Cuộc thi "Bên nhau ngày Tết": Lá thư đầu Xuân
Suốt mười cái Tết sống ở thành phố hoa lệ, tôi đã đón nhận được biết bao tình cảm yêu thương, sự quan tâm trìu mến và cả những nghĩa cử tốt đẹp của mọi người dành cho nhau.
Khi tôi gõ những dòng này trên laptop thì thành phố của tôi đang độ vào Xuân, tiết trời đã dần trở nên thoáng đãng và dễ chịu hơn. Đã gần nửa tháng nay, khu vực nơi tôi đang sống rôm rả hẳn lên vì những khu bày bán hoa kiểng, trái cây và cả các loại bánh mứt sẵn sàng cho người dân sắm Tết.
Đúng thời điểm này mười năm trước, cũng là lần đầu tiên tôi đến TPHCM và bắt đầu hành trình gắn bó với thành phố này. Tôi nhớ rất rõ cảm giác lo âu và trống rỗng của mình trong những ngày đó, khi phải rời khỏi gia đình và không gian thân thuộc, để bắt đầu một cuộc sống xa nhà ngay vào mùa Tết.
Rất may mắn TPHCM đã đón nhận, bao dung và trìu mến đối đãi với những người xa xứ như tôi. Suốt mười cái Tết sống ở thành phố hoa lệ này, tôi đã đón nhận được biết bao tình cảm yêu thương, sự quan tâm trìu mến và cả những nghĩa cử tốt đẹp của mọi người dành cho nhau.
Tôi nhớ cô Tư, người hàng xóm tốt tính thường đem cho mình mấy đòn bánh tét, vài túi lạp xưởng trước khi cô quay về Long Xuyên ăn tết cùng gia đình. Cô tử tế đến độ sợ tôi quên mất không ăn kịp những thức ăn cô gửi nên dù đã về quê vẫn nhờ con dâu chạy sang nhắc. Khi tôi nhắn tin cám ơn, cô trả lời: "Sợ con quên nên cô phải nhắc. Cô nhớ tánh con giống chú Tư, chồng cô, thích ăn bánh tét với lạp xưởng. Giờ chú Tư đi rồi, cô chỉ còn biết gói bánh, để dành lạp xưởng, cho con ăn. Con có đi nước ngoài, nhớ ghé nhà con trai cô thắp cho chú một nén nhang, để chú phù hộ cho con nha".
Tôi khẽ gật đầu mà nước mắt trào dâng. Chú Tư đã ra đi mãi mãi vì dịch bệnh Covid-19, để lại cô và cả gia đình biết bao nhung nhớ và khắc khoải. Những cuộc đoàn viên ngày Tết giờ chỉ còn trong tâm tưởng. Dù thế, cô Tư vẫn luôn quan tâm và thương yêu tôi cũng như nhiều người hàng xóm láng giềng khác như trước đây.
Tôi nhớ cả chú bảo vệ chung cư hào sảng thường giúp tôi dắt xe mỗi sáng đi làm. Mùa Tết năm nào, chú cũng cho tôi hai chậu hoa vạn thọ vàng ươm để bài trí ở nhà cho đẹp. Dù tôi vẫn thường nói: "Con ăn Tết một mình nên không cần chưng hoa đâu chú". Nhưng chú vẫn để dành hoa cho tôi, vì lý do đơn giản: "Ngày Tết mà không có hoa thì trong nhà buồn hiu con à".
Chú người miền Tây, giọng nói mộc mạc, tính tình thật thà, nên ai trong khu tập thể cũng đều quý. Thế mà không may, cách đây vài tuần, chú phải vào viện vì bệnh viêm khớp. Ngày nhập viện, mọi người động viên chú rất nhiều trên zalo, chú vẫn lạc quan trả lời từng người, thậm chí còn bày trò trêu đùa chúng tôi. Chú nhắn với tôi: "Chú sẽ ráng khỏe, để còn về tặng con hai chậu bông vạn thọ vàng ươm như mọi năm chứ".
Nhìn những dòng tin nhắn của các cô chú mà khóe mắt tôi cay cay. Hơn bất kỳ ai, tôi biết rằng dù cách trở khó khăn, dù đã từng phải chia ly nhau vì dịch bệnh nhưng người Sài Gòn-TPHCM chưa bao giờ thôi tốt bụng nhiệt tình, cũng chẳng khi nào chịu bỏ rơi bất kỳ ai trong mọi hoàn cảnh.
