Nhạc kịch vào sân khấu học đường
Loại hình nghệ thuật nhạc kịch kết hợp được cả nghệ thuật múa, hát và diễn xuất nên giới trẻ đã nhiệt tình hưởng ứng.
Sân khấu UEH Theatre ở Trường ĐH Kinh tế TP HCM (quận 3, TP HCM) vừa công diễn vở nhạc kịch "Bông cánh cò" thu hút đông khán giả trẻ trong giới sinh viên.
"Món ăn tinh thần" mới
Các tác phẩm nhạc kịch công diễn thời gian qua như: "Tiên Nga", "Chuyện tình nàng Giáng Hương", "Tấm Cám", "Thủy Tinh"... bước đầu đã chinh phục giới trẻ tại TP HCM và cả nước. Từ đây đã bắt cầu cho xu hướng dàn dựng nhạc kịch trên sân khấu học đường, nhằm đưa loại hình nhạc kịch trở thành "món ăn tinh thần" mới trong đời sống văn hóa giải trí của giới học sinh, sinh viên.
NSND Hồng Vân trao đổi về vở nhạc kịch “Bông cánh cò” do đạo diễn Lê Nguyễn Tuấn Anh dàn dựng tại UEH Theatre
NSND Hồng Vân cho biết sân khấu UEH Theatre ở Trường ĐH Kinh tế TP HCM được thành lập với sứ mệnh lan tỏa, tôn vinh những hoạt động truyền cảm hứng nghệ thuật. Chuyển thể từ bộ sách "Tình ca Bắc Sơn" của cố NSƯT Bắc Sơn, vở nhạc kịch "Bông cánh cò" do đạo diễn Lê Nguyễn Tuấn Anh dàn dựng tại sân khấu UEH Theatre là câu chuyện kịch kể về tình yêu giữa Hai Nông và Tư Liễu và con của họ là bé Cánh Cò. Bằng những ca từ và giai điệu trong các ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Bắc Sơn như: "Còn thương rau đắng mọc sau hè", "Em đi trên cỏ non", "Đêm nghe bài vọng cổ"..., vở nhạc kịch đã được các diễn viên trẻ truyền tải đầy cảm xúc cho người xem.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa thể loại nhạc kịch đến với công chúng trẻ, nòng cốt là những diễn viên trẻ. Vở diễn được dàn dựng nghiêm túc, diễn xuất, ca múa, nhất là phần hát sẽ được đặc biệt chú trọng để tạo không khí nhạc kịch đậm chất sinh viên" - NSND Hồng Vân thông tin.
Giới chuyên môn cho rằng dựng nhạc kịch thuần Việt không dễ, phải lồng vào vở diễn những ca khúc quen thuộc, cũng như chọn cảnh trí, hình ảnh tạo được sự gần gũi về hình ảnh đất nước Việt Nam mới thu hút được khán giả. Và vở nhạc kịch "Bông cánh cò" đã làm được điều này, vở diễn đã chuyển tải được ý nghĩa giáo dục sâu sắc, gửi đến khán giả trẻ thông điệp nuôi dưỡng lòng hiếu thảo và biết ơn cuộc sống từ tình cảm của gia đình.
Khán giả mới của nhạc kịch
Tại Hà Nội, xu hướng nhạc kịch cũng dần quen thuộc với các khán giả trẻ, vở nhạc kịch "Guise" công diễn ngay sân Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, học sinh của trường đã hóa thân một cách xuất sắc thành những diễn viên kịch, đã lôi cuốn khán giả cùng trang lứa. Đáng chú ý, toàn bộ chương trình, từ khâu ý tưởng, kịch bản, đạo cụ, vũ đạo, trang phục của "Guise" đều do các học sinh đảm nhận. Vở nhạc kịch "Hà Nội, ngày... tháng... năm - những thanh xuân rực rỡ" của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long (Hà Nội) ra mắt khán giả sinh viên tại Hà Nội, cũng thu được nhiều ý kiến tích cực.
Cô giáo Phan Hồng Anh, Bí thư Đoàn Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, bày tỏ: "Thông qua vở nhạc kịch, nhóm dàn dựng và biểu diễn đã truyền cho các em học sinh thông điệp về sự cân bằng trong cuộc sống, nhìn nhận lại bản thân, đối mặt với những đau thương trong quá khứ để trở thành phiên bản tốt hơn cho tương lai".
"Tôi cho rằng đây là xu thế rất hay, góp phần làm đa dạng thêm những loại hình nghệ thuật cho giới trẻ. Các em được xem, được dịp tìm hiểu nhạc kịch ngay từ trên ghế nhà trường nên sẽ có những hiểu biết nhất định về nhạc kịch. Đây sẽ là những khán giả mới của sân khấu nhạc kịch Việt Nam trong tương lai" - đạo diễn Ca Lê Hồng nhìn nhận.