bên cạnh đó, huyện cũng đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển, quan tâm phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện, tham quan, học tập mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng ở các tỉnh lân cận.

Mặc dù có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch nhưng kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Du lịch U Minh Thượng mới ở giai đoạn khởi đầu nên công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản và quy hoạch phát triển du lịch chưa được quan tâm thực hiện.

Công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn Quốc Gia chưa đảm bảo; sản phẩm du lịch còn ít, chất lượng dịch vụ chưa cao nên thị trường khách du lịch còn hạn chế. Vấn đề về cảnh quan môi trường đặc biệt là vệ sinh môi trường tại điểm du lịch chưa thật sự được quan tâm, phần nào đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thu hút khách du lịch.

Địa phương đề xuất mở các tuyến bơi thuyền, xây dựng các điểm câu cá, vui chơi giải trí, xây dựng các chòi quan sát sân Chim, máng Dơi kết hợp với ngắm bình minh, hoàng hôn. Ảnh: Nguyên Anh

Địa phương đề xuất mở các tuyến bơi thuyền, xây dựng các điểm câu cá, vui chơi giải trí, xây dựng các chòi quan sát sân Chim, máng Dơi kết hợp với ngắm bình minh, hoàng hôn. Ảnh: Nguyên Anh

Để phát triển trong thời gian tới, địa phương đề ra nhiều giải pháp như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư homestay, các cơ sở lưu trú, nhà hàng… với các loại hình dịch vụ tiện ích, phong phú đa dạng. Xây dựng chương trình văn hóa ẩm thực, đờn ca tài tử, các hoạt động du lịch (đua xuồng, các trò chơi dân gian...) đặc sắc, đặc trưng nhằm tạo điều kiện cho du khách nâng cao chất lượng tour du lịch, kết hợp tham quan các điểm chùa, di tích lịch sử cách mạng...

Đầu tư xây dựng mô hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Quy hoạch các vùng sản xuất để kết hợp với du lịch gồm có: vùng đệm, vùng tôm lúa, vùng lúa kết hợp trồng màu, vùng ven sông Cái lớn. Kết nối các tour trong huyện liên kết vùng với các địa bàn các điểm đến du lịch trong và ngoài tỉnh. Trải nghiệm các hoạt động truyền thống của người dân U Minh Thượng với nền văn hóa mang đậm nét đặc trưng của người dân Nam Bộ như: canh tác lúa nước, đánh bắt cá truyền thống, gác kèo ong, làm bánh truyền thống, làm các đồ dùng sinh hoạt trong nông nghiệp...

Bà Võ Thị Tuyết Nhung - Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng cho biết: địa phương kiến nghị tỉnh sớm đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường vào khu căn cứ Tỉnh ủy và hồ Hoa Mai vì hiện nay tiến độ xây dựng rất chậm. Đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Đầu tư tôn tạo, khai thác tài nguyên du lịch, đa dạng hóa và tạo sản phẩm đặc thù, đầu tư điều tra, đánh giá và hình thành cơ sở dữ liệu về tài nguyên du lịch, đầu tư bảo vệ môi trường, cảnh quan và hệ sinh thái đa dạng của vùng đất U Minh Thượng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết