Hot trend mới của người trẻ: Mang tiền về cho mẹ gây tranh cãi
Chỉ vài giờ phát hành, câu hát “Mang tiền về cho mẹ” trở thành chủ đề “hot” trên mạng xã hội, tạo ra “trend” mới. Tuy nhiên, bài rap cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Mang tiền về còn có ý nghĩa là mang niềm vui, thành tựu
Mới đây, rapper Đen Vâu tung ra sản phẩm âm nhạc mới có tên “Mang tiền về cho mẹ” kết hợp cùng nữ ca sĩ Nguyên Thảo. Sản phẩm đã gây bão cộng đồng mạng với thông điệp về tình mẫu tử đầy ý nghĩa.
Chỉ sau 12 giờ ra mắt, MV “Mang tiền về cho mẹ” của Đen Vâu đã đạt được top 1 trên bảng xếp hạng âm nhạc thịnh hành của YouTube Việt Nam. Hiện tại, sau hơn ba ngày phát hành, sản phẩm âm nhạc này của Đen Vâu đã đạt hơn 13 triệu view.
Sau 6 ngày, MV vẫn ở vị trí top 1 video thịnh hành trên YouTube với 18 triệu lượt xem, là sản phẩm đạt hiệu ứng tốt nhất thời điểm hiện tại trước đối thủ nặng ký là “Gieo quẻ” của Hoàng Thùy Linh.
Sản phẩm “thai nghén” 4 năm được Đen Vâu chia sẻ: “Nếu các bạn trẻ đang chơi vơi, không biết mục đích sống và làm việc của mình là gì, hãy coi mang tiền về cho mẹ là một mục đích nhỏ - làm để mang tiền về cho mẹ”.
Trên khắp các trang mạng, nhiều bạn trẻ cùng tạo lên phong trào “mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ”. Đó dường như đã thành xu hướng của người trẻ trong dịp Tết đang cận kề.
Với nhiều người, nội dung bài hát là lời nhắn nhủ cực kỳ ý nghĩa. Đó cũng là những ca từ mộc mạc, gần gũi đời thường mà nhiều người được nghe, được thấy. Đó là lời mẹ dặn con phải ăn nhiều, tự lo cho mình, không được gầy, không được hút thuốc và học điều hay ở bên ngoài xã hội. Thậm chí, người mẹ trong MV còn nhắn nhủ “có cái gì phải gọi ngay cho mẹ”…
Nhà báo Lê Dung, báo Tuổi trẻ Thủ đô chia sẻ, ở góc độ người nghe nhạc cô rất thích ca từ của bài rap “Mang tiền về cho mẹ”. Đối với cô, tiền ở đây không hẳn là những người con xa quê phải nỗ lực kiếm tiền để hàng tháng, hàng năm phải mang về biếu mẹ tiêu xài.
Đem tiền về còn có ý nghĩa là mang những điều vui vẻ, thành tựu chứ đừng mang những đống nợ hay thói hư tật xấu về nhà. Điều này rất phù hợp với câu sau đó “đừng mang ưu phiền về cho mẹ”. Bởi nhiều người, chỉ cần thấy con về mạnh khỏe, công việc thuận lợi đã là món quà vô giá.
“Tôi không cho rằng, đây là bài hát cổ xúy giới trẻ sống thực dụng như nhiều người chia sẻ. Nếu nghe đi nghe lại, bạn trẻ sẽ thấy đó là những câu nói rất dung dị, câu chuyện rất đời thường của người mẹ ở quê dặn con, phải sống tốt hơn và trở về với mẹ thật khỏe mạnh, bình yên, không có ưu phiền, lo lắng. Cá nhân tôi rất thích bài rap này”.
Cũng theo nhà báo Lê Dung, cô đã viết nhiều về hoàn cảnh của những người mẹ có con hư. Vì vậy, có thể nhiều người sẽ nghĩ mang tiền về cho mẹ là một lời cổ xúy thực dụng.
Nhưng có lẽ ý kiến đó là khi chúng ta chưa thực sự chứng kiến những câu chuyện đau buồn của những ông bố, bà mẹ sinh ra những đứa con lăn lộn bên ngoài để rồi cuối năm phải mang nợ về cho cha mẹ, những ưu phiền về cho gia đình. Thậm chí còn có cả những bi kịch.
