• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Văn hóa dưới góc nhìn từ lịch sử và biến động thời cuộc của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh

Cuốn sách “Văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập” bày tỏ sự tri ân với lịch sử, từ đó đưa góc nhìn sâu sát của tác giả với tiến trình phát triển của văn hóa khi được khởi tạo và gìn giữ qua thăng trầm lịch sử.

Văn hóa dưới góc nhìn từ lịch sử và biến động thời cuộc của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cuốn sách “Văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập” do PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh tập hợp, chọn lọc những bài viết của ông từng đăng trên các tờ báo danh tiếng, ở nhiều dạng thức thể loại như: Xã luận, bình luận, bút ký, phóng sự, ghi chép...

Cuốn sách gồm gần 80 bài viết được chia thành 3 phần với 3 chủ đề: Văn hóa còn thì dân tộc còn, Chữ tình còn mãi với thời gian, Báo và văn vẫn nở đua dưới nắng.

Mỗi trang viết của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh trong cuốn sách dày hơn 500 trang thấm đẫm tâm huyết, sự trăn trở của ông với tiến trình phát triển văn hóa của đất nước với tất cả những ưu việt và hạn chế.

Văn hóa đặt trong những biến thiên lịch sử, giữa biến động thời đại, vừa hun đúc tạo dựng giá trị và nền tảng vững bền, vừa tồn đọng những bất cập, biến tướng. Ngòi bút của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh sắc ngọt, linh hoạt, khi thấy ông tri ân và trân trọng lịch sử, ngợi ca nét đẹp văn hóa, tự hào khi văn hóa bước ra từ lịch sử trở thành biểu tượng của quốc gia trên trường quốc tế, khi lại thấy ông thẳng thắn, phơi bày những tồn đọng, bất cập trước những biến tướng của văn hóa giữa thời đại biến động.

Ở phần một “Văn hóa còn thì dân tộc còn” là góc nhìn sâu sát về vị thế, tầm vóc lịch sử của văn hóa trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Loạt bài viết của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh thể hiện sự nghiên cứu, tìm tòi đầy tâm huyết.

Bên cạnh việc chứng minh văn hóa cần được đầu tư để phát triển tiềm lực như kinh tế, chính trị, chứng minh văn hóa là sức mạnh mềm của mỗi quốc gia như thế nào, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh cũng chỉ ra những thách thức, hạn chế, “tư duy về văn hóa trong thời kỳ mới chuyển đổi khá chậm trước tình hình kinh tế - xã hội chuyển động rất nhanh (cả trong nước và thế giới)... Văn hóa gồm rất nhiều lĩnh vực mang tính đặc thù mà người quản lý - chủ nhân hoạch định cơ chế, chính sách hình như vẫn xây dựng theo các ba-rem cách đây nhiều năm, có chăng “điều chỉnh chút” cho cái gọi là sự cân bằng ngân sách hiện có?”, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội đã vô hình bị chặn lại ngay từ khâu đầu tiên?! Phải chăng tư duy thay đổi chậm cùng cách tổ chức thực hiện theo lối cũ đang là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra các lực cản khi triển khai cụ thể?!”.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh đặc biệt nhấn mạnh vai trò của con người - những chủ thể sáng tạo ra văn hóa và giữ gìn văn hóa, phải không ngừng đổi mới mình khi thế giới đã bước vào thời đại công nghệ 4.0.

Bìa sách “Văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập”. Ảnh: Nhà xuất bản

Bìa sách “Văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập”. Ảnh: Nhà xuất bản

“Áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào phát triển văn hóa như thế nào?” là điều tác giả trăn trở.

Mỗi trang viết của ông, trong mỗi con chữ đều chứ đựng tính khảo cứu, tìm hiểu sâu rộng về văn hóa.

Vượt lên trên khuôn khổ của mỗi bài báo, mỗi trang viết của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh có thể xem như những tư liệu quý giá, đầy tính nghiên cứu về văn hóa và cần được lưu truyền lại.

Văn hóa đã bước ra từ lịch sử, vượt lên trên cuộc chiến gian lao, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của quốc gia ở thời bình. Những bài viết: "Văn hóa còn thì dân tộc còn", "Văn hóa và hoạt động văn hóa", "Văn hóa - từ một góc nhìn thực tiễn", "Văn hóa - thời cơ và thách thức", "Quan hệ giữa cũ - mới, giữa xưa - nay trong văn hóa"... thể hiện tầm nhìn và sự thấu đáo về thời cuộc, lịch sử của tác giả.

Mỗi trang viết của ông, trong mỗi con chữ đều chứ đựng tính khảo cứu, tìm hiểu sâu rộng về văn hóa.

Cũng trong cuốn sách “Văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập”, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh kể lại kỷ niệm, bày tỏ niềm kính yêu, sự tri ân với nhiều nhân vật lịch sử như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên...

Với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tác giả nhớ mãi “đầu giờ sáng cuối thu 1996, tôi được Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời làm việc”, trong ký ức của ông, “Thủ tướng Võ Văn Kiệt là vị lãnh đạo có tâm, có tầm, đến khi về hưu vẫn tâm huyết, trách nhiệm với đất nước và nhân dân”, tác giả dặn lòng sẽ ghi nhớ mãi những căn dặn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về đạo đức cần có của một người làm báo, của một người đứng vị trí quản lí một cơ quan báo chí.

Với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tác giả kể lại câu chuyện năm 1971, khi ông còn là phóng viên được giao nhiệm vụ vào chiến trường viết bài cổ vũ khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Chuyến đi đã giúp phóng viên trẻ Hồng Vinh khi ấy được thâm nhập thực tế, chứng kiến cuộc chiến gian lao và anh dũng của bộ đội Cụ Hồ, cũng ở đó ông được gặp Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, Chính ủy Đặng Tính.

Hình ảnh những người lính phong trần, giản dị hiện ra vừa gần gũi, thân thương, vừa cảm động giữa bối cảnh cuộc chiến bi tráng. Đại tá Đặng Tính “quần xắn trên đầu gối lội suối”, “Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là người cao to vạm vỡ, đầu đội mũ sắt, mở cửa xe bước ra, nói giọng miền Trung...”.

Cuốn sách còn giới thiệu đến độc giả những đồng nghiệp làm báo cùng tác giả, sự quý trọng trọng lẫn nhau trong nhân cách làm nghề của những cây bút luôn tâm huyết, đau đáu với sự nghiệp phát triển, gìn giữ văn hóa dân tộc suốt tiến trình dựng nước, giữ nước...

Các tác phẩm báo chí của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh thấm đẫm tình yêu nước, tình yêu với văn hóa, lịch sử, sự trân trọng với những giá trị dân tộc, và lo lắng trước những giá trị bị mai một, khi thời hội nhập bắt đầu.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) ngành Báo chí học tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
Trong suốt cuộc đời cầm bút của mình, ông đã đi nhiều nơi, viết nhiều ở đa dạng các thể loại, đề tài, lĩnh vực... Ở bất kỳ lĩnh vực nào, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh cũng thể hiện sự tâm huyết, tấm lòng kiên trung, yêu nước, viết trên tinh thần xây dựng, chiến đấu của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết