• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khoảng lặng cần lấp

Chuyện “quyết ra đi” của một sinh viên 19 tuổi chưa nguôi ngoai thì mới đây lại diễn ra việc nữ sinh 16 tuổi nhảy từ lầu cao trường học.

Dư luận bàng hoàng. Tại sao, tại sao, những câu hỏi đó không ngừng vang lên, không chỉ với cha mẹ, thầy cô, bạn bè của các em, mà còn với cả cộng đồng.

Đến nay, không có một câu trả lời cụ thể, chính xác nhất về quyết định của các em. Nhưng đáng chú ý, trong những thông tin về hoàn cảnh, thấp thoáng cho thấy dấu hiệu đáng sợ của căn bệnh chết người là trầm cảm. Giá như các em chia sẻ được, giá như ai đó biết được những uẩn ức, thì có lẽ bi thương đã không xảy ra…

Thực tế cho thấy, sức khỏe tâm thần của người trẻ đã và đang là vấn đề đáng cảnh báo. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 - 29 tuổi trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc vấn đề sức khỏe tâm thần chung từ 8 - 29% đối với trẻ em và vị thành niên, theo Báo cáo tóm tắt Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên tại một số tỉnh và thành phố của UNICEF.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần tuổi học đường như: Áp lực học tập; cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng ở con cái; sự thay đổi các mối quan hệ bạn bè; thói quen sống không lành mạnh… Đặc biệt, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 dẫn đến phải học trực tuyến kéo dài, khi trở lại trường học trực tiếp, không ít học sinh, sinh viên bị lạc nhịp. Không chỉ phải trải qua những thay đổi về tâm sinh lý, vừa phải làm quen với việc chuyển đổi từ học trực tuyến sang trực tiếp, một số em còn bị ảnh hưởng từ điều kiện kinh tế gia đình, mất người thân do dịch bệnh… Vì thế  sang chấn tâm lý diễn ra là khó tránh khỏi.

Quan tâm đến sức khỏe tâm thần của trẻ, từ năm 2017, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh gần đây cũng được cụ thể hóa trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 với chỉ tiêu “phấn đấu 95% các trường học có dịch vụ hỗ trợ tâm lý cho trẻ em vào năm 2025”.

Đến nay, hầu hết trường học đã có phòng hoặc tổ tư vấn tâm lý, đó là bước tiến đáng ghi nhận trong công tác chăm sóc bảo vệ trẻ. Đặc biệt, từ sau khi mở cửa trường, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc tăng cường công tác hỗ trợ tâm lý cho học sinh, các phòng, tổ tư vấn tâm lý được kích hoạt. Nhiều cách làm hay, hiệu quả, thiết thực, mang đến niềm vui cho trẻ đến trường đã và đang diễn ra.

Tuy vậy, nhìn chung, công tác tư vấn tâm lý học đường vẫn còn những khoảng lặng. Do chưa ổn định được vị trí việc làm của chuyên viên tư vấn tâm lý trong nhà trường cùng những chính sách đi kèm, nên đa phần công tác này hiện là kiêm nhiệm. Các trường thường sử dụng giáo viên chủ nhiệm, cán bộ làm công tác đoàn, đội… kiêm công tác tư vấn. Điều này gia tăng áp lực công việc của giáo viên. Mặt khác do không được đào tạo bài bản nên trong công tác tham vấn tâm lý, thầy cô còn nhiều lúng túng. Học sinh vẫn còn ngần ngại khi đến phòng tham vấn có các thầy, cô là những người đang hàng ngày giảng dạy mình…

Để hoạt động tư vấn tâm lý học đường ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, góp phầm bảo đảm sức khỏe tinh thần cho học sinh, rất cần chính sách, cơ chế để xây dựng đội ngũ tư vấn có chuyên môn. Nhưng, nếu chỉ mình đội ngũ chuyên môn, cũng chưa đủ. Trong bối cảnh hiện nay, điều kiện quan trọng để triển khai hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học đạt được hiệu quả, đó là cần phải thực hiện sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường và đặc biệt là phải huy động được các nguồn lực xã hội. Làm được điều này rất cần tâm và tầm của hiệu trưởng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...