Thương quý người cán bộ Công đoàn mẫu mực
Ông Mai Đức Chính là một cán bộ Công đoàn có kiến thức chuyên môn sâu rộng, bản lĩnh và mẫn cán, luôn hết lòng với tổ chức Công đoàn và người lao động.
Chiều tối 11-10, thông tin ông Mai Đức Chính - nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM - đột ngột qua đời khiến nhiều cán bộ Công đoàn từng có thời gian gắn bó, làm việc với ông bàng hoàng, tiếc thương.
Bản lĩnh, quyết liệt
Kể từ khi Hội đồng Tiền lương quốc gia (HĐTLQG) được thành lập năm 2013, ông Mai Đức Chính đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam giữ chức Phó Chủ tịch HĐTLQG cho đến khi về nghỉ chế độ sau Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Việc thương lượng tiền lương tối thiểu (LTT) vùng mỗi năm chưa bao giờ là dễ dàng và không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng thuận giữa các bên, đặc biệt là phía đại diện người sử dụng lao động và đại diện người lao động (NLĐ).
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính trao vé xe Tết cho công nhân trong chương trình “Tấm vé nghĩa tình” do LĐLĐ TP HCM tổ chức năm 2016.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Với những phóng viên theo dõi thông tin hoạt động Công đoàn, đặc biệt trong vấn đề thương lượng LTT vùng cho NLĐ, hình ảnh ông Mai Đức Chính đọng lại là người luôn có tiếng nói rất bản lĩnh, quyết liệt, thương lượng không khoan nhượng, thậm chí đến mức gay gắt với tổ chức đại diện người sử dụng lao động cũng như cơ quan quản lý nhà nước, để có được tiền lương tốt hơn cho NLĐ.
Còn nhớ, tại hội thảo về tiền lương, thu nhập, mức sống tối thiểu của NLĐ trong các doanh nghiệp (DN) do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức vào tháng 8-2015 ở TP Hà Nội, ông Mai Đức Chính đã lên tiếng rất mạnh mẽ, khẳng định: NLĐ cần DN và ngược lại, DN cũng cần NLĐ. Tổ chức Công đoàn cũng rất chia sẻ với DN, nhưng hiện nay NLĐ đang quá khổ, vì vậy Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn kiên quyết bảo lưu quan điểm của mình với mức đề xuất tăng LTT vùng năm 2016 mức 350.000 - 550.000 đồng cho các vùng.
Năm trước, kinh tế khó khăn, chúng ta tăng được 400.000 đồng, năm nay kinh tế khá hơn thì không lý do gì lại tăng thấp hơn. "Chúng tôi bảo vệ quan điểm của mình cũng là để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ. Lúc nào cũng nói NLĐ là vốn quý của DN nhưng khi tăng lương lại cò kè với NLĐ cả 50.000 đồng. Vậy vốn quý ở chỗ nào. Đây chỉ là những lời sáo rỗng" - ông Mai Đức Chính bức xúc.
Một kỷ niệm khác là sáng 2-8-2016, tại khách sạn Hanvet (khu 1, thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), HĐTLQG họp phiên thứ 2 để bàn và thương lượng về phương án tăng LTT vùng năm 2017, sau khi phiên họp thứ nhất diễn ra ở TP Hải Phòng chưa tìm được tiếng nói chung. Phóng viên Báo Người Lao Động có mặt sớm nhất tại khách sạn Hanvet để kịp phỏng vấn đại diện các bên trước khi phiên họp diễn ra.
Gặp ông Mai Đức Chính ngay cửa khách sạn, tôi hỏi ông về quan điểm của tổ chức Công đoàn, ông nói: "Tùy vào tình hình thương lượng tại cuộc họp sẽ tính toán. Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ Việt Nam không bao giờ chấp nhận mức đề xuất tăng lương chỉ 5% mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) đưa ra ở phiên thương lượng trước tại TP Hải Phòng. Nếu không đạt được mức thương lượng, chúng tôi sẽ đề nghị dừng họp, bởi thực tế mức đề xuất tăng lương 5% mới chỉ đủ bù trượt giá, chưa nói gì đến điều chỉnh tăng lương".
Chính sự quyết liệt của các lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong đó có ông Mai Đức Chính với vai trò Phó Chủ tịch HĐTLQG, đã góp phần thương lượng những chính sách tiền lương thành công, khuyến nghị với Chính phủ có phương án điều chỉnh mức LTT vùng có lợi hơn cho NLĐ.
Một lòng với người lao động
Những ngày cuối tháng 3-2015, tình hình quan hệ lao động tại TP HCM diễn biến khá phức tạp khi hàng chục ngàn công nhân (CN) ở một công ty gia công giày tại một quận vùng ven liên tục đình công phản đối các quy định tại điều 60 Luật BHXH năm 2014 về việc không cho người tham gia BHXH được hưởng BHXH một lần như trước. Điều này chưa có tiền lệ vì luật này vừa được Quốc hội thông qua ngày 20-11-2014 và vẫn chưa có hiệu lực. Nếu không có giải pháp hạ nhiệt, đình công sẽ lan ra các địa phương khác.
