• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực di dời hơn 46.000 căn nhà: Bài toán chỉnh trang đô thị của TPHCM

Với nhiều giải pháp từ tăng hỗ trợ, dồn lực giải phóng mặt bằng, TPHCM đặt mục tiêu di dời 46.500 căn nhà ven sông, kênh, rạch từ nay đến năm 2030 nhằm chỉnh trang đô thị và khai thác quỹ đất cho phát triển.

Nỗ lực di dời hơn 46.000 căn nhà: Bài toán chỉnh trang đô thị của TPHCM

Rạch Xuyên Tâm đoạn qua quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: Minh Quân

Tăng hỗ trợ để người dân đồng ý di dời

Rạch Xuyên Tâm qua quận Bình Thạnh hiện có hơn 2.000 hộ dân chờ đợi phương án bồi thường và tái định cư. Một trong số đó là gia đình bà Thanh Cúc (60 tuổi) sống trong căn nhà 50m², gần một nửa diện tích lấn ra kênh. Hơn 20 năm qua, gia đình bà sống trong cảnh tạm bợ, luôn chờ đợi giải tỏa. Do đó, khi nghe thông tin thành phố sẽ tăng mức hỗ trợ, bà Cúc không giấu được niềm vui. "Nếu được nhận đủ tiền để mua một căn hộ giá rẻ ở Thủ Đức, tôi sẽ rời đi, để con kênh được làm sạch" - bà Cúc chia sẻ.

Dựa theo Luật Đất đai 2024, UBND TPHCM đã thông qua 20 chính sách linh hoạt nhằm hỗ trợ người dân sống ven rạch Xuyên Tâm. Đặc biệt, trường hợp đất thu hồi không vi phạm pháp luật, sử dụng trước ngày 15.10.1993 sẽ được hỗ trợ 100% giá trị đất, tối đa là 160m².

Đối với các trường hợp sử dụng đất từ ngày 15.10.1993 đến 1.7.2014, mức hỗ trợ cũng đạt 100%, nhưng trừ đi nghĩa vụ tài chính. Đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai trước ngày 1.7.2014, mức hỗ trợ dao động từ 42% đến 70% giá trị bồi thường, tùy theo mục đích sử dụng đất. Số tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm tại quận Bình Thạnh ước tính hơn 13.221 tỉ đồng.

Ông Phan Ngọc Anh Huy - Trưởng ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh - chia sẻ: "Bồi thường và tái định cư là mối quan tâm lớn nhất của người dân. Với mức hỗ trợ 100% giá trị đất ở, nhiều hộ dân đã bày tỏ sự phấn khởi". Quận Bình Thạnh dự kiến hoàn thành việc bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trước tháng 4.2025.

Các chính sách hỗ trợ tại dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm cũng sẽ được áp dụng cho dự án cải tạo bờ Bắc kênh Đôi (quận 8), nơi hơn 1.600 căn nhà sẽ bị giải tỏa, trong đó hơn 1.000 căn phải giải tỏa trắng.

Ông Nguyễn Hồng Thuận - Trưởng ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận 8 - cho biết: "Toàn quận có khoảng 15.000 trường hợp cần di dời để thực hiện cải tạo các kênh rạch. Hiện tại, địa phương đang tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng cho dự án cải tạo bờ Bắc kênh Đôi và dự kiến đến tháng 6.2025 sẽ hoàn thành cơ bản việc thu hồi mặt bằng". Ông Thuận cho rằng, việc tăng mức hỗ trợ sẽ giúp người dân có điều kiện mua được suất tái định cư hoặc nhà ở xã hội, từ đó dễ dàng đồng ý với việc di dời.

Rạch Xuyên Tâm đoạn qua quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: Minh Quân

Rạch Xuyên Tâm đoạn qua quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: Minh Quân

Hai bài toán lớn

TPHCM đặt mục tiêu di dời 46.500 căn nhà ven sông, kênh, rạch trong vòng 6 năm tới. Tuy nhiên, để thực hiện kế hoạch này, thành phố cần giải hai bài toán về quỹ đất, nhà tái định cư và nguồn vốn.

Hiện quỹ đất để xây dựng các khu tái định cư hiện nay đang thiếu trầm trọng. Các quận, huyện phải sử dụng đất từ các khu vực khác để đáp ứng nhu cầu tái định cư. Ví dụ, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm sử dụng 16 khu tái định cư tại Bình Thạnh, quận 10, 12 và TP Thủ Đức. Dự án cải tạo bờ Bắc kênh Đôi bố trí tái định cư tại 8 khu đất thuộc quận 8, Bình Tân, Tân Phú và huyện Bình Chánh.

Về nguồn vốn, chỉ riêng hai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm và bờ Bắc kênh Đôi đã có tổng mức đầu tư lên tới 24.600 tỉ đồng. Vì vậy, tổng cộng 46.500 căn nhà cần di dời sẽ đòi hỏi một nguồn vốn rất lớn để triển khai.

Đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho biết, đang phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố và các đơn vị liên quan để thực hiện điều tra xã hội học, thống kê số liệu, đồng thời tham mưu chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân sống trên và ven kênh rạch.

Về nguồn thu ngân sách, sẽ tính toán từ việc cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và khai thác quỹ đất sau khi giải tỏa.

Theo tiến sĩ Phạm Trần Hải - Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cơ chế khả thi nhất trong điều kiện thực tế của TPHCM là mở rộng biên chỉnh trang - tức là thu hồi đất ngoài ranh giới hành lang trên bờ sông, kênh rạch. Quỹ đất này sẽ được sử dụng để xây dựng các công trình hạ tầng xã hội và có thể bán đấu giá để thu hồi chi phí thực hiện các dự án.

Bên cạnh đó, thành phố cần chuẩn bị hỗ trợ về tài chính, ổn định đời sống, ổn định sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. “Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân bị ảnh hưởng để có các chính sách phù hợp, tránh gây căng thẳng, bức xúc cho người dân khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng” - ông Hải nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...