Phục dựng dáng hình lịch sử sau lớp bụi thời gian
Từ những bức ảnh cũ đã phai mờ theo năm tháng, anh Phùng Quang Trung và nhóm Skyline đã tận dụng sức mạnh của công nghệ AI để khôi phục chân dung những anh hùng trẻ tuổi của Việt Nam, đưa ký ức trở về rõ nét và đầy xúc cảm.
Nhóm Skyline tận tay trao tặng cho gia đình tấm ảnh của liệt sĩ Đặng Thị Kim lúc 8 tuổi và lúc 19 tuổi . Ảnh: Nguyễn Nhài
Một bức ảnh - Một nỗi niềm - Một ký ức hồi sinh
Một đêm muộn, anh Khuất Văn Hoàng - thành viên nhóm Skyline - vô tình đọc được câu chuyện về liệt sĩ Đặng Thị Kim. Tấm ảnh cũ, mờ nhòe khiến anh không khỏi chạnh lòng. Anh lập tức bắt tay vào phục dựng, miệt mài đến gần 2 giờ sáng mới hoàn thành. Khi đăng bức ảnh lên Facebook, anh mong có thể tìm được thân nhân của liệt sĩ.
Tình cờ, một người bạn của bà Hằng (cháu ruột liệt sĩ) nhìn thấy bài đăng và báo cho bà. Bà Hằng lập tức nhắn tin cho anh Hoàng, mong muốn được nhận bức ảnh vì gia đình bà luôn mong có một bức ảnh rõ nét để thờ cúng do ảnh gốc đã bị hư hỏng theo thời gian.
Sáng ngày 29/3, nhóm Skyline đến trao tặng di ảnh cho gia đình của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Đặng Thị Kim (Oanh). Giữa gian nhà nhỏ, bức ảnh được nâng niu đặt lên bàn thờ.
Ông Đặng Vũ Quang Huyễn (em trai ruột của liệt sĩ Đặng Thị Kim) đỏ hoe mắt khi nhìn vào tấm ảnh. Gương mặt chị gái ông, sau hơn bảy thập kỷ, giờ hiện lên rõ ràng, không còn mờ nhòe theo năm tháng.

Hình ảnh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Liệt sĩ Đặng Thị Kim (Oanh) trước và sau khi được Skyline phục dựng ảnh. Ảnh: NVCC
“Chị tôi hy sinh từ năm 1948, bao năm qua gia đình cứ mong có một tấm ảnh để thờ mà không được…”, ông Huyễn nghẹn lời. “Nhưng bây giờ, được Nhà nước nhớ đến, được thế hệ trẻ như các cháu giúp phục dựng lại di ảnh… Đó là điều khiến tôi rất xúc động".
Khi cầm bức ảnh trên tay, bà Hằng không giấu nổi xúc động: “Nhìn trên mạng đã thấy nghẹn ngào, nhưng đến khi được tận mắt thấy ảnh, lại còn có cả video làm sống động gương mặt bà - chớp mắt, mỉm cười… thì cảm xúc vỡ òa”.
Liệt sĩ Đặng Thị Kim là giao liên của cách mạng, bị giặc chặt đầu khi đang mang thai 3 tháng. Gia đình kể rằng, vì chồng bà là Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, bà bị tra tấn đến tận cùng. “Chị tôi đã sống đi chết lại bao nhiêu lần. Chúng tra tấn không từ một thủ đoạn nào”. Gia đình đi tìm bà suốt nhiều năm, đến năm 2010 mới đưa được hài cốt về quê nhà.
Cảm kích trước gương hy sinh oanh liệt của bà, cố Giáo sư - Anh hùng Lao động Đặng Vũ Khiêu đã tặng bà câu đối:
“Vì nước quên thân, năm tháng chưa khô dòng máu biếc
Về quê gửi cốt, gió mưa vẫn vọng tiếng Oanh Vàng”

Câu chuyện về Liệt sĩ Đặng Thị Kim (Oanh) được Nhà nước và báo chí quan tâm, ghi nhận như một biểu tượng của lòng dũng cảm và sự hy sinh. Ảnh: Nguyễn Nhài
Người ghép nối thời gian qua từng nét ảnh
Sinh ra và lớn lên tại Hải Dương, Phùng Quang Trung đã từ bỏ công việc ổn định trong ngành marketing để theo đuổi một sứ mệnh đầy ý nghĩa - phục dựng và tôn vinh những ký ức lịch sử qua những tấm ảnh liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng và những anh hùng đã hy sinh vì đất nước.
Với đam mê phục chế ảnh, Trung cùng nhóm Skyline đã khôi phục hàng nghìn bức ảnh di ảnh liệt sĩ trên khắp cả nước, mang lại niềm hy vọng và sự tri ân cho các gia đình có người thân đã khuất.

Anh Phùng Quang Trung (đứng giữa) và đội ngũ các thành viên nhóm Skyline. Ảnh: NVCC
Trong suốt quá trình thực hiện dự án, anh Trung và nhóm Skyline đã không ít lần đối mặt với những khó khăn. “Thời gian là thách thức lớn nhất”, anh Trung chia sẻ. “Nhiều khi chúng tôi cố gắng hoàn thành một bức ảnh sớm nhất có thể, nhưng đến khi trao tay thì người thân của liệt sĩ đã không còn. Điều đó khiến chúng tôi luôn trăn trở”.
Bên cạnh đó, việc phục dựng ảnh cũng đòi hỏi kỹ thuật cao, đặc biệt với những bức ảnh hư hỏng nặng hoặc thậm chí không còn ảnh gốc. Trong nhiều trường hợp, nhóm phải dựng lại chân dung liệt sĩ dựa trên lời kể của thân nhân và ảnh của những người họ hàng, một quá trình có khi kéo dài cả tháng trời. Nhưng khi nhìn thấy những giọt nước mắt xúc động của gia đình khi nhận lại bức ảnh hoàn chỉnh, nhóm lại có thêm động lực để tiếp tục.

Công việc chủ yếu được thực hiện vào ban đêm vì đây là thời điềm dễ tập trung và nhanh chóng trao đổi về từng chi tiết của bức ảnh. Ảnh: NVCC
Nhóm Skyline cũng phối hợp với các tổ chức, Đoàn Thanh niên các tỉnh, thành để triển khai những chương trình lớn, trao tặng ảnh phục dựng cho các gia đình liệt sĩ. Một trong những chương trình đáng chú ý là “Tết Liệt sĩ” tại Nghệ An, nơi nhóm đã phục dựng hình ảnh 10 nữ thanh niên xung phong ở Ngã Ba Đồng Lộc, 13 liệt sĩ Truông Bồn và trao tặng bức ảnh liệt sĩ Võ Thị Sáu cho nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo).
Không chỉ dừng lại ở ảnh tĩnh, nhóm Skyline đang mở rộng sang những dự án lớn hơn. “Chúng tôi đang ứng dụng AI để tái hiện những khoảnh khắc lịch sử. Thậm chí, trong tương lai, có thể mang đến những thước phim về các liệt sĩ, về giai đoạn lịch sử mà trước giờ chưa có trong tài liệu”.
Một kỷ niệm khiến anh Trung xúc động khi nhớ lại chính là khi anh nhận được cuộc gọi lúc 1 giờ sáng từ gia đình một Mẹ Việt Nam Anh hùng, báo rằng mẹ sắp qua đời và chỉ mong có một bức ảnh gia đình trước khi ra đi. Trung thức trắng đêm để phục dựng bức ảnh đó, và gửi lại cho gia đình vào sáng hôm sau.
Đến 9 giờ sáng hôm sau, gia đình gọi lại thông báo rằng mẹ đã ngồi dậy, ăn uống được - điều mà trước đó không ai dám hy vọng. Đặc biệt, ngay sau đó, gia đình đã tổ chức lễ mừng thọ 100 tuổi cho mẹ.
Anh Trung không thể ngờ rằng bức ảnh anh phục dựng không chỉ là bức ảnh đơn thuần mà còn có thể mang lại một nguồn sống mới cho mẹ.
Là thành viên gắn bó với nhóm từ những ngày đầu, anh Khuất Văn Hoàng nhớ mãi một lần trao ảnh tại Hải Dương. “Nhóm luôn ưu tiên phục dựng ảnh cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng vì thời gian không còn nhiều. Nhưng hôm ấy, khi mang ảnh đến, chúng tôi lặng người khi biết mẹ vừa mất ba ngày trước. Khoảnh khắc đó khiến chúng tôi day dứt, vì dù đã rất cố gắng, chúng tôi vẫn không thể chiến thắng được thời gian”.
Với những nỗ lực không ngừng, Phùng Quang Trung đã được vinh danh là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Nhưng với anh, giải thưởng không chỉ là sự công nhận mà còn là một trách nhiệm lớn hơn. Ban đầu, anh chỉ nghĩ đơn giản rằng mình đang làm một việc ý nghĩa. Nhưng càng đi sâu vào công việc, anh càng nhận ra đây là một sứ mệnh cần phải hoàn thành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (bìa trái) và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy (bìa phải) trao Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu cho anh Phùng Quang Trung. Ảnh: NVCC
“Khi được mọi người đánh giá cao, tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi nhận giải thưởng này không phải chỉ cho riêng mình mà còn cho cả nhóm Skyline. Giải thưởng không chỉ tiếp thêm động lực mà còn nhắc nhở tôi phải tiếp tục học hỏi, trau dồi thêm kiến thức để xứng đáng với niềm tin ấy, để chúng tôi tiếp tục lan tỏa giá trị lịch sử và truyền thống, giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về những người đã ngã xuống vì đất nước”, anh Trung chia sẻ.