• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo xuất khẩu lao động, du học

Dù cơ quan chức năng liên tục phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo xuất khẩu lao động, du học, song các vụ án lừa đảo xuất khẩu lao động, du học... vẫn thường xuyên xảy ra trong thời gian gần đây.

Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo xuất khẩu lao động, du học

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đang điều tra vụ án lừa đảo xuất khẩu lao động, ra quyết định khởi tố 2 bị can. Ảnh: Công an TP Hà Nội

Nhiều nạn nhân mắc bẫy

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đang điều tra vụ án lừa đảo xuất khẩu lao động, ra quyết định khởi tố 2 bị can. Theo tài liệu điều tra, khoảng tháng 9.2018, anh Văn Hoàng (tên đã thay đổi) đến Công ty Hoàng Hà để làm thủ tục đi du học tại Hàn Quốc.

Tại thời điểm này, Hà Văn Hùng (SN 1993) trú tại xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa và Hoàng Thị Hương (SN 1986) trú tại xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Hà Nội trực tiếp tư vấn về chương trình du học cho anh Văn Hoàng. Ngày 6.9.2018, anh Hoàng nộp cho Hoàng Thị Hương 10 triệu đồng tiền đặt cọc làm thủ tục đi du học. Ngày 27.11.2018, anh Hoàng nộp gần 84 triệu đồng cho Hoàng Thị Hương để làm cam kết ủy quyền đi du học. Ngày 25.12.2018, Hương tiếp tục thu hơn 93 triệu đồng của anh Hoàng với mục đích để làm thủ tục xin Visa. Tuy nhiên, đến nay anh Hoàng không được đi du học và không được trả lại tiền. Tổng số tiền anh Hoàng bị chiếm đoạt là hơn 187 triệu đồng.

Trên địa bàn TP Cần Thơ cũng xảy ra hàng loạt vụ việc liên quan đến các công ty, cá nhân đứng ra làm môi giới xuất khẩu lao động dù không được cấp phép hoặc nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 30.10, Công an TP Cần Thơ cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Thị Ngọc Nương (SN 2000, ngụ xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh) về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Môi giới “chui” rầm rộ trên mạng

Ghi nhận của Lao Động trong nhóm “Bóc phốt Xuất khẩu lao động và Du học nghề - Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu lao động tinh vi” với 44.000 thành viên tại mạng xã hội Facebook cho thấy, không khó để bắt gặp những bài đăng của nạn nhân bị lừa đảo xuất khẩu lao động.

Trong đó, chị Nguyễn Thị Phương Trinh (tên nhân vật được yêu cầu thay đổi) đã đăng đàn cảnh báo khi bản thân chị bị mất số tiền gần 300 triệu đồng chỉ trong vòng 1 tháng. Trước đó, từ huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, chị Trinh lặn lội ra Hà Nội tìm kiếm công ty môi giới xuất khẩu lao động đã lừa của chị số tiền trên. Theo lời kể của chị Trinh, khi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, chị vô tình được một người phụ nữ tự xưng là người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc kết bạn. Người này hướng dẫn chị Trinh kết nối với công ty môi giới xuất khẩu lao động và đóng số tiền cọc là 10 triệu đồng để giữ chỗ.

“Chúng nói tôi không cần phải ra tận công ty để làm thủ tục, giấy tờ, chỉ cần hồ sơ xong là ra ký giấy tờ rồi bay, tôi đã chờ hơn 1 tháng, nhưng vẫn không nhận được cuộc gọi nào” - chị Trinh vừa khóc, vừa nói.

Theo chị Trinh, đối tượng lừa đảo thông qua 3 người khác nhau. Một người tự xưng là người lao động đã được xuất khẩu lao động thành công, một người là nhân viên công ty môi giới, còn một người là quản lý của người lao động tại Hàn Quốc. Khi được hỏi vì sao lại dễ dàng tin tưởng để chuyển tiền cho các đối tượng trên, chị Trinh nói: “Chúng khiến cho tôi tin rằng, chỉ cần đóng tiền là xong, đến ngày là sẽ được đi. Nếu rút lại tiền mà không tiếp tục đóng thêm thì tôi sẽ mất hết số tiền đã cọc”.

Trao đổi với Lao Động, đại diện Cục Quản lý Lao động nước ngoài (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) khuyến cáo, để tránh bị lừa, người lao động trực tiếp nộp tiền dịch vụ tại doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng, không nộp tại chi nhánh. Khi nộp tiền yêu cầu công ty dịch vụ cấp phiếu thu tiền hoặc hóa đơn có nội dung tên đầy đủ của công ty, ngày lập chứng từ, người nộp tiền, số tiền và nội dung nộp, kế toán, thủ quỹ và đóng dấu doanh nghiệp (ghi rõ họ tên, chức danh và ký nhận).

Trong trường hợp vì lý do khách quan, người lao động không thể nộp tiền trực tiếp tại DN mà nộp bằng hình thức chuyển khoản, cần kiểm tra kỹ thông tin để đảm bảo số tài khoản nhận tiền, tên tài khoản đúng của doanh nghiệp dịch vụ.

“Khi có vấn đề phát sinh liên quan đến công ty dịch vụ, đối tượng mạo danh nhân viên công ty dịch vụ, đề nghị phản ánh tới đơn vị này, Sở LĐTBXH các địa phương, cơ quan chức năng để được hướng dẫn, xử lý” - đại diện Cục Quản lý Lao động nước ngoài thông tin.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...