Để du lịch thành ngành mũi nhọn của TP HCM
Phát triển du lịch TP HCM dựa vào nội lực, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và chuyên nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm cùng với ưu tiên đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú...
TP HCM là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, mỗi năm đón hàng triệu du khách quốc tế đến tham quan và có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh bậc nhất cả nước. Tuy đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song sự phát triển của du lịch thành phố vẫn chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng và còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững, nhất là trong bối cảnh phát triển mới.
Những ưu thế vượt trội
Hình thành hơn 300 năm, TP HCM có đầy đủ các lợi thế về tiềm năng tài nguyên du lịch mà ít tỉnh, thành phố nào trên cả nước có được.
Đó là đầu mối giao thông của cả khu vực phía Nam, cả nước và giao thương quốc tế kể cả đường bộ, đường hàng không, đường thủy (sông và biển);
tài nguyên du lịch tự nhiên gồm địa hình, khí hậu, thủy văn, sinh vật và đa dạng sinh học, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch truyền thống, lịch sử;
hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đứng đầu cả nước và tương đương một số nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Trong đó, đặc điểm nổi bật của TP HCM trong số ít thành phố trên thế giới có được là đô thị lớn nhưng có biển, rừng và hệ thống sông rạch liên hoàn từ nội thành ra đến biển.
Đặc biệt, 2 hệ thống hạ tầng và cũng là sản phẩm tự nhiên, độc đáo, đặc sắc để có thể phát triển du lịch TP HCM lâu dài, phong phú, đa dạng, bền vững mà khó có thành phố nào trên thế giới có được là khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ với diện tích 70.500 ha gắn với đô thị sinh thái biển Cần Giờ; khu sinh thái sông nước dọc sông Sài Gòn lên đến khu địa đạo Củ Chi, đền Bến Dược gắn với vùng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao và vườn, trang trại sinh thái, cây cảnh, hoa kiểng ven sông Sài Gòn đi từ quận 1 lên đến huyện Củ Chi và tỉnh Tây Ninh.
Nếu tận dụng được lợi thế của 2 khu du lịch đô thị sinh thái, khu dự trữ sinh quyển gắn với biển Cần Giờ; đồng thời kết nối với sông Sài Gòn hình thành mạng lưới, chuỗi du lịch sinh thái dọc sông Sài Gòn sẽ tạo thế liên hoàn phát triển du lịch bền vững, ổn định, lâu dài cho TP HCM.
Thế nhưng, những năm qua, du lịch thành phố chỉ xoay quanh một số sản phẩm du lịch đơn điệu, truyền thống; du khách đến thành phố chỉ lưu trú một vài ngày là không còn sản phẩm gì hấp dẫn, họ phải đi đến các tỉnh, thành khác.
Việc đầu tư phát triển du lịch TP HCM do thiếu cơ chế, chính sách vượt trội nên vẫn dàn trải, manh mún, thiếu trọng tâm, trọng điểm, thiếu tính đồng bộ và tính liên kết của chuỗi sản phẩm du lịch đặc sắc trên địa bàn thành phố.
Du khách tham quan địa đạo Củ Chi (TP HCM)Ảnh: Hoàng Triều
Phát triển 2 sản phẩm du lịch mũi nhọn
Để du lịch TP HCM thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội; phát triển du lịch gắn với bảo tồn tài nguyên, môi trường, văn hóa...; ngoài cơ chế, chính sách vượt trội cho TP HCM, cần phát triển 2 sản phẩm du lịch mũi nhọn, bền vững, ổn định trong chuỗi liên kết thành một chương trình du lịch sông nước, sinh thái, nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố.
Thứ nhất, đầu tư phát triển khu đô thị sinh thái lấn biển Cần Giờ gắn với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ thành sản phẩm du lịch đặc sắc của thành phố.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế, vốn đầu tư từ ngân sách cho các công trình thiết yếu về hạ tầng kỹ thuật của thành phố còn nhiều khó khăn thì việc đầu tư xây dựng dự án lớn này chỉ có thể thực hiện bằng con đường xã hội hóa đầu tư (hình thức hợp tác công - tư (PPP); thành phố đàm phán và lựa chọn nhà đầu tư, giao đất cho họ đầu tư khai thác theo Luật Đất đai để họ kinh doanh và phát triển khu đô thị mới).
Muốn vậy, cần phải có cơ chế, chính sách vượt trội cho TP HCM và sự đột phá mạnh mẽ, quyết liệt với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố mới thực hiện được.
Chắc chắn khi đầu tư, xây dựng và phát triển khu đô thị lấn biển Cần Giờ kết hợp khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Rừng Sác thì nơi đây sẽ là hạ tầng cơ sở du lịch quy mô lớn, hoàn toàn có thể cạnh tranh với các thành phố biển lớn trên thế giới.
Thứ hai, đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn kết hợp với khu nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, sinh thái quy mô 5.000 ha trên địa bàn Củ Chi, các trung tâm an dưỡng, nghỉ dưỡng, trang trại, du lịch nhà vườn ven sông và du lịch thể thao dưới nước; kết hợp du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử gắn với địa đạo Củ Chi, đền Bến Dược của vùng đất anh hùng - Thành đồng đất thép Củ Chi.
Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven sông Sài Gòn kết hợp tuyến đường thủy (vừa là du lịch vừa là vận tải) theo một quy hoạch thống nhất. Nên đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn quy mô khoảng 6 làn xe, cách bờ sông từ 100 m trở lên để hình thành một tuyến du lịch đường bộ kết hợp đường thủy.
Dự án đầu tư này có thể đầu tư bằng hình thức hợp tác PPP (thành phố dành quỹ đất ven sông và ven tuyến đường để kêu gọi nhà đầu tư ứng vốn làm đường, thành phố trả lại bằng quỹ đất tương ứng dọc ven tuyến đường và ven sông).
Cho phép TP HCM huy động vốn đầu tư trong nước và nước ngoài bằng nhiều hình thức, như có thể giao cho các nhà đầu tư lớn từng cụm phân khu chức năng vài trăm hecta theo Luật Đất đai để họ chủ động lập dự án và triển khai đầu tư từng giai đoạn theo quy hoạch chung.