Cơ hội tuyệt vời từ ẩm thực
Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến có ẩm thực nổi tiếng thế giới. Quảng bá du lịch từ ẩm thực là cơ hội tuyệt vời để thu hút, kéo dài thời gian lưu trú, chi tiêu của khách du lịch.
Tại "Ngày hội F&B Việt Nam 2022" và Diễn đàn Ẩm thực Việt Nam 2023 vừa diễn ra ở TP HCM, nhiều du khách bất ngờ với những món ăn được giới thiệu ở các gian hàng ẩm thực.
Giữ chân du khách bằng ẩm thực
Chị Ngọc Tuyết (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) bày tỏ sự ngạc nhiên khi thưởng thức những món ăn từ các đầu bếp chuyên nghiệp như hàu Nhật phô mai, sashimi cá ngừ đại dương, sườn heo 3F nướng kiểu Ý rau củ hầm, thăn ngoại bò Okini nướng kèm sốt tiêu xanh…"Thưởng thức ẩm thực là một trong những niềm đam mê của tôi khi đi du lịch" - chị Ngọc Tuyết kể.
Chỉ riêng tại ngày hội đã có khoảng 50 đơn vị tham gia gian hàng trưng bày, triển lãm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm ẩm thực, thực phẩm chế biến sâu; sản phẩm đồ uống.
Ông Nguyễn Tấn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực TP HCM, cho biết ngày hội nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa ẩm thực, sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền, món ăn đặc trưng của TP HCM và Việt Nam, cũng như quảng bá ra thế giới. Mục tiêu tạo không gian để các doanh nghiệp, du khách vừa thưởng thức ẩm thực vừa trải nghiệm văn hóa Việt Nam. Lễ hội cũng góp phần kích cầu tiêu dùng, phục hồi du lịch, đặc biệt là nâng tầm ẩm thực Việt Nam.
Với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, văn hóa, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, TP HCM chính thức mở cửa và phục hồi sau COVID-19 đã góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mở ra nhiều cơ hội trong lĩnh vực ẩm thực, du lịch.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết mới đây, Việt Nam được tạp chí quốc tế xếp hạng là 1 trong 10 điểm đến có ẩm thực ngon nhất; đứng thứ 5/10 quốc gia có nền ẩm thực ngon nhất thế giới. Đây là niềm tự hào vì ẩm thực không chỉ là văn hóa mà còn là tâm hồn, cốt cách của con người Việt Nam. Du lịch không thể tách rời ẩm thực, là động lực tăng trưởng quan trọng để phát triển du lịch, vì từ ẩm thực sẽ góp phần quảng bá đặc trưng của điểm đến. Quan trọng nguồn thu từ du lịch sẽ tăng khi góp phần kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu cho du khách.
Khách tham quan thưởng thức ẩm thực vùng miền và món ăn quốc tế tại Ngày hội F&B Việt Nam 2022. Ảnh: BÌNH AN
Phát triển du lịch gắn với kinh tế đêm
"Phát huy lợi thế hội tụ ẩm thực để gia tăng giá trị và tính cạnh tranh cho du lịch TP HCM đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian qua. Năm 2023, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng các cơ sở dịch vụ ẩm thực của TP HCM và sẽ chú trọng phát triển sản phẩm du lịch gắn với chủ trương phát triển kinh tế đêm trên địa bàn" - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói.
Chỉ tính riêng tại TP HCM, hiện có khoảng 16.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng có địa chỉ cố định với rất nhiều nhà hàng khách sạn 4-5 sao và khoảng 15.800 cơ sở quán ăn đường phố. Đây là hạ tầng đa dạng, phong phú để phát triển ngành F&B nói riêng và kinh tế đêm nói chung. Đề án phát triển kinh tế đêm và du lịch thông minh cũng đã được xây dựng với việc quy hoạch 22 tuyến phố, chợ đêm. Trong chiến lược phát triển này, ẩm thực là trụ cột quan trọng không thể tách rời. Lãnh đạo TP HCM đặt mục tiêu trong năm 2023, ngành thực phẩm, đồ uống và ẩm thực đóng góp lớn vào chuỗi giá trị, cung ứng, tạo động lực cho ngành du lịch phát triển.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch Mạng lưới Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Việt Nam (Vistartup), nhận định ẩm thực là thế mạnh rất đặc trưng để thu hút khách, nhất là nhóm khách quốc tế. Ngành thực phẩm, đồ uống, kinh doanh ẩm thực theo định hướng phát triển du lịch thông minh, kinh tế đêm sẽ góp phần giúp cộng đồng khởi nghiệp có nhiều cơ hội phát triển, đưa sản phẩm ẩm thực Việt Nam xuất khẩu tại chỗ thông qua khách du lịch, qua đó có thể mở rộng thị trường quốc tế.