Hoàng Sơn, Hữu Nghĩa xúc động tại Sân khấu kịch Hồng Vân
"Để khoác lên mình trang phục sử Việt, thoại và diễn được sử Việt với một tác phẩm kinh điển, đòi hỏi các em phải nỗ lực rất lớn. Tôi hạnh phúc khi đêm nay thấy các học trò của mình tiến bộ" – nghệ sĩ Hữu Nghĩa bày tỏ.
Nghệ sĩ Hữu Nghĩa xúc động bày tỏ niềm vui khi học trò thể hiện vở kịch sử Việt
Vở kịch sử Việt "Thái hậu Dương Vân Nga" tối 25-4 tại Sân khấu kịch Hồng Vân, có đông nghệ sĩ đến cổ vũ tinh thần lớp diễn viên trẻ.
Điều đáng nói trong suất diễn là sự xúc động của nghệ sĩ Hữu Nghĩa và Hoàng Sơn. "Đáng lẽ ra tôi sẽ là giáo viên chủ nhiệm lớp học Nâng cao khóa 3.2 này, nhưng do dịch bệnh rồi sau đó là công việc làm phim ở Đà Lạt mà tôi không đồng hành cùng các em. Nên bây giờ cảm thấy có trách nhiệm "tiếp lửa" cùng với NSND Hồng Vân, đưa vở kịch sử Việt đến với khán giả" – NS Hoàng Sơn nói.
Nghệ sĩ Hoàng Sơn bày tỏ niềm tin dành cho các diễn viên trẻ khi thể hiện các vai diễn trong vở kịch sử Việt
Còn nghệ sĩ Hữu Nghĩa thì xúc động khi anh nhìn thấy các học trò của mình từ khóa K13 nay đã tiến bộ. "Để khoác lên mình trang phục sử Việt, thoại và diễn được sử Việt với một tác phẩm kinh điển, đòi hỏi các em phải nỗ lực rất lớn. Tôi hạnh phúc khi đêm nay thấy các học trò của mình tiến bộ" – nghệ sĩ Hữu Nghĩa bày tỏ.
Yến Phương (vai cố mẫu) và Trang Ngọc (vai Thái hậu Dương Vân Nga)
Đến xem còn có các nghệ sĩ: Thanh Thủy, Minh Luân, Hòa Hiệp, Xuân Trang, Hoàng Thy, Trịnh Hoàng Nam, Hải Âu… NSND Hồng Vân cho rằng, sân khấu kịch của bà quyết định thực hiện vở kịch sử Việt là muốn được diễn viên trẻ có thêm kinh nghiệm để rèn luyện nghề và góp phần lan tỏa yêu sử Việt trong giới trẻ hiện nay.
Từ trái sang: Tường Oanh (vai Thái hậu Dương Vân Nga), Thu Thảo (vai Nhũ mẫu), Bảo Trâm (vai Tiểu Duy) trong vở "Thái hậu Dương Vân Nga"
Giới chuyên môn nhận định kịch lịch sử có những hạn chế trong sáng tạo bởi vẫn phải tôn trọng sự thật lịch sử, từ một tác phẩm kinh điển cải lương, chuyển thể sang kịch, NSND Hồng Vân với vai trò cố vấn nghệ thuật đã nghiên cứu rất kỹ về ranh giới và quyền hạn được hư cấu trong vở, tránh đi lạc hướng.
"Lịch sử Việt Nam với chiều dài hàng nghìn năm có biết bao sự kiện, câu chuyện rất hay. Đó là một kho báu để các sân khấu khai thác. Tuy nhiên, để những câu chuyện và tuyến nhân vật xung quanh vấn đề lịch sử vừa nêu cao tính tư tưởng, vừa đảm bảo cái nhìn thẩm mỹ, mang tính giải trí là điều không dễ dàng. Từ nỗ lực khắc họa của từng diễn viên trẻ, các em sẽ lan tỏa tinh thần yêu sử Việt đến khán giả đồng trang lứa" – NSND Hồng Vân chia sẻ.
Từ trái sang: Hoàng Trung Anh (vai Phạm Hạp), Văn Hậu (vai Nguyễn Bặc), Bảo Kiệt (vai Quan sứ) và Châu Nhật Tín (vai Đinh Điền)
Theo các nhà chuyên môn, sở dĩ lâu nay sân khấu kịch chỉ thường dựng vở về lịch sử mỗi dịp lễ hội, liên hoan vì vấn đề kinh phí đầu tư. Sự tốn kém gấp 3-4 lần so với dựng một vở kịch đề tài đương đại. Chính vì thế, dựng kịch sử Việt cho diễn viên trẻ trong giai đoạn hiện nay là một nỗ lực rất lớn của sân khấu kịch Hồng Vân.
Cảnh múa cờ lau trong vở "Thái hậu Dương Vân Nga" do biên đạo múa Nhựt Tiến dàn dựng
Diễn viên Trang Nhã – một trong ba diễn viên thể hiện vai Dương Vân Nga trong vở đã nói: "Tôi mang ơn các thầy cô đã cho chúng tôi những bài sâu sắc và có giá trị từ vở diễn lịch sử. Có được niềm tin vào sáng tạo qua vở diễn này, diễn viên trẻ chúng tôi đã chạm đến điều quan trọng nhất của nghề, đó là giữ nguyên vẹn cho mình khát vọng sống trong nghệ thuật với những giá trị nhân văn từ lịch sử dân tộc".
Thành Phương (vai Lê Hoàn) và Trang Ngọc (vai Thái hậu Dương Vân Nga)