Tâm lý nặng nề khiến con trẻ thêm áp lực kiếm tiền?
“Mang tiền về cho mẹ” của Đen Vâu đã tái hiện hình ảnh những đứa con bận rộn mưu sinh với nhiều nghề nghiệp khác nhau. Truyền tải đến người xem nét văn hóa và nhịp sống đời thường của người dân Việt Nam, đặc biệt là khung cảnh cha mẹ nhọc nhằn nơi quê nhà khiến nhiều người phải nhói lòng.
Tuy nhiên, vẫn có không ít ý kiến trái chiều cho rằng nội dung bài rap “Mang tiền về cho mẹ” quá thực dụng, phủ gánh nặng lớn lên đầu con. Thậm chí nhiều người vì không đủ điều kiện, thiếu may mắn, chưa thành đạt nên dù ở xa rất nhớ nhà nhưng không dám về quê…
Nguyễn Hoàng Dương (nhân viên Công ty Du lịch Viettravel) chia sẻ, dù không phải là Tết thì mỗi lần gọi điện về hỏi bố mẹ có cần gì không để mua thì câu trả lời luôn là “đừng mua gì hết nhé”.
Tuy nhiên, là người con đã trưởng thành, cuối năm không có chút quà biếu bố mẹ thì bản thân cũng áy náy. Khi nghe tên bài hát, anh càng cảm thấy buồn bởi dịch Covid khiến ngành nghề của anh bị ảnh hưởng nặng nề và không có thu nhập.
Nhà văn Hoàng Anh Tú bày tỏ: “Tôi biết sẽ có nhiều vị phụ huynh và cả các bạn trẻ sẽ lên án tôi khi tôi nói rằng đừng ai sinh con chỉ để có người dựa cậy lúc tuổi già. Bởi nói vậy là đi ngược lại truyền thống lâu đời của dân tộc.
Khi mà câu cửa miệng của nhiều bậc cha mẹ vẫn là “Đẻ thằng con trai để sau này còn có người chống gậy”. Rằng, kể cả nhiều cha mẹ trẻ, con mới 3 - 5 tuổi vẫn nói: “Mai này mẹ già con có nuôi mẹ không?”. Rằng “Đầu tư cho con ăn học để mai này lớn kiếm tiền nuôi lại bố mẹ”…
Có quá nhiều những kỳ vọng đặt vào con cái rằng đầu tư hôm nay để mai sau con nuôi lại mình. Bởi chẳng cha mẹ nào muốn mình sẽ trở thành những người già cơ nhỡ, không ai nuôi.
Bởi mặc định rằng, cha mẹ phải hy sinh mọi điều cho con cái thì sau này con cái mới chăm sóc lại cha mẹ. Không! Điều đó là không sai. Không ai sai khi chúng ta dành tất thảy những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Nó chỉ sai nếu như tất thảy những thứ chúng ta làm chỉ là để mai sau có đứa nuôi lại mình...
Theo Luật sư Đặng Văn Cường: “Nhiều người cho rằng, quan điểm như vậy sẽ gây ra áp lực cho các bạn trẻ trong việc kiếm tiền, trách nhiệm với cha mẹ. Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi là một bài hát thì rất khó có thể làm thay đổi suy nghĩ, quan điểm, hành động của một con người”.
Cũng theo Tiến sĩ Luật Đặng Văn Cường, suy cho cùng bài hát cũng chỉ để giải trí, là cảm xúc của người sáng tác trong một thời điểm nào chứ không phải là một công trình khoa học, một tác phẩm nghiên cứu về văn hóa, giáo dục.
Các tác phẩm văn hóa nghệ thuật thì thường ra đời từ cảm xúc cá nhân ở những thời điểm nhất định và mang dấu ấn cá nhân. Căn cứ vào hoàn cảnh sáng tác, trình độ sáng tác, cảm xúc của tác giả và những tư tưởng được truyền tải trong tác phẩm thì sẽ thể hiện được giá trị của tác phẩm, sức sống của tác phẩm đối với thời gian.