• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Văn hóa Nga để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi

Văn học Nga, với bề dày lịch sử và sự đa dạng về thể loại, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhiều thế hệ độc giả trên toàn thế giới.

Văn hóa Nga để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi

Nhà văn Đức Anh sinh ra và có tuổi thơ sống ở Nga. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tôi sinh ra và học những con chữ đầu tiên ở nước Nga, thành phố Kostroma nơi có sông Volga chảy qua. Một vài năm sau, gia đình chúng tôi chuyển đến sống ở Kalinin (nay là Tver).

Ngày tôi còn bé, người Việt ở Nga đông lắm, thuộc 2 dạng: đi xuất khẩu lao động hoặc du học sinh. Mỗi cuối tuần, họ hay tụ tập ở nhà chúng tôi. Khi ba mẹ tôi đi làm, các cô chú ấy sẽ trông nom tôi. Tôi lớn lên trong một cộng đồng người Việt như thế. Đến bây giờ, sau nhiều năm về nước các cô chú ấy vẫn nhớ đứa cháu nhỏ ngày nào.

Tuổi thơ tôi in đậm những ký ức đặc biệt về nước Nga, nơi tôi xem như quê hương của mình. Từ khi bắt đầu viết văn, tôi dùng tên Kostroma bên cạnh tên thật để thành bút danh của mình.

Tuổi thơ của tôi là những chuyến đi trên sông Volga thơ mộng, trong những bìa rừng ven sông. Ký ức đó mang lại cho tôi những nét khác biệt trong tâm hồn so với những bạn bè đồng trang lứa sinh ra ở quê hương Việt Nam. Lối sống nửa Á nửa Âu làm tôi có suy nghĩ “Tây” hơn một chút so với bạn bè.

Tôi về Việt Nam năm 7 tuổi, năm đó cũng diễn ra trận bóng đá giao hữu Đội tuyển Việt Nam thắng Đội Nga 1-0 ở Dunhill Cup. Năm đó tôi cổ vũ cho Đội tuyển Việt Nam như một lời từ biệt nho nhỏ đến quê hương thứ hai. Năm lớp 7 tôi bắt đầu bỏ truyện tranh và đọc văn học, không thể quên được cuốn sách đầu đời là “Sông Đông êm đềm”.

Văn học Nga, với bề dày lịch sử và đa dạng thể loại, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhiều thế hệ độc giả toàn thế giới. Từ những tác phẩm kinh điển của thế kỷ XIX đến những tác phẩm hiện đại, văn học Nga phản ánh sinh động và chân thực cuộc sống, tâm hồn và tinh thần của con người Nga. Với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, lịch sử đau thương, phần nào đó cũng gần gũi với người đọc Việt Nam.

Tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm” xoay quanh cuộc sống của những người Cossack sống ở vùng sông Đông, đặc biệt là câu chuyện về gia đình Melekhov. Nhân vật chính, Grigory Melekhov, trải qua một cuộc đời đầy biến động với những mối tình đam mê, những trận chiến ác liệt và những đấu tranh nội tâm phức tạp.

Bối cảnh lịch sử của tiểu thuyết trải dài từ trước Cách mạng Nga, xuyên qua Thế chiến thứ Nhất, Cách mạng tháng Mười và cuộc Nội chiến Nga. Những biến cố lịch sử và xã hội không chỉ định hình cuộc đời Grigory mà còn phản ánh những thay đổi sâu sắc trong xã hội Nga. Grigory Melekhov là một người đàn ông mạnh mẽ, đầy mâu thuẫn, luôn bị giằng xé giữa tình yêu và trách nhiệm, giữa lòng trung thành với gia đình và nghĩa vụ với quê hương. Mối tình vừa mãnh liệt vừa bi thương của Grigory với Aksinia tạo nên sức hút mạnh mẽ cho tác phẩm. Đó là lần đầu tiên tôi được đọc một kiệt tác trong đời.

Cuốn tiểu thuyết Nga thứ hai mà tôi đọc là “Anna Karenina” của Tolstoy, mô tả cuộc sống của tầng lớp quý tộc Nga trong thế kỷ XIX. Truyện kể về bi kịch của Anna Karenina, một phụ nữ quý tộc đã phản bội chồng để chạy theo tình yêu với viên sĩ quan Vronsky, từ đó dẫn đến sự hủy hoại của cô. Tác phẩm đậm chất bi kịch này là một bức tranh rộng lớn về xã hội Nga, những mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, giữa cá nhân và xã hội.

“Tội ác và hình phạt” là một trong những tiểu thuyết xuất sắc và gây sốc nhất với tôi. Qua cuộc đấu tranh nội tâm đầy đau khổ của Raskolnikov, Dostoevsky đã khai thác sâu tâm lý con người, đạo đức và tôn giáo. Tác phẩm đã đưa ra những câu hỏi triết học lớn về thiện và ác, tội lỗi và sự chuộc tội, đồng thời làm sáng tỏ sức mạnh của tình yêu.

Rất tiếc là ngày nay văn học Nga không còn được biết đến rộng rãi, có lẽ do sự lùi về hậu trường của nhiều dịch giả giỏi về tiếng Nga, để lại một nỗi tiếc nuối sâu sắc. Những tác phẩm mang hơi thở đương đại của các nhà văn Nga như Lyudmila Ulitskaya (từng được đề cử giải Nobel Văn học), Victor Pelevin hay Boris Akunin chứa đựng những câu chuyện, triết lý và góc nhìn mới mẻ, xứng đáng được tiếp cận và yêu mến bởi độc giả Việt Nam.

Giữa niềm tiếc nuối ấy, chúng ta vẫn giữ vững hy vọng mạnh mẽ rằng, văn học Nga hiện đại sẽ dần dần lan tỏa và nhận được sự đón nhận nhiệt tình từ độc giả Việt Nam.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết