Chú trọng giáo dục giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc
Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ GD&ĐT quan tâm hơn nữa đến giáo dục tư tưởng, lý tưởng cho thế hệ trẻ trong đó chú trọng đến các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Bộ GD&ĐT cho biết: Giáo dục lý tưởng cách mạng, trong đó chú trọng đến các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc là nhiệm vụ luôn được Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo trong hoạt động, giảng dạy ở mỗi nhà trường. Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiệm vụ này được đặc biệt chú trọng. Theo đó, các chương trình môn học, hoạt động giáo dục đều nhấn mạnh giáo dục toàn diện cho học sinh (HS), đặc biệt là giáo dục “làm người”, theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Chương trình mới hình thành, phát triển cho HS những phẩm chất chủ yếu: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; phát huy tính tích cực của HS; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho HSSV.
Cùng với đó, kế hoạch giáo dục địa phương là một thành phần hữu cơ của kế hoạch tổng thể thực hiện các hoạt động dạy học, giáo dục của nhà trường để hoàn thành nội dung giáo dục của một địa phương. Nội dung giáo dục địa phương gồm những vấn đề cơ bản, mang tính thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp, nhằm trang bị cho HS những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng HS tình yêu quê hương, có trách nhiệm với cộng đồng, biết trân trọng và phát huy văn hóa truyền thống quê hương, phát triển năng lực và phẩm chất, ý thức tìm hiểu và vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề thực tiễn của địa phương. Ở tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Cấp THCS, THPT, nội dung giáo dục địa phương có vị trí tương đương các môn học khác.
Cùng với việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, những năm qua, Bộ GD&ĐT đã bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời đẩy mạnh triển khai tổ chức các hoạt động cho HSSV liên quan đến công tác giáo dục tư tưởng chính trị, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống; trong đó chú trọng đến các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Bộ đã tham mưu Chính phủ và trực tiếp ban hành nhiều văn bản, đề án chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. Có thể kể đến: Quyết định số 1299/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”; Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sơ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; Quyết định số 1895/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”...
Bộ GD&ĐT trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến của cử tri. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục chú trọng chỉ đạo và tổ chức thực hiện giáo dục lý tưởng cách mạng, các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc ở các nhà trường trong toàn ngành một cách quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả.