• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

17 bảo vật quốc gia tại TPHCM

Các bảo vật quốc gia của bảo tàng và cá nhân lần đầu được trưng bày cùng một nơi trong triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM.

17 bảo vật quốc gia tại TPHCM

Ấn “Lương Tài Hầu chi ấn” và khuôn in “Tín phiếu mệnh giá 5 đồng” - bảo vật quốc gia. Ảnh: Ngọc Dủ

Chõ gốm

Chõ gốm (văn hóa Đông Sơn) hiện vật thuộc sưu tập tư nhân Phạm Gia Chi Bảo, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2024.

Chiếc chõ gốm là sưu tập cá nhân của diễn viên Phạm Gia Chi Bảo. Cổ vật niên đại khoảng 2.000 năm, thuộc nền văn hóa Đông Sơn, công nhận bảo vật quốc gia 2024. Theo ông Bảo, chõ gốm mang giá trị lớn, bởi ở thời Đông Sơn hầu như mọi người chỉ biết đến trống đồng.

Chõ gốm. Ảnh: Ngọc Dủ
Chõ gốm. Ảnh: Ngọc Dủ

Chõ là dụng cụ nấu xôi hoặc hấp thực phẩm, cấu tạo gồm tầng dưới chứa nước, trên đặt thức ăn. Chõ cao 40cm, đường kính miệng 28,5cm, nặng 4,2kg. Chõ có hình dáng miệng loe, lưng thắt, bụng tròn khác biệt rõ với các loại nồi nấu hay đồ đựng trong gian bếp.

Tượng Phật Đồng Dương

Tượng Phật Đồng Dương (văn hóa Champa) có niên đại thế kỷ 8 - 9. Hiện vật thuộc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2012.

Tượng Phật Đồng Dương được tìm thấy ở Quảng Nam năm 1911, có tuổi đời khoảng 1.200 năm, thuộc nền văn hóa Champa. Tượng làm bằng đồng thau, cao 120cm, nặng 120kg, thể hiện đức Phật đứng thuyết pháp.

Tượng liên quan đến một giai đoạn Phật giáo ở Chămpa phát triển hưng thịnh, đó là thời kỳ thuộc triều Indravarman II, còn gọi là “Vương triều Đồng Dương” hay “Vương triều Phật giáo”.

Tượng Nữ thần Devi

Tượng Nữ thần Devi (văn hóa Champa) có niên đại thế kỷ 10. Hiện vật thuộc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2012.

Tượng cao 38,5cm, và nặng 2 kg, có niên đại thế kỷ thứ 10, được phát hiện năm 1911 ở Quảng Nam trong một đền thờ nhỏ. Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu, đây là chân dung hiếm thấy của một nữ thần Ấn Độ được “Champa hóa”.

Bức tượng bằng đá sa thạch, có lông mày dài, cong liền nhau, mắt to, miệng hơi nở nụ cười, tóc kết thành cuộn búi cao kiểu hình tháp. Cổ vật được nhiều nước trên thế giới lựa chọn để trưng bày giới thiệu về nền văn hóa Champa.

Ấn “Lương Tài Hầu chi ấn”

Ấn “Lương Tài Hầu chi ấn” có niên đại năm 1833, hiện vật thuộc Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2020.

Lương Tài Hầu chi ấn đúc năm vua Minh Mạng thứ 14 (1833), bằng đồng, cao 7,35cm, đế rộng 7cm. Đây là ấn của Tiền quân Đô Thống phủ Chưởng phủ sự Trần Văn Năng.

Ấn là hiện vật quý hiếm, độc bản. Đây là ấn "Hầu tước" đầu tiên được ban cấp cho công thần, tướng lĩnh cao cấp, không phải dòng dõi hoàng tộc. Ấn được xem là mẫu, về sau khi có phong tước ban cấp ấn cho các công thần thì dùng ấn này làm chuẩn.

Khuôn in “Tín phiếu mệnh giá 5 đồng”

Khuôn in “Tín phiếu mệnh giá 5 đồng”, có niên đại năm 1947, hiện vật thuộc Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2018.

Khuôn được làm bằng đồng, đúc nổi hình ảnh và dòng chữ của tờ tín phiếu. Trên khuôn khắc hình quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cùng dòng chữ: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Tín phiếu - Năm đồng - Ngân hàng Quốc gia Việt Nam - Chi nhánh Nam Bộ. Bên phải khuôn có biểu tượng hình chữ nhật in chìm số 5, thể hiện mệnh giá. Khuôn phản ánh rõ nét quá trình đấu tranh tài chính, tiền tệ trong kháng chiến chống Pháp.

