CUỘC THI VIẾT "HƯƠNG VỊ TẾT": Đón Tết Hàn, nhớ Tết ta
Tôi vẫn hay kể cho anh chồng người Hàn nghe về vị Tết ở Việt thế nào, để anh hiểu sao cứ mỗi khi Tết đến xuân về, tôi lại miên man nhớ nhà, muốn về quê ăn Tết đến vậy.
Muốn biết vị Tết Việt như thế nào, hãy ra nước ngoài sinh sống vài năm, lúc ấy chỉ mong được về Việt Nam vào dịp Tết, để được đắm chìm trong cảm xúc thuở ấu thơ, rồi dắt díu con cái về để con được tận hưởng vị Tết Việt, cái vị mà bất cứ nơi nào cũng không có được.
Năm nay là năm thứ 4 tôi đón Tết ở Hàn Quốc, một đất nước cũng đón Tết âm lịch giống như ở Việt Nam. Nhưng quả thực để nói có không khí Tết thì quả thực là hầu như ai qua đây sinh sống đều sẽ có cảm nhận là bên này có Tết mà như không có Tết.
Giống Việt Nam, ở Hàn Quốc cũng cúng tổ tiên vào ngày mùng 1 Tết
Tết âm lịch ở Hàn Quốc thường cũng chỉ được nghỉ 2 ngày. Năm nay, lịch nghỉ Tết còn bao gồm thứ 7 và chủ nhật nên kéo dài 4 ngày. Nhưng tâm lý chung cũng chẳng thấy ai nôn nao trở về nhà như ở Việt Nam. Ngày 30 Tết, cả gia đình tôi bắt tàu về nhà mẹ chồng. Đồ cúng truyền thống cũng đơn giản là các món rau và thịt, cá đem chiên, và hoa quả nên cũng không phải chuẩn bị nhiều, chỉ cần mỗi người 1 tay làm trong vòng nửa ngày là xong.
Ngày mùng 1, làm lễ cúng gia tiên, cả gia đình anh em quay quần ăn bữa cơm cùng nhau, đi thăm mộ ông bà. Có lẽ đây là phần ấm cúng, thú vị nhất của Tết Hàn. Xong việc, anh em, chú bác ai lại về nhà nấy. Hết Tết. Ngắn ngủi và đơn giản vậy nên tôi nhớ Tết Việt da diết.
Tôi vẫn hay kể cho anh chồng người Hàn nghe về vị Tết ở Việt thế nào, để anh hiểu sao cứ mỗi khi Tết đến xuân về, tôi lại miên man nhớ nhà, muốn về quê ăn Tết đến vậy.
Mâm cúng ngày Tết có thêm bánh chưng xanh
Vị Tết trong tôi là những kỷ niệm ngày nhỏ. Tầm 26 Tết, mặc dù còn bận rộn việc ở cơ quan nhưng mẹ tôi đã tranh thủ sắm sửa dần dần các thứ cần thiết cho Tết, khi thì ít nếp, ít bột, ít lá gói bánh. Và khi thấy mẹ mang về một thùng trứng gà và vài cân bột, cân đường là lũ trẻ con chúng tôi biết "À, Tết đến rồi". Vì nhà mình sẽ làm bánh thuẫn (một loại bánh như bánh bông lan đổ trong khuôn), loại bánh chỉ xuất hiện duy nhất vào dịp Tết. Đổ bánh là phần có lẽ được mong chờ nhất trong năm vì phần chuẩn bị rất kì công. 5 anh chị em tôi, trừ út ra chưa biết làm, sẽ thay phiên nhau đánh trứng, đánh bột bằng cây đánh bột. Đánh hoài đánh hoài mỏi tay mà không biết lúc nào bột đem đổ được. Cho tới lúc mẹ tôi lấy một chén nước nhỏ, nhỏ muỗng bột mà bột không tan trong nước là lúc đó mới được.
Tới phần đổ bột cũng gay cấn không kém vì phải canh lửa cả trên và dưới khuôn. Nhiều than ở trên thì mau cháy, nhiều than dưới bánh không nở đầu cánh. Phải mất 10 mẻ đầu vừa làm vừa canh khuôn mới ra được những chiếc bánh thuẫn nở đều tăm tắp. Và dĩ nhiên những chiếc bánh hỏng, bánh cháy đều được tụi tôi thủ tiêu vào bụng hết. Nên đến Tết khi bày ra đãi khách còn toàn bánh đều, đẹp. Với tôi những chiếc bánh cháy, bánh dở đó là món ăn ngon nhất trong các loại bánh kẹo Tết. Món bánh này vẫn tiếp tục xuất hiện trong nhà tôi tới tận lúc mấy đứa nhỏ chúng tôi lớn hết, có gia đình riêng.
Bố mẹ vẫn giữ truyền thống gói bánh chưng ngày 28 Tết
29 Tết, khi công việc ở cơ quan đã xong xuôi, bố mẹ tôi mới thủng thẳng bảo chúng tôi đi lau lá dong gói bánh chưng. Mẹ tôi vo gạo nếp, cha tôi thái thịt, thái hành củ, vót tre. Mỗi người một việc, nhà tôi bắt tay vào gói bánh. Cha tôi có biệt tài gói bánh không cần khuôn, không cần lạt, chỉ dung mấy cái xiên tre để cố định bánh sau gói. Mà cái nào cái nấy vuông chằn chặn, đều và đẹp.
Bánh gói xong, cho vào nồi luộc thì 5 anh chị em tôi đều giành ngồi trông nồi bánh. Trải cái chiếu nhỏ, năm đứa ngồi vây tròn bên bếp lửa nổ tí tách. Mẹ mang cho chúng tôi một nồi thịt, tự xiên vào que đem nướng. Chúng tôi vừa ăn vừa hít hà. Đứa nào miệng cũng nhận là thức trông nồi bánh nhưng đến hơn 12 giờ là lăn ra ngủ hết. Đến sáng dậy, đã thấy cha tôi ngâm bánh trong nước, rồi vớt ra xếp bánh lên kệ chèn thật chặt rồi. Ngửi mùi lá, mùi bánh, cảm giác Tết thực sự đã đến nhà mình.
Bây giờ mấy đứa con đều đã lớn, có gia đình. Có đứa Tết về ăn Tết, có đứa không, nhưng cha mẹ tôi vẫn giữ nếp 28, 29 Tết ngồi gói bánh. Nhà không còn đông người, cũng không ăn bánh nhiều nhưng cha mẹ tôi vẫn gói vì cha bảo: "Không gói bánh chưng thì không có không khí Tết".
Đại gia đình tôi vẫn cùng nhau xum họp ngày Tết mặc dù năm nay tôi không về ăn Tết được
Tối 30 sau khi cúng giao thừa xong, nhà tôi có truyền thống là cha mẹ con cái sẽ mặc quần áo đẹp, quay quần bên nhau lì xì, chúc Tết và chia sẻ những điều năm rồi mình cảm thấy chưa được. Và những mục tiêu dành cho năm sau. Vậy là mùa Tết đối với chúng tôi đã xong. Lúc nhỏ tôi chưa biết, nhưng tới bây giờ khi đã lớn và sống xa nhà, vị Tết chính là khi gia đình quay quần bên nhau cùng chuẩn bị, cùng hướng đến. Và hương vị Tết sẽ còn mãi khi cha mẹ tôi dù thời đại có thay đổi ra sao vẫn chào đón chúng tôi trở về nhà với nồi bánh chưng, bánh thuẫn. Và tôi nhất định sẽ đưa chồng và con trai về Việt Nam ăn Tết một lần để biết vị Tết đặc biệt như thế nào.