Tết ở TPHCM với tôi là một hương vị rất khác biệt đến từ sự tử tế và lòng bao dung của tất cả mọi người dành cho nhau. Đó có thể chỉ đơn giản là vài cái bánh tét, mấy chậu hoa nhỏ…nhưng giữa đô thị ồn ào tất bật này, tình người vẫn khiến những người trẻ xa quê, thiếu vắng gia đình như tôi rưng rưng xúc động.
Nhưng giờ đây, sau gần mười năm, khi đã quen thuộc với việc chấp nhận mọi thay đổi và không còn suy nghĩ về nó thì bản thân lại đối diện với một trải nghiệm khác trong chuyến đi dài lần thứ hai của cuộc đời. Đây là chuyến đi mà mãi cho đến khi bản thân cầm kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 trước giờ bay vài tiếng đồng hồ, tôi mới bàng hoàng nhận ra: Mình sắp phải rời xa TPHCM rồi đấy.
Dịch bệnh Covid-19 đã làm đảo lộn trật tự mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta, khiến cho những chuyến đi không còn trở nên chắc chắn, cũng đồng thời khiến những lời tạm biệt trở nên xa xỉ hơn bao giờ hết. Suốt nhiều tháng qua, tôi tiến hành làm hồ sơ trong tình trạng "bật", "tắt" của các thủ tục hành chính vì lệnh giãn cách, tâm trạng luôn căng thẳng vì chuyến đi có thể bị trì hoãn bất kỳ lúc nào.
Những ngày gần đây, khi nghe tiếng rao hàng, âm thanh í ới gọi nhau và cả cảnh nhộn nhịp mua bán mỗi sáng bình minh càng khiến tôi cảm nhận mùa xuân đang đến thật gần. Lác đác màu hoa đào giả hồng xác pháo trên những con phố như nhắc nhớ mỗi chúng ta rằng xuân đã về. Hàng mai trên đường Hàm Nghi vẫn còn xanh um lá già, đang đợi một chút gió xuân về, để bừng nở thắm vàng dưới sắc trời phương Nam.
Vài ngày nữa thôi, những con đường quen thuộc sẽ bừng lên sắc màu. TPHCM sẽ lại hồi sinh để đón một cái Tết hân hoan sau biết bao nhọc nhằn, thương khó. Đó cũng là thời điểm tôi phải nói lời tạm biệt thành phố thân yêu này để bắt đầu chuyến đi tu nghiệp ba năm của mình tại Pháp.
Tôi cứ thế âm thầm rời khỏi thành phố trong một ngày đầu xuân, nắng vàng rực rỡ, bỏ lại phía sau lưng biết bao những hẹn ước dang dở. Sân bay ngày tôi đi đông khách đến không ngờ, dòng người đứng chen chúc nhau chờ kiểm tra an ninh. Hòa lẫn trong dòng người san sát ấy, bỗng dưng tôi nhớ đến mùi hương trầm của nén nhang thắp vội trên bàn thờ ba má và chú Tư nhà hàng xóm, thấy tim mình nghèn nghẹn rồi nước mắt không kìm được mà chực rơi xuống.
Vốn mất ba má từ khi còn nhỏ, tôi ý thức được hơn bất kỳ ai giá trị của tình yêu thương và sự đoàn viên gắn kết trong gia đình. Chỉ đáng tiếc, cũng như gia đình cô Tư, gần 20.000 người ở TPHCM đã không còn cơ hội đó. Họ đã lặng lẽ ra đi trong cô độc. Mùa xuân này, ở một nơi xa xôi nào đó, mong tất cả những người ra đi đều được bình an. Những người còn lại trên thế gian này, vẫn luôn ghi nhớ hình ảnh họ trong tâm tưởng và hoài niệm.
Tạm biệt TPHCM với một năm thật nhiều đau thương và mất mát. Mặc dù thế, tôi vẫn tin tưởng vào ngày mai tươi sáng. Dù khoảng cách địa lý sẽ xa xôi hơn rất nhiều, nhưng tôi vẫn có thể liên lạc với những người thân yêu qua mạng internet mỗi ngày, có thể cập nhật tình hình cho nhau bằng tin nhắn, bằng video call.
Mong tất cả chúng ta đều bình an trong mùa Tết, bởi sức khỏe và bình an của riêng chúng ta cũng là sức khoẻ của cộng đồng. Hẹn gặp lại những người thương yêu của tôi vào một mùa xuân gần nhất giữa TPHCM.