• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đưa sân khấu dù kê đến gần với công chúng

Nghệ thuật sân khấu dù kê của đồng bào Khmer Nam Bộ đang được các ngành chức năng đẩy mạnh quảng bá và hướng tới phục vụ du lịch.

Từ ngày 1 đến 7-4, Liên hoan Nghệ thuật sân khấu dù kê năm 2023 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Trà Vinh tổ chức sẽ khai mạc tại Đại học Trà Vinh. Sau 10 năm ngưng tổ chức, liên hoan năm nay quy tụ 13 đơn vị nghệ thuật tham gia.

Niềm tự hào của người Khmer

Ra đời vào những năm đầu thế kỷ XIX và nhanh chóng được công chúng đón nhận, dù kê đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người Khmer ở Nam Bộ. Các tỉnh thành phía Nam hiện đang nỗ lực vực dậy bộ môn nghệ thuật độc đáo này.

Theo giới chuyên môn, sân khấu dù kê là phong tục tập quán, tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng, phản ánh hiện thực cuộc sống của đồng bào Khmer Nam Bộ; là di sản nghệ thuật sân khấu truyền thống được nhiều thế hệ kế thừa, giữ gìn và phát triển. Người Khmer rất tự hào về những giá trị văn hóa của sân khấu dù kê mà cha ông để lại.

NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cho biết: "Năm 2014, nghệ thuật sân khấu dù kê được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2023, liên hoan sân khấu dù kê đã được nâng tầm quốc gia, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ những hoạt động nhằm bảo tồn, nhân rộng, đưa nghệ thuật sân khấu dù kê đến gần hơn với công chúng, đặc biệt tìm phương cách mới để gắn với văn hóa du lịch".

Đưa sân khấu dù kê đến gần với công chúng - Ảnh 1.

Nghệ thuật sân khấu dù kê ở Nam Bộ tạo ấn tượng với khán giả (Ảnh: ÁNH BÌNH MINH)

Soạn giả Thạch Mu Ni cho hay loại hình sân khấu dù kê có nhiều ưu thế, bởi ngoài đặc trưng riêng của dù kê nó còn tiếp nhận những tinh hoa của nghệ thuật khác, tạo sự giao lưu văn hóa với những tinh hoa nghệ thuật của người Kinh, người Hoa, của các nước như Ấn Độ, Indonesia, châu Âu, Mỹ Latin… "Nội dung kịch bản của sân khấu dù kê vừa thể hiện được đề tài cổ điển, dân gian, vừa thể hiện được đề tài xã hội đương đại. Chính ưu thế này nên sân khấu dù kê được đồng bào Khmer Nam Bộ ưa chuộng" - soạn giả Thạch Mu Ni thông tin.

Khai thác thành sản phẩm du lịch

Những năm gần đây, nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer Trà Vinh dần bị mai một theo thời gian, hiện nay chỉ còn 2 tỉnh là Trà Vinh và Sóc Trăng còn gìn giữ với nhiều đoàn chuyên và không chuyên, tổ chức đoàn biểu diễn và hoạt động truyền nghề theo các phum, sóc.

Thực tế cho thấy, số lượng tác giả, tác phẩm cho tuồng kịch bản dù kê hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, lớp trẻ được truyền nghề tiếp nối cũng không còn nhiều như trước đây. Theo các nhà chuyên môn, để bảo tồn, nỗ lực thôi chưa đủ, dù kê cần được tạo nhiều cơ chế và hình thức phát triển phù hợp, đa dạng như khai thác du lịch, đưa vào học đường, ra không gian công cộng…

NSND Giang Mạnh Hà cho hay những năm qua, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu dù kê trong thời kỳ mới, đã có những hoạt động nghiên cứu, liên hoan biểu diễn dù kê, các trại sáng tác kịch bản được các tỉnh ĐBSCL thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, hy vọng năm nay qua liên hoan sân khấu dù kê sau khi đã được nâng tầm quốc gia, sẽ tìm ra được giải pháp bảo tồn và phát triển căn cơ cho sân khấu dù kê.

Nhà giáo Nhân dân Hà Quang Văn trăn trở, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sự thay đổi về nhu cầu giải trí của người dân, sự bùng nổ của các loại hình giải trí hiện đại đã khiến nghệ thuật sân khấu dù kê gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận khán giả. Cũng như sân khấu cải lương, các nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội của sân khấu dù kê ngày càng thưa dần, trong khi đội ngũ kế thừa chưa được đào tạo bài bản.

NSƯT đạo diễn Ca Lê Hồng cho rằng các tỉnh cần tăng cường mở lớp truyền dạy, nhằm tạo phong trào trong quần chúng, nỗ lực phát hiện trong giới trẻ có hạt nhân có năng khiếu, đam mê để tiếp tục đào tạo chính quy trong tương lai. "Cần sớm có kế hoạch đầu tư phát triển bền vững cho bộ môn nghệ thuật này, như đào tạo đội ngũ diễn viên, sáng tác, dàn dựng chuyên về nghệ thuật sân khấu dù kê. Tổ chức liên hoan, hội diễn nghệ thuật sân khấu dù kê định kỳ ở cấp tỉnh, khu vực, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ giao lưu, học tập lẫn nhau; tăng cường các lớp bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho diễn viên, nhạc công" - NSƯT Ca Lê Hồng nhấn mạnh.

Những người trong cuộc cho rằng nghệ thuật sân khấu dù kê hoàn toàn có thể khai thác thành sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, tâm linh. Tuy nhiên cần chọn các tiết mục tiêu biểu, phù hợp khi đưa vào phục vụ cho khách du lịch.

Theo NSND Giang Mạnh Hà, để vực dậy nền sân khấu dù kê là một bài toán khó nhưng không có nghĩa là không thể thực hiện. Kỳ vọng rằng qua liên hoan nghệ thuật sân khấu dù kê năm 2023, sẽ là "bà đỡ" để nghệ thuật sân khấu dù kê tìm lại công chúng và đến gần hơn với giới trẻ.

Năm 1985, nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer Nam Bộ chính thức được công nhận là loại hình sân khấu chuyên nghiệp ở Việt Nam. Tiếp đó, năm 2014, nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer Nam Bộ một lần nữa được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...