• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về Làng Vũ Đại thăm nhà BÁ KIẾN

Làng Vũ Đại sầm uất như một phố thị với nghề kho cá xuất ra tận nước ngoài.

Thăng trầm 7 đời chủ nhà

Tôi từ Sa Pa chạy một mạch hơn 400 km về tỉnh Hà Nam, ghé thăm làng Vũ Ðại, nhà Bá Kiến. Chí Phèo và Thị Nở chỉ có trong truyện ngắn "Chí Phèo" nổi tiếng của nhà văn, liệt sĩ Nam Cao; thực tế chỉ còn ngôi nhà mà cả làng Vũ Ðại đều công nhận là nhà Bá Kiến.

Về Làng Vũ Đại thăm nhà BÁ KIẾN - Ảnh 1.

Nhà Bá Kiến ngày nay ở làng Đại Hoàng (thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) Ảnh: THANH HỘI

Ông Nam Cao đã lấy cảm hứng từ đời sống, không gian ngôi nhà này để biến thành ngôi nhà trong truyện. Nếu ai đã xem truyện ngắn "Chí Phèo" hay xem phim truyện "Làng Vũ Ðại ngày ấy", bây giờ đến đây sẽ không còn nhận ra cái làng Vũ Ðại xưa nữa. Ðó từng là một làng quê tăm tối, lạc hậu nằm giữa cánh đồng chiêm trũng của đồng bằng Bắc Bộ với đời sống vô cùng khổ sở dưới thời thực dân phong kiến mà như nhà thơ Nguyễn Ðình Thi viết: "Thằng giặc Tây, thằng chúa đất/Ðứa đè cổ, đứa lột da" (Ðất nước). Bây giờ, làng Vũ Ðại sầm uất như một phố thị với đầy đủ dịch vụ tận nhà, đặc biệt là nghề kho cá thương mại xuất ra tận nước ngoài.

Ngôi nhà Bá Kiến là kiểu nhà ba gian cất theo lối kiến trúc truyền thống Bắc Bộ. Nhà tọa lạc trên mảnh vườn 900 m², nghe nói trước đây còn hai dãy nhà ngang nữa, giờ đã mất dấu. Gian giữa kê một chiếc bàn thờ, gian bên phải kê một cái chõng và trên vách tường treo tấm biển ghi tên 7 đời chủ của căn nhà. Thế là hết chẳng còn vật dụng gì nữa.

Ghi dấu ấn trong mắt du khách là lối kiến trúc đặc sắc với cột kèo chạm khắc tinh xảo những hoa lá, đầu rồng... mềm mại như rồng bay, phượng múa. Toàn bộ nhà được xây cất từ gỗ lim ta Thanh Hóa. Những cây cột còn rắn chắc dù đã trải qua mưa nắng hơn 100 năm.

Một nhân viên Ban Văn hóa xã Hòa Hậu giới thiệu rằng người chủ đầu tiên của ngôi nhà này là ông Trần Duy Hạnh - một lái buôn giàu có nổi tiếng vùng này. Năm 1904, ông thuê tốp thợ gần 20 người ở Phủ Lý về đục đẽo xây dựng gần tròn 1 năm mới xong. Khi ông Hạnh qua đời, ngôi nhà được truyền cho con trai là cụ Trần Duy Xẩm. Khi ông Xẩm lên trời, ông Trần Duy Cát (con trai) được thừa hưởng ngôi nhà. Từ đây, dòng họ Trần Duy mất ngôi nhà vì ông Cát ham mê cờ bạc. Chỉ trong một đêm thua bạc, ông đã phải chuyển căn nhà cho một người ngoại tộc là ông Trần Duy Bính.

Cụ Trần Duy Bính là một địa chủ giàu có, lại là nghị viên Bắc Kỳ thời Pháp thuộc và có làm quan trong vùng. Cụ Bính có tới 5 bà vợ ở chung, tất cả ở dãy nhà ngang phía dưới; duy nhất bà ba được cụ yêu thương mới ở nhà trên. Ngôi nhà cụ Bính để thờ tự và tổ chức những sới bạc thâu đêm, suốt sáng. Chính cụ Bính đã làm nên cảm hứng để Nam Cao xây dựng hình tượng Bá Kiến trong "Chí Phèo".

Khi ông Bính qua đời, ngôi nhà truyền lại cho con trai là cụ Trần Duy Tảo, rồi lại bán cho một dòng họ khác. Cụ Trần Hữu Hậu, một Việt kiều, tiếp nối rồi chuyển cho cháu mình là ông Trần Hữu Hòa. Ðến năm 2007, nhà nước mua lại căn nhà từ vợ ông Hòa, giao cho UBND xã Hòa Hậu giữ để làm di tích và phục vụ khách tham quan du lịch đến nay.

