• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vượt khó chăm lo cho người lao động

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang dù đối diện nhiều khó khăn nhưng vẫn tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, bởi đây là tài sản quý.

UBND tỉnh An Giang vừa tuyên dương 39 doanh nghiệp (DN) đạt danh hiệu "DN vì người lao động (NLĐ) năm 2022". Đây là những đơn vị nhạy bén vượt khó, duy trì hoạt động sản xuất; đồng thời tìm giải pháp tốt nhất để duy trì việc làm, bảo đảm thu nhập cho NLĐ.

Lo cho công nhân từng chút một

Năm 2021, dịch COVID-19 đã tác động xấu đến tình hình sản xuất - kinh doanh của hầu hết các DN trên cả nước, trong đó có các DN tại An Giang. NLĐ cũng vì thế mà chịu ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập. Thế nhưng, bất chấp khó khăn, nhiều DN vẫn xoay xở đủ việc làm, ổn định thu nhập và phúc lợi cho NLĐ.

Thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, dù phải chi phí khá tốn kém cho mô hình "3 tại chỗ" nhưng nhiều DN vẫn chăm lo cho NLĐ đúng mức. Điển hình như Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời lắp đặt thêm phòng ở, hỗ trợ thêm tiền ăn, tạo hồ thủy tạ để NLĐ câu cá giải trí. Công ty CP Xây lắp An Giang bồi dưỡng sữa, mì gói, bánh trong ca làm việc cho NLĐ. Còn Công ty CP Dược phẩm Agimexphram hỗ trợ thêm tiền ăn và thưởng cho NLĐ thực hiện "3 tại chỗ" mỗi người 2,5 triệu đồng. Sự quan tâm của DN khiến NLĐ ấm lòng, thêm gắn bó với nơi làm việc.

Vượt khó chăm lo cho người lao động - Ảnh 1.

Lãnh đạo Công ty CP Môi trường Đô thị An Giang tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn

Dịch COVID-19 qua đi, bước sang năm 2022, hầu hết các DN trong tỉnh An Giang có bước khởi sắc, phát triển và tạo được dấu ấn rõ rệt. Trong 10 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 220 DN tái hoạt động, 710 DN đăng ký mới và hơn 11.251 lao động được các DN tuyển dụng. Qua khảo sát, ngoài trả lương cao hơn so lương tối thiểu vùng, các DN trên địa bàn tỉnh còn có nhiều chính sách chăm lo khác để động viên NLĐ và con em họ vào các dịp lễ, Tết. Ước tính các DN đã cho hơn 20 tỉ đồng thăm hỏi, hỗ trợ các trường hợp NLĐ khó khăn, ốm đau, bệnh tật và người thân của NLĐ bị bệnh tật hiểm nghèo.

Ông Trần Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường Đô thị An Giang, cho biết toàn công ty có hơn 900 cán bộ, nhân viên và công nhân làm việc ở nhiều bộ phận khác nhau. DN hoạt động trong lĩnh vực môi trường nên ban giám đốc luôn trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động cho NLĐ, từ đó tạo sự an tâm và thoải mái cho họ. Ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, NLĐ còn có thêm phần thu nhập từ hiệu quả sản xuất - kinh doanh hằng tháng. Tiền ăn giữa ca cho NLĐ là 24.000 đồng/người/ngày.

Từ đầu năm đến nay, Công đoàn cơ sở phối hợp với Ban Tổng Giám đốc tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, tặng quà cho các đoàn viên bị ốm đau hoặc có hoàn cảnh khó khăn đột xuất với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng. "Gia đình các công nhân gặp khó khăn đột xuất được tạm ứng lương để giải quyết công việc. Các dịp Tết Nguyên đán hằng năm, NLĐ được hỗ trợ tiền về quê với mức 1,2 triệu đồng/người và tặng 1 phần quà trị giá khoảng 600.000 đồng" - ông Tâm cho biết thêm.

Khi doanh nghiệp là nhà

Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, các DN chăm lo tốt đời sống vật chất lẫn tinh thần cho NLĐ đều có quan hệ lao động ổn định, hài hòa. Trong suy nghĩ của chủ DN, chăm lo cho NLĐ là khoản đầu tư sinh lời.

Tại Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, 100% NLĐ đều được ký hợp đồng lao động, trích nộp BHXH, BHYT và nâng lương kịp thời. Ngoài ra, công ty còn duy trì tổ chức bữa ăn giữa ca cho NLĐ ở mức cao hơn quy định. Cá nhân và tập thể có thành tích lao động xuất sắc đều được thưởng định kỳ. Bên cạnh, công ty còn dành khoảng 12 tỉ đồng mỗi năm để tổ chức cho NLĐ du lịch. Có thâm niên làm việc tại Nhà máy Thuốc Bảo vệ thực vật Châu Thành (thuộc Tập đoàn Lộc Trời), chị Trần Thị Ngọc Trân cho biết rất hài lòng và muốn gắn bó lâu dài với nhà máy. "Nhà máy luôn trả lương, thưởng rất đúng hạn, chưa kể phúc lợi cũng rất tốt, cuộc sống NLĐ rất ổn định. Lao động nữ được quan tâm, chăm sóc trong những ngày kỷ niệm giới như 8-3, hay 20-10. Gắn bó lâu với nhà máy, tôi thấy đây như là nhà của mình" - chị Trân bày tỏ.

Tại Công ty CP Phà An Giang, hằng tháng, ban giám đốc đều tổ chức đo đạc môi trường theo định kỳ nhằm cải thiện tốt điều kiện, môi trường lao động nhằm ổn định sản xuất, giảm bệnh nghề nghiệp và tránh xảy ra tai nạn lao động. Ngoài ra, công ty còn dành hơn 450 triệu đồng chăm lo phúc lợi cho NLĐ mỗi năm. Chưa dừng lại đó, công ty còn chi trên 300 triệu đồng mỗi năm để mua bảo hiểm tai nạn kết hợp cho toàn thể NLĐ. Theo ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phà An Giang, các chính sách chăm lo căn cơ của DN không nằm ngoài mục tiêu giúp NLĐ luôn cảm thấy an tâm và gắn bó lâu dài với nơi làm việc. Ngoài việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ, các DN còn phối hợp cùng Công đoàn cơ sở duy trì thường xuyên kênh đối thoại định kỳ để kịp thời tiếp nhận, xử lý, giải đáp thắc mắc của NLĐ thông qua nhiều hình thức văn bản, bảng thông báo nội bộ, loa phát thanh, hộp thư tiếp nhận ý kiến hoặc đối thoại trực tiếp...

Sát cánh cùng người sử dụng lao động, tổ chức Công đoàn tại DN còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao phù hợp theo đặc thù sản xuất - kinh doanh của đơn vị, đưa phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được triển khai rộng khắp trong lực lượng lao động góp phần tích cực nâng cao mức thụ hưởng văn hóa, đời sống tinh thần của NLĐ tại DN.

"Ở các DN được vinh danh, NLĐ là nhân tố quan trọng, là tài sản quý giá. Khi NLĐ được chủ DN quan tâm, chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện để có được môi trường làm việc tốt, công việc và thu nhập ổn định, họ sẽ yên tâm làm việc, cống hiến hết mình cho DN".

Ông LÊ VĂN PHƯỚC, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...