Cách làm mới ở “đất võ, trời văn”
Tại Bình Định, có 4 con sông lớn gồm sông Kôn, Lại Giang, La Tinh và Hà Thanh cùng các sông nhỏ như Châu Trúc, Tam Quan... Mặc dù có nhiều tiềm năng về đường sông, nhưng vì điều kiện tự nhiên nên tỉnh Bình Định vẫn chưa khai thác và phát triển hiệu quả sản phẩm du lịch đường sông.
Từ thành công nhỏ...
Sông Hà Thanh có chiều dài khoảng 58 km bắt nguồn từ miền núi phía Tây Nam huyện Vân Canh, ở độ cao 500m so với mực nước biển, chảy theo hướng Tây Nam và Đông Bắc. Sau khi đi qua một số xã của huyện Vân Canh sông tiếp tục chảy qua huyện Tuy Phước, đến thị trấn Diêu Trì thì sông chia làm hai nhánh là Hà Thanh và Trường Úc, rồi tiếp tục đi vào địa phận TP Quy Nhơn, đổ vào đầm Thị Nại qua hai cửa Hưng Thạnh và Trường Úc.
Nhận thấy đây là một trong những con sông lớn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, vì vậy trong thời gian qua, Sở Du lịch Bình Định đã phối hợp với UBND TP Quy Nhơn tổ chức nhiều hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử, tài nguyên, sản phẩm du lịch, thương hiệu du lịch Bình Định với các hoạt động như: Đêm hội du lịch trên sông Hà Thanh; cuộc thi chèo thuyền Sup trên sông Hà Thanh; trình diễn thuyền hoa du lịch, thả hoa đăng và hát trên sông Hà Thanh cùng một số hoạt động văn hóa - thể thao, hoạt náo nghệ thuật đường phố… đã ít nhiều gây tiếng vang trong và ngoài tỉnh, thu hút lượng du khách lớn đến tham quan.
Những ngày này, đến con đường Hoa Lư thuộc Thành phố du lịch sạch ASEAN 2024 Quy Nhơn, du khách được thỏa thích ngắm nhìn những hình ảnh bích họa về di sản, di tích, làng nghề truyền thống, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc… gần gũi gắn liền với cuộc sống của người dân vùng miền biển được trang trí dọc sông Hà Thanh. Để lòng sông Hà Thanh đẹp, rộng thoáng hơn địa phương đang chỉ đạo đơn vị thi công nạo quét đáy sông tạo điều kiện để tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao tại đây.
Nhánh sông Hà Thanh chạy qua nơi sinh sống của hàng vạn dân trong lòng TP Quy Nhơn xinh đẹp. Anh Phạm Văn Phát, một người dân ở phường Đống Đa cởi mở: “Đoạn sông Hà Thanh chạy qua thành phố về đêm đẹp lung linh thơ mộng, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Đối với người dân chúng tôi, đây là điều kiện thuận lợi, đặc biệt cho các hộ kinh doanh tham gia phát triển du lịch, kinh tế ban đêm, phát huy thế mạnh trên dòng sông này. Tuy nhiên, nếu khai thác mà không biết bảo vệ thì cũng sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tôi thiết nghĩ, mỗi người dân phải ý thức được vai trò của mình và tích cực hành động trong việc bảo vệ môi trường, góp phần làm sông Hà Thanh xanh - sạch - đẹp, khang trang hơn. Có như vậy, mới có thể thu hút được du khách một cách lâu dài, góp phần phát triển du lịch bền vững và phát triển kinh tế của địa phương”.
… đến suy nghĩ lớn
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn nhìn nhận: “Đống Đa là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch trên sông Hà Thanh về đêm. Sản phẩm du lịch trên địa bàn phường là điểm đến hấp dẫn không thể thiếu đối với khách du lịch. Thời gian qua, việc đẩy mạnh du lịch trên sông Hà Thanh góp phần chung vào bức tranh phát triển du lịch của tỉnh Bình Định”.
Theo kế hoạch, trên sông Hà Thanh đoạn chạy qua phường Đống Đa, thuộc TP Quy Nhơn sẽ hình thành “Tuyến phố Du lịch Hoa Lư”, với mục đích tạo thêm điểm vui chơi, giải trí về đêm, giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch trên sông Hà Thanh và ẩm thực địa phương, qua đó phục vụ văn hóa tinh thần cho người dân và du khách khi đến thành phố biển du lịch. Cũng tại tuyến phố này sẽ hình thành thêm các dịch vụ và du khách có thể tham quan, trải nghiệm bơi thúng led, thuyền led trên sông Hà Thanh kết hợp thả hoa đăng cầu bình an; hoặc đi tham quan tháp Thầy Bói trên đầm Thị Nại kết hợp thưởng thức các món ăn hải sản tươi sống trên đầm; trải nghiệm câu cá trên sông Hà Thanh và trực tiếp kéo chồ bắt hải sản, với tour 1 ngày làm ngư dân...
Để đánh thức phát triển du lịch đường thủy trên sông Hà Thanh, góp phần chung cho Thành phố du lịch sạch ASEAN 2024 Quy Nhơn, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho rằng: “Cần có cơ chế sử dụng hiệu quả quỹ đất ven và trên kênh rạch, quản lý hành lang ven và trên kênh rạch, cũng như xây dựng các quy chế để kêu gọi xã hội hóa đầu tư các bến đón trả khách, các bến neo đậu. Đồng thời xác định rõ những hạng mục hạ tầng sẽ sử dụng từ nguồn ngân sách, hay nguồn xã hội hóa. Cùng với đó, các cơ quan liên quan của tỉnh nên hoàn thiện các đề án tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông thuỷ làm đòn bẩy cho phát triển các tuyến du lịch thuỷ; bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm, các điểm dừng chân trên tuyến gắn với những dịch vụ thể thao trên bờ, dưới nước và các điểm mua sắm, ẩm thực”.
Vẫn theo ông Trần Văn Thanh, không chỉ riêng ngành Du lịch mà các ngành liên quan và địa phương phải tập trung chú trọng kết nối việc phát triển du lịch đường sông với các sản phẩm gắn liền với các di tích văn hóa, lịch sử và xem đây là hai nhóm sản phẩm mới cần phát triển trong thời gian tới. Ngoài ra, thường xuyên nắm bắt, phối hợp khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh, khai thác du lịch đường thủy trong việc hình thành, xây dựng và quảng bá sản phẩm cũng như hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.