Giữ khoảng cách trong tình yêu
Shivani (24 tuổi) từng phải báo cáo mọi hoạt động của mình, gọi điện 5 lần/ngày và từ chối đi chơi với gia đình, bạn bè vì bị bạn trai kiểm soát.
Chia sẻ với VICE, Ana (22 tuổi) không bao giờ nghĩ mối quan hệ tình cảm giữa cô và bạn trai lại trở nên tù túng tới vậy.
Khác với tính cách phóng khoáng ban đầu, anh ấy dần tỏ ra thiếu an toàn, muốn Ana phải ở bên cạnh mình phần lớn thời gian.
"Bạn trai buộc tôi phải chọn những món ăn anh ấy thích, không được có ý kiến trái ngược và phải gọi điện nhiều giờ mỗi ngày. Anh ấy không xem tôi như một cá thể độc lập, mà muốn cả hai trở thành đồng nhất", cô kể.
Theo bác sĩ tâm thần Era Dutt, mối quan hệ "không ranh giới" như trên có thể khiến con người mất đi sự riêng tư, buộc phải làm thứ họ không thích để chiều lòng đối phương.
"Không ít người lầm tưởng những hành động kiểm soát này là 'cử chỉ yêu thương', cho đến khi bản chất độc hại của mối quan hệ dần lộ rõ", bác sĩ Dutt nói.
Era Dutt nhận định căn nguyên của những mối quan hệ "không ranh giới" nằm ở phía gia đình. Cô nói nhiều bậc cha mẹ có xu hướng tham gia quá sâu vào mọi khía cạnh đời sống của con cái, ngay cả khi họ đã lớn.
Nghiên cứu về trẻ em mẫu giáo và cha mẹ do Viện Y tế Quốc gia Mỹ thực hiện chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa tương tác trong gia đình và cách con trẻ giao tiếp với xã hội.
Kết quả cho thấy những phụ huynh quản lý con quá mức có thể gây ra sự gia tăng các cảm xúc tiêu cực ở trẻ.
"Càng bị kiểm soát quá mức, đứa trẻ càng hiểu sai về cách hành xử khi ở trong một mối quan hệ. Lúc trưởng thành, đứa trẻ ấy sẽ mang theo những vết thương, nỗi bất an và áp đặt quan điểm độc hại lên đối phương", theo các chuyên gia thực hiện nghiên cứu.
Giám đốc Quan hệ công chúng Shivani (24 tuổi) đã trải qua một cuộc tình "không ranh giới" như vậy với bạn trai thời đại học.
Vì tình yêu, cô đã chấp nhận mọi hành vi kiểm soát của bạn trai như phải gọi điện 5 lần/ngày, báo cáo mọi hoạt động của mình cho nửa kia, từ chối mọi cuộc vui với gia đình, bạn bè để ở bên người yêu.
Mọi chuyện thay đổi khi cô bị anh ấy cưỡng hôn tại một sự kiện ở trường. Tương tự Ana, Shivani không hề có quyền lên tiếng cho những mong đợi của mình.
"Sau đó, một người bạn thân đã giải thích cho tôi rằng đó không phải tình yêu. Anh ấy vốn thiếu thốn tình cảm từ mẹ, nên phụ thuộc mọi thứ vào tôi. Cuối cùng, tôi đã chia tay với người đó", cô kể.
Từ câu chuyện của Shivani, bác sĩ Dutt khuyên mọi người nên duy trì mối quan hệ với bạn bè khi đang yêu đương.
"Bạn bè là những người đáng tin cậy, sẵn sàng kéo bạn ra khỏi một cuộc tình độc hại khi nhìn thấy sự thay đổi tiêu cực, khác thường ở bạn".
Một cách khác để nhìn nhận lại mối quan hệ tình cảm là quan sát sự thay đổi của bản thân.
"Khi yêu, con người có thể thay đổi sở thích, quan điểm theo đối phương. Song, bạn có thực sự thích những bộ phim thương mại giống họ không? Sự thay đổi của bạn có tự nguyện, phù hợp với cá tính và nguyên tắc cá nhân không?", Dutt nói.
Với Bijoy (28 tuổi), nhà quy hoạch đô thị, sự dựa dẫm quá mức của bạn trai chính là biểu hiện của mối quan hệ "không ranh giới".
"Anh ấy chuyển đến một thành phố mới, nhưng sẵn sàng chạy xe 3 giờ mỗi ngày để ở bên tôi. Tôi cảm thấy bạn trai đã chiếm quá nhiều không gian và thời gian riêng tư của mình. Có lúc, tôi đang đi làm thì anh ấy lại rủ đi bảo tàng, xem phim", anh kể.
Chuyên gia trị liệu tình cảm Pallavi Barnwal (Mỹ) khuyên rằng nếu bị kẹt trong một mối quan hệ kiểm soát, dựa dẫm quá mức, ta nên đặt câu hỏi: "Có nên giữ người ấy trong cuộc đời mình nữa không?", "Đấy có phải là biểu hiện của tình yêu?"...
Khi đã có câu trả lời cho những vấn đề trên, Barnwal gợi ý cả hai có thể tìm cách làm phong phú cuộc sống của mình, thay vì gắn chặt với nhau.
"Bạn có thể dành thời gian cho gia đình, đọc sách, tìm sở thích mới hay nuôi thú cưng. Nếu gặp khó khăn, bạn có thể tìm đến các chuyên gia trị liệu. Bạn cần mở rộng các mối quan hệ, thay vì dựa dẫm hoàn toàn vào nửa kia và khiến đôi bên kiệt quệ", Barnwal nói.