Ở thời điểm hết sức nhạy cảm đó, ngoài việc thường xuyên nắm tình hình quan hệ lao động từ cơ sở, ông Mai Đức Chính cũng giữ liên lạc với anh em phóng viên để hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Kiến thức vững vàng cùng cách tiếp cận vấn đề hết sức hợp lý là cơ sở để ông Mai Đức Chính tham mưu cho Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam có những văn bản vận động, thuyết phục CN theo hướng bình tĩnh chờ đợi, tránh bị kẻ xấu lôi kéo, kích động.
Đích thân ông Mai Đức Chính cùng ông Doãn Mậu Diệp (Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đến tận DN đối thoại với tập thể CN. Trước tâm lý hoang mang, lo lắng về quyền lợi của hàng chục ngàn CN, ông Mai Đức Chính đã từ tốn giải thích: "Mục tiêu của Luật BHXH năm 2014 là nhằm bảo đảm NLĐ được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động. Các anh chị em cứ mạnh dạn nêu ý kiến, tổ chức Công đoàn sẽ tiếp thu và có ý kiến với Chính phủ và Quốc hội trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH năm 2014 trong thời gian tới, bảo đảm tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ".
Tiếp thu ý kiến đóng góp của CN và tổ chức Công đoàn, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 93/2015/QH13 ban hành ngày 22-6-2015 về thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với NLĐ. Điều 1 Nghị quyết 93 nêu rõ: "Trường hợp NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần".
Dành nửa đời người để gắn bó với tổ chức Công đoàn, một lòng hướng về NLĐ, đến lúc nghỉ hưu ông Mai Đức Chính vẫn không xa rời tổ chức, luôn giữ vững lập trường bảo vệ CN - lao động. Mỗi thay đổi về chính sách liên quan đến NLĐ, liên quan tổ chức Công đoàn, ông đều nghiên cứu sâu sắc và có những phản biện xác đáng. Trong đó phải kể đến lần ông thẳng thắn nêu quan điểm của mình về việc sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012, nhất là về các vấn đề kinh phí, đoàn phí Công đoàn.
Trước câu hỏi vì sao Công đoàn không kiến nghị Chính phủ cơ chế trả lương cho đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên trách giống như những đoàn thể chính trị - xã hội khác (trả lương từ ngân sách), ông Mai Đức Chính bày tỏ: "Phải hiểu rằng cán bộ Công đoàn là người đại diện của CN - lao động, do CN - lao động bầu chọn, công việc chính của chúng tôi là chăm lo, bảo vệ CN - lao động.
Nếu nhận lương từ ngân sách, cán bộ Công đoàn sẽ không khác gì những công chức khác, phải choàng gánh rất nhiều đầu việc khác nhau. Như thế liệu mục tiêu ban đầu có còn bảo đảm? Vì vậy, sau khi suy xét, tổ chức Công đoàn quyết giữ cơ chế trả lương cho cán bộ như hiện tại".
Ông ĐẶNG NGỌC TÙNG - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Tâm huyết với người lao động
Anh Mai Đức Chính với tôi không chỉ là một người em, một người bạn thân thiết, một đồng nghiệp thân thương mà còn là một cán bộ Công đoàn có năng lực, bản lĩnh và mẫn cán. Kiến thức sâu rộng, đặc biệt là luôn tâm huyết với NLĐ, ở các phiên thương lượng về tiền lương của HĐTLQG, anh Mai Đức Chính luôn mạnh dạn nói lên chính kiến của tổ chức Công đoàn, từ đó góp phần cải thiện thu nhập cho NLĐ.
CHIA BUỒN
Tổng LĐLĐ Việt Nam và gia đình đồng chí MAI ĐỨC CHÍNH - nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM - vô cùng thương tiếc báo tin:
Đồng chí Mai Đức Chính, sinh ngày 26-9-1958, quê quán xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, đã từ trần hồi 16 giờ ngày 11-10-2022 (nhằm ngày 16-9 năm Nhâm Dần) tại TP HCM, hưởng thọ 65 tuổi. Lễ nhập quan lúc 22 giờ ngày 11-10-2022 (nhằm ngày 16-9 năm Nhâm Dần) tại tư gia - số 29 Trần Thị Nơi, phường 4, quận 8, TP HCM. Linh cữu được đưa đi an táng tại Nghĩa trang TP HCM.
Được tin đồng chí Mai Đức Chính - nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM - từ trần, Đảng ủy - Ban Biên tập cùng toàn thể cán bộ, phóng viên, viên chức, lao động Báo Người Lao Động xin gửi tới gia đình đồng chí lời chia buồn sâu sắc.