• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gốm cổ Gò Sành - những tồn nghi trong lịch sử

Đầu năm 2024, thông tin Cục Thi hành án tỉnh Bình Định trả lại cho nhà sưu tập Nguyễn Vĩnh Hảo số cổ vật bị tạm giữ trong một vụ kiện dân sự, khiến giới chơi cổ ngoạn nức lòng. Số hiện vật này hầu hết là gốm cổ xuất phát từ những lò gốm vùng Gò Sành trong lịch sử (Thế kỷ XI - XVIII). Theo ông Hảo, điều may mắn là sau 13 năm bị “tạm giữ”, các cổ vật giá trị như, bình gốm men, tượng thần đất nung… mà ông dự kiến lập hồ sơ xin công nhận bảo vật quốc gia vẫn còn nguyên vẹn.

Gốm cổ Gò Sành - những tồn nghi trong lịch sử

Ché, bình gốm tráng men trắng, vàng tinh xảo, theo ông Hảo được tìm thấy tại các lò gốm cổ làng Gò Sành, Bình Định. Ảnh: Trung Hiếu

Truân chuyên một bảo tàng tư nhân

Năm 2006, khi chủ trương Nhà nước cho phép lập bảo tàng tư nhân, ông Nguyễn Vĩnh Hảo đã mạnh dạn biến nơi ở của ông thành Bảo tàng Cổ vật Gò Sành. Thời điểm này, có thể nói đây là bảo tàng cổ vật đầu tiên ở miền Trung.

Nói về lý lịch của các cổ vật, ông Nguyễn Vĩnh Hảo kể: “Mùa đông năm 1974, một loạt bom Mỹ thả xuống làng Gò Sành thuộc xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Sức công phá của hàng tấn thuốc nổ đã làm lộ diện một lò nung gốm, cùng hàng nghìn sản phẩm bị vùi sâu dưới lòng đất từ hàng trăm năm qua.

Ông Nguyễn Hượt, cha ông Hảo - một chủ lò gốm Kim Môn (Phù Mỹ-Bình Định là người đầu tiên quan tâm, vì trước đó nhiều năm ông Hượt phát hiện nhiều hiện vật gốm thô và có men lạ ở quanh vùng ông sinh sống. Do phần lớn số hiện vật này tìm được trên vùng đất xưa người Chăm sinh sống, nên ông đoán định chủ nhân của nó thuộc tiền nhân Chăm. Cuối tháng 2.1974, ông Hượt vào Sài Gòn mở một cuộc họp báo công bố phát hiện của mình”.

Kế thừa di sản vật chất và dòng máu của cha, ông Hảo cũng bước vào con đường sưu tầm cổ ngoạn, chủ yếu là gốm Gò Sành. Và đến thời điểm mở bảo tàng, bộ sưu tập của ông đã lên đến nhiều ngàn hiện vật (trưng bày tại bảo tàng khoảng 200).

Trong đó có nhiều hiện vật là bình gốm tráng men, gốm đất nung tượng các vị thần Ấn Độ Giáo… thu hút sự chú ý đối với không chỉ trong giới nghiên cứu, mà còn tạo một điểm nhấn văn hóa ở địa phương đối với du khách trong, ngoài nước.

Tiếc rằng trong một vụ kiện dân sự, năm 2011, đất và vật kiến trúc Bảo tàng tư nhân của ông Nguyễn Vĩnh Hảo bị đưa ra bán đấu giá để, thanh khoản các khoản đặt cọc trong vụ kiện.

Theo ông Hảo, lúc này do ông dự khánh thành Vườn mai Nghĩa sĩ Tây Sơn tại Hà Nội, không có mặt tại Bình Định, nên hàng ngàn hiện vật gốm cổ trưng bày của Bảo tàng được Cục Thi hành án tỉnh Bình Định kê biên và tạm giữ, gửi kho. Sau 13 năm bị “tạm giữ” nay các cổ vật trên đã hoàn cố chủ.

Men gốm Chăm và tồn nghi lịch sử

Trong thực tế hàng chục năm qua, kết quả các chuyến điền dã, khảo cổ trên các di chỉ Chămpa ở Miền Trung, giới nghiên cứu không tìm được nhiều gốm của tiền nhân Chăm có tráng men tinh xảo như các hiện vật tại Gò Sành.

Thậm chí cho đến nay, vùng Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang… người Chăm vẫn giữ truyền thống tạo tác gốm đất nung, không men, nung trên lửa rơm có nhiệt độ đến 600 độ C, sử dụng cho dân dụng là chính. Trong khi đó, Bảo tàng Cổ vật gốm Gò Sành của ông Nguyễn Vĩnh Hảo lưu giữ khá nhiều hiện vật gốm tráng men tinh xảo, được cho do người Chăm vùng Vijaya sản xuất trong những năm thế kỷ XI-XV. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là một tồn nghi lịch sử.

Trả lời mối băn khoăn này, ông Nguyễn Vĩnh Hảo phân tích: Những phát hiện về gốm Gò Sành đã gây sự chú ý lớn cho giới nghiên cứu văn hóa Chăm, vì nước men khác hẳn với dòng gốm của vùng Avamarati (Quảng Nam), chủ yếu màu men nâu đen. Người thợ thủ công tại đất Bình Định đã pha chế được loại men màu ngà (Bạch Định), không khác gốm đời Tống (Trung Hoa).

Hiện gốm Gò Sành được lưu giữ ở nhiều bảo tàng, hoặc là vật gia bảo tại các nước Indonesia, Ai Cập, Anh, Thái Lan... Điều đó chứng tỏ dòng gốm này đã theo các thương thuyền đi rất xa. Bảo tàng Bình Định đã phát hiện được nhiều điểm trên đất Bình Định có lò nung sản xuất gốm của người Chăm ở Gò Sành, Gò Hời, Gò Ké, Trường Cửu, Cây Me... nằm chung quanh thành Đồ Bàn và thành Cha.

“Chứng tỏ thế kỷ XI-XV tại đây đã xuất hiện một trung tâm sản xuất sản phẩm thủ công. Hơn thế thời cực thịnh của các lò gốm Gò Sành kéo dài từ thế kỷ XIII-XIV, tương đồng với khoảng thời gian Trung Hoa cấm vận, không cho bất kỳ loại hàng hóa nào từ nội địa ra nước ngoài. Như vậy có khả năng trung tâm sản xuất gốm của người Chăm tại Bình Định đã phát triển mạnh, để bù đắp nhu cầu gốm dân dụng thiếu hụt trên thế giới, do sự cấm vận nói trên” - ông Hảo chia sẻ.

Cho đến nay, giới khảo cổ còn biết rất ít về hoạt động kinh tế-xã hội của vùng này. Nếu có một kết quả nghiên cứu nghiêm túc, xác đáng của giới chuyên môn, thì phát hiện này thật sự lý thú. Cách đây không lâu, tại vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An), Viện khảo cổ đã trục vớt một tàu cổ, chở đầy gốm Chu Đậu bị đắm cách đây khoảng 6-8 thế kỷ.

Từ phát hiện này, kết hợp với nhiều dữ kiện được ghi trong lịch sử hàng hải thế giới, vùng Chu Đậu - Hải Dương cũng được nhận định là một trung tâm gốm sứ của người Việt cung cấp cho thị trường thế giới trong thời kỳ này. Hiện Hội An đã lập Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch trên biển, và Hội An (vùng Amavarati), Bình Định (Vijaya) là những điểm dừng trên con đường vận chuyển gốm sứ trên biển đến các nước trên thế giới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết