• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa tại TP.HCM: Đối mặt với nhiều vấn đề

Trường ĐH Sài Gòn vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa tại TP.HCM” đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý văn hóa trên địa bàn.

Đối mặt với nhiều vấn đề - ảnh 1

Show Anh trai say hi lần 2 diễn ra tối 19.10 tại TP.HCM tiếp tục thu hút khán giả

Theo NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của các quốc gia ngày càng ảnh hưởng lẫn nhau, ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) chính là một tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế và giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia; đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy bản sắc văn hóa tiên tiến và giá trị thời đại hơn cho mỗi quốc gia.

Nhiều yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển công nghiệp âm nhạc và điện ảnh

Thế nhưng, hiện trạng ngành CNVH trên lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh TP.HCM đang phải đối mặt với các vấn đề: Lực lượng lao động thiếu các kỹ năng quản lý và kinh doanh chuyên nghiệp; chưa được tiếp cận các kỹ năng và chuyên môn phù hợp để thích ứng, vận hành hiệu quả các mô hình tổ chức cũng như kinh doanh mới trong ngành CNVH. Công nghệ số hóa chưa được ứng dụng rộng rãi và mạnh mẽ. Nhiều tiềm năng và thế mạnh nhưng các lĩnh vực văn hóa nói chung và nghệ thuật âm nhạc, điện ảnh nói riêng chưa được phát huy tối đa. Các chính sách tài trợ cho hoạt động điện ảnh, trong đó chú trọng đến đối tượng hưởng thụ chưa cụ thể và thiết thực.

“Một vấn đề tối quan trọng để kiến tạo nền CNVH là vấn đề bản quyền. Dù công tác bảo vệ bản quyền âm nhạc và điện ảnh đã có những khởi sắc, nhận thức về Luật Sở hữu trí tuệ đã dần chuyển biến tích cực, tuy nhiên tình hình vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ còn diễn biến phức tạp. Và để chạm đến nền công nghiệp giải trí chuyên nghiệp, các chuyên gia quốc tế và trong nước đều chung nhận định, tuy có nhiều bứt phá mạnh mẽ nhưng âm nhạc và điện ảnh thành phố vẫn chưa được gọi là những nền công nghiệp đúng nghĩa, chúng ta vừa xem các sáng tác là tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà không quan tâm lợi nhuận; vừa xem nó như một sản phẩm thương mại để quảng bá, phân phối và thu lợi”, NSND Thanh Thúy nhấn mạnh.

 Đội ngũ nguồn nhân lực và chương trình đào tạo trong lĩnh vực điện ảnh còn thiếu và không tạo nên tính liên thông. Trong đó, đội ngũ giảng viên, chuyên gia và nhà nghiên cứu tham gia giảng dạy trong lĩnh vực điện ảnh tại TP.HCM đang khủng hoảng.

Những thế hệ đạo diễn, nhà biên kịch và diễn viên có chuyên môn, được đào tạo bài bản đã lớn tuổi, khả năng tiếp cận, cập nhật những máy móc, thiết bị và phương pháp làm phim hiện đại có phần hạn chế...

(TS NGUYỄN THANH ĐẠT, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM)

Nhận định về xu hướng và các yếu tố tác động đến phát triển nguồn nhân lực điện ảnh đáp ứng phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại TP.HCM, TS Nguyễn Thanh Đạt, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, cho biết các cơ sở đào tạo nhân lực điện ảnh tại TP.HCM có gia tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp điện ảnh; chất lượng nguồn nhân lực nghệ thuật điện ảnh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển CNVH. Như vậy, mặc dù ngành điện ảnh tại TP.HCM đang phát triển nhanh, nhưng trong tình hình chung, số lượng và chất lượng nhân lực có trình độ chuyên môn cao vẫn còn hạn chế, do đó, yêu cầu đào tạo phát triển nhân lực lĩnh vực này đang đặt ra cấp thiết. “Đội ngũ nguồn nhân lực và chương trình đào tạo trong lĩnh vực điện ảnh còn thiếu và không tạo nên tính liên thông. Trong đó, đội ngũ giảng viên, chuyên gia và nhà nghiên cứu tham gia giảng dạy trong lĩnh vực điện ảnh tại TP.HCM đang khủng hoảng. Những thế hệ đạo diễn, nhà biên kịch và diễn viên có chuyên môn, được đào tạo bài bản đã lớn tuổi, khả năng tiếp cận, cập nhật những máy móc, thiết bị và phương pháp làm phim hiện đại có phần hạn chế. Đội ngũ nhân lực trẻ muốn tham gia giảng dạy lại không đủ bằng cấp chuyên môn theo quy định và kinh nghiệm giảng dạy. Những đạo diễn trẻ có tác phẩm điện ảnh đoạt các giải thưởng trong nước và quốc tế thì không muốn tham gia giảng dạy, họ chỉ chuyên tâm với nghề, hơn nữa, môi trường sư phạm và phương pháp giảng dạy không phải cứ muốn tham gia là được”, TS Nguyễn Thanh Đạt nói.