Di sản của Nam Cao...

Ðứng giữa ngôi nhà, tôi có cảm giác rờn rợn. Lớp rêu phong trên mái ngói, lớp bụi phủ trên cột kèo đã che mờ một quá khứ tầng tầng, lớp lớp của 7 đời chủ và không biết bao kiếp người từng trú ngụ.

Những người già của làng Vũ Ðại kể rằng đến đời của cụ Trần Duy Cát, tuy giàu sang phú quý tột bậc nhưng vì mê cờ bạc nên của cải trong nhà lần lượt ra đi. Người ta nói rằng cái chết của cụ là do tự tử vì buồn chán. Thế nên đám tang của một người từng làm quan to và giàu có mà không kèn trống rình rang.

Bảy đời chủ ngôi nhà này đều có một đặc điểm chung là giàu có nhưng lụn bại dần. Một số người chết trong bần hàn, đau khổ dù trước đó là đại điền chủ giàu sang khét tiếng. Riêng ông Trần Hữu Hòa, dù bỗng dưng được thừa kế ngôi nhà từ cụ Hậu nhưng cũng có một số phận bi thảm. Năm 2007, người ta phát hiện ông chết trong tư thế treo cổ ở gian nhà dưới. Sau cái chết của ông, vợ ông quyết định phá bỏ cái dãy nhà dưới năm gian trong quần thể nhà Bá Kiến ngày nay và bà cũng như những người khác không còn ở ngôi nhà này nữa.

Trải qua hơn 100 năm thăng trầm nhưng ngôi nhà Bá Kiến chỉ được cả nước biết đến nhờ một sự kiện. Ðó là vào năm 1941, truyện ngắn "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao được xuất bản. Hồi đó, nó có tên là "Cái lò gạch cũ", lần xuất bản thứ 2 đổi tên là "Ðôi lứa xứng đôi" và sau cùng nhà văn đổi tên là "Chí Phèo".

Sinh ra và lớn lên ở làng Ðại Hoàng, Nam Cao đã lấy cảm hứng từ đời sống của làng quê, lấy cuộc sống có thật của người dân trong làng như cụ Cát, anh Chí và lấy không gian làng Ðại Hoàng để xây dựng thành một tác phẩm văn học được đánh giá là đỉnh cao của dòng văn học phê phán. Người ta kể rằng ngoài cụ Cát thì trong làng ngày ấy có một anh Chí ngày ngày cứ la cà xin lòng heo trong làng mà nhắm rượu, sau này trở thành khuôn mẫu cho nhân vật Chí Phèo. Anh Chí Phèo trong truyện ngắn nát rượu, ăn vạ, muốn làm người tốt nhưng "ai cho tao lương thiện". Trong cái xã hội tăm tối, người nông dân Bắc Bộ muốn thoát ra cái nghèo đói, lạc hậu mà bất lực. Sự phản ánh chân thực và giá trị nhân văn sâu sắc đã đưa tác phẩm sống mãi đến hôm nay.

Cái tài hoa của Nam Cao là ở chỗ ông đã bê đặc trưng của đời sống làng quê vào văn học. Và rồi cuộc đời mặc nhiên thừa nhận đó là một cuộc đời thật dù chỉ là sản phẩm tưởng tượng. Từ khi người xưa đến đây khai thiên lập địa, cái làng này có tên là làng Ðại Hoàng, trong sổ sách hành chính của địa phương bây giờ vẫn thế. Từ ngày ông Nam Cao viết truyện ngắn "Chí Phèo", người ta gọi làng Ðại Hoàng là làng Vũ Ðại. Tương tự như thế, ngôi nhà mấy đời chủ ở làng Ðại Hoàng cũng mặc nhiên được gọi là nhà Bá Kiến. Rồi chẳng có thật một đêm hoan lạc, ăn tô cháo hành ở lò gạch của Thị Nở và Chí Phèo, vậy mà hôm nay du khách được chỉ dẫn đường ra cái lò gạch.

Nam Cao đã tặng cho quê hương mình một thứ còn quý hơn vàng bạc. Ðó là danh tiếng, là sức hút. Xuân đến, du khách thập phương đổ về làng Vũ Ðại. Tại các phân xưởng cá kho, người ta đặt là cá kho quê anh Chí, cá kho làng Vũ Ðại... Mong rằng ngành du lịch làng Ðại Hoàng tiếp tục khởi sắc và những du khách đến tham quan làng Vũ Ðại sẽ hiểu hơn về nhà văn Nam Cao và những đóng góp để đời của ông.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...