Nút giao lớn ở Hà Nội thoát ùn tắc sau khi bỏ đèn tín hiệu
Hà Nội - Sau hơn 2 năm bỏ đèn tín hiệu và tổ chức lại giao thông, nút giao Lê Quang Đạo - Châu Văn Liêm - Mễ Trì đã thoát ùn tắc, người dân đi lại thuận lợi.
Cuối năm 2022, Hà Nội tổ chức phân luồng giao thông, thí điểm bỏ đèn tín hiệu và không dựng vòng xuyến cứng ở khu vực nút giao Lê Quang Đạo - Châu Văn Liêm - Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) với mục đích giảm ùn tắc giao thông.
Theo phương án phân luồng, cấm các phương tiện đi thẳng theo hướng Mễ Trì - Châu Văn Liêm và ngược lại. Các phương tiện từ Mễ Trì đi Châu Văn Liêm theo hướng rẽ phải tại đường Lê Quang Đạo - quay đầu tại trước cổng Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Trung sau đó rẽ phải đi Châu Văn Liêm.
Các phương tiện từ Châu Văn Liêm đi Mễ Trì theo hướng rẽ phải đường Lê Quang Đạo, quay đầu tại điểm mở dải phân cách trước Chung cư The Matrix One, sau đó rẽ phải đi Mễ Trì.
Các phương tiện trên đường Lê Quang Đạo đi Mễ Trì, Châu Văn Liêm: đi thẳng qua nút, quay đầu tại điểm mở dải phân cách đối diện chung cư The Matrix One và trước cổng Cung văn hoá hữu nghị Việt Trung.
Anh Lê Văn Bảo (34 tuổi, quận Nam Từ Liêm) cho biết, thời gian đầu vì chưa quen với phương án phân luồng nên việc đi lại của người tham gia giao thông có khó khăn, phải di chuyển thêm 1 đoạn để vòng qua điểm ngã tư này. Thời điểm đó, nhiều người dân như anh Bảo còn hoài nghi về hiệu quả của giải pháp này.
"Sau hơn 2 năm triển khai, nút giao thông không đèn đỏ và vòng xuyến đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tình trạng ùn tắc đã được giảm đáng kể, trong cả khung giờ cao và thấp điểm" - anh Bảo nói.
Lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an TP Hà Nội cho biết, việc bỏ bớt đèn tín hiệu, tổ chức lại giao thông phù hợp sẽ giúp cho các phương tiện đi lại thuận tiện hơn. Nút giao Mễ Trì - Lê Quang Đạo là một điển hình.
Sau khi Hà Nội bỏ hệ thống đèn tín hiệu và tổ chức lại giao thông ở nút giao này, tình hình đã cải thiện rõ rệt.
Theo TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thời gian qua, số lượng phương tiện gia tăng rất nhanh, đặc biệt tại Hà Nội khiến mạng lưới giao thông bị quá tải. Điều này khiến hệ thống đèn tín hiệu giao thông và cách tổ chức phân luồng phương tiện ở một số nút giao không còn phù hợp.
Ông Tạo cho rằng, tín hiệu đèn đỏ đã chặn luồng phương tiện với mật độ dày đặc, hình thành điểm ùn tắc. Tại các nút giao, việc phân làn rẽ trái làm kéo dài thời gian dừng chờ đèn đỏ của phương tiện ở các làn khác. Các nút giao chưa phân làn rẽ trái thì phương tiện rẽ trái gây xung đột, tắc nghẽn.
"Việc bỏ đèn tín hiệu ở các nút giao và tổ chức phân luồng lại cho phương tiện sẽ tạo ra trục xuyên tâm thông suốt, phương tiện được di chuyển liên tục mà không phải dừng lại, lượng phương tiện được giải phóng lớn hơn nhiều lần so với hiện tại" - TS Khương Kim Tạo nhấn mạnh.
Ông Khương Kim Tạo cũng cho rằng, ý tưởng đề xuất bỏ đèn tín hiệu giao thông cần tiếp tục được cơ quan chức năng nghiên cứu, tính toán để áp dụng ở một số nút giao thông trọng điểm.
Tuy nhiên, theo ông Tạo, tổ chức giao thông là vấn đề rất phức tạp, khoa học nên cần dựa vào thực tiễn giao thông để có các phương án hiệu quả.