Về lĩnh vực âm nhạc, theo PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm - Trường ĐH Sài Gòn, trong 12 lĩnh vực CNVH được Chính phủ xác định để khuyến khích xây dựng và phát triển, ngành công nghiệp biểu diễn nói chung và biểu diễn âm nhạc nói riêng đã có nhiều dấu hiệu tích cực và có nhiều đóng góp cho nền kinh tế. Nhưng hiện nay, công nghiệp biểu diễn âm nhạc vẫn ở tình trạng chạy theo thị trường, “biết gì làm nấy”, mỗi người mỗi cách và vẫn chưa có một “hệ sinh thái” cho ngành công nghiệp biểu diễn âm nhạc.

Khai thác nguồn lực văn hóa nghệ thuật

PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, nhấn mạnh vai trò của di sản văn hóa ở Sài Gòn - TP.HCM gắn với công nghiệp văn hóa hiện nay. Theo ông, các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của TP.HCM có thể phát triển thành sản phẩm công nghiệp văn hóa…

“Trên phương diện lịch sử, TP.HCM là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa: Bến Nghé – Sài Gòn xưa là nơi tiếp nhận các nguồn lưu dân từ các miền Trung, Bắc và những di dân người Hoa vào định cư, lập nghiệp. Sau đó, Sài Gòn trở thành một trong những trung tâm của cả nước đón nhận những ảnh hưởng của văn hóa Pháp, Mỹ qua các giai đoạn thăng trầm của đất nước. Sự giao thoa ấy là tác nhân khiến văn hóa ở TP.HCM thành một phức thể đa văn hóa. Phát triển văn hóa nghệ thuật chính là một trong những tiến trình phát triển của thành phố hôm nay. Đứng trước bối cảnh mới của hội nhập quốc tế kèm theo toàn cầu hóa văn hóa, trước sự phát triển nhanh về kinh tế, xã hội, trước khối lượng và tốc độ di dân, tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật, việc khuyến khích các nguồn lực xã hội cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cần được chú trọng”, PGS.TS Lâm Nhân lưu ý.

Theo Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy, để phát triển CNVH trở thành động lực nội sinh góp phần phát triển kinh tế, xã hội, làm cầu nối phát triển kinh tế vùng, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh văn hóa, con người TP.HCM ra khu vực và thế giới, trong giai đoạn 2021-2030, TP.HCM cần tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ bản, đồng thời xây dựng một hệ sinh thái âm nhạc và điện ảnh đáp ứng những nội dung: Bảo vệ bản quyền một cách hiệu quả, xây dựng được chiến lược phát hành sản phẩm phù hợp, nâng cao hiệu quả doanh thu từ hoạt động biểu diễn và điện ảnh… Bà Thúy nhấn mạnh, cần xây dựng chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp âm nhạc và điện ảnh. Ban hành chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm nâng cao nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thành lập Trung tâm phát triển CNVH theo hướng mở để kết nối, xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình thực hiện chức năng hỗ trợ, kết nối, quy tụ nguồn lực, phát huy giá trị sáng tạo, mở rộng thị trường… nhằm phát triển các ngành CNVH thành ngành kinh tế quan trọng đóng góp tích cực vào phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP.HCM. “Tham khảo kinh nghiệm phát triển CNVH của một số quốc gia, một trong những thay đổi cơ bản nhất trong chính sách tài chính của Chính phủ là sự chuyển hướng tài trợ, từ tài trợ cho bên cung sang tài trợ cho bên cầu. Nói cách khác, các trợ cấp của Chính phủ chủ yếu dành cho các tổ chức nghệ thuật và nghệ sĩ, nhằm vào quá trình sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật.

Sự hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa cần phát huy tính tự chủ hơn nữa, cần chiến lược để hình thành nên các chuỗi sản xuất sản phẩm văn hóa đồng bộ, chuyên nghiệp. Cơ chế chính sách, ưu đãi về thuế và các yếu tố khác chưa tạo động lực để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển vào lĩnh vực văn hóa”, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM tâm tư.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...