Tượng Avalokitesvara Đại Hữu

Tượng Avalokitesvara Đại Hữu (văn hóa Champa) có niên đại thế kỷ 10. Hiện vật thuộc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2013.

Tượng được thể hiện trong tư thế đứng, có 4 tay, 2 tay sau hơi cong vào cầm quyển sách, 2 tay trước đưa ra cầm nụ sen và bình nước cam lồ.

Tượng được tạc bằng đồng là một loại chất liệu tương đối hiếm trong nghệ thuật điêu khắc Champa. Tạc dáng tượng hoàn hảo, dáng thon, phục sức và trang trí mang đặc trưng của Avalokitesvara.

Tượng thần Surya

Tượng thần Surya (văn hóa Óc Eo) có niên đại thế kỷ 6 - 7. Hiện vật thuộc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2012.

Tượng thần Surya. Ảnh: Ngọc Dủ
Tượng thần Surya. Ảnh: Ngọc Dủ

Tượng làm bằng sa thạch, được tìm thấy năm 1928 tại An Giang. Pho tượng tạc vị nam thần trong tư thế đứng, nặng 80kg. Cả hai bức tượng này điển hình cho nghệ thuật chạm khắc của nền văn hóa Óc Eo.

Tượng Phật Sơn Thọ

Tượng Phật Sơn Thọ (văn hóa Óc Eo) có niên đại thế kỷ 6 - 7. Hiện vật thuộc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2018.

Tượng Phật Sơn Thọ. Ảnh: Ngọc Dủ
Tượng Phật Sơn Thọ. Ảnh: Ngọc Dủ

Tượng Phật Sơn Thọ được tìm thấy tại ngôi chùa cùng tên ở Trà Vinh, do cư dân Phù Nam chế tác vào thế kỷ thứ 6 - 7.

Cao 59cm và nặng 80kg, tượng được làm bằng đá sa thạch, thể hiện Đức Phật ngồi theo tư thế hai chân buông thõng trước ngai.

Tượng Phật Lợi Mỹ

Tượng Phật Lợi Mỹ (văn hóa Óc Eo) có niên đại thế kỷ 4 - 6. Hiện vật thuộc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2012.

Tượng Phật bằng gỗ khối, đứng trên tòa sen nhiều lớp, dáng thanh mảnh, đầu đội mũ miện tròn đỉnh có chóp nhọn, tai dài chấm vai, vai xuôi, hai tay giơ ngang ngực, trong tư thế bắt ấn, mặc áo choàng dài phủ đến chân tạo thành hình vòng cung.

Tượng Phật Lợi Mỹ. Ảnh: Ngọc Dủ
Tượng Phật Lợi Mỹ. Ảnh: Ngọc Dủ

Tượng Phật được tạc bằng một thân cây “gỗ Trai” duy nhất, điển hình của điêu khắc Phật giáo Đông Nam Á, thời kỳ đầu công nguyên thuộc Văn hóa Óc Eo, tượng có kích thước lớn, có giá trị thẩm mỹ cao tiêu biểu của nền Văn hóa Óc Eo, đặc biệt còn được lưu giữ nguyên vẹn đến ngày nay.

Tượng Phật Bình Hòa

Tượng Phật Bình Hòa (văn hóa Óc Eo) có niên đại thế kỷ 3 - 4. Hiện vật thuộc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2013.

Tượng Phật bằng gỗ bằng lăng, đứng trên đài sen, dáng thanh mảnh, đỉnh đầu có unisa, tóc xoắn ốc, mặc áo choàng hở vai, tay trái nắm mép áo, tay phải trong tư thế ban phúc.

Đây là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, tiêu biểu cho nghệ thuật tạc tượng trong văn hóa Óc Eo.

Tượng thần Vishnu

Tượng thần Vishnu (văn hóa Óc Eo) có niên đại thế kỷ 2 - 5. Hiện vật thuộc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2012.

Tượng thần Vishnu. Ảnh: Ngọc Dủ
Tượng thần Vishnu. Ảnh: Ngọc Dủ

Tượng đứng trên bệ, đầu đội mũ hình trụ. Tượng có bốn tay, 2 tay sau, 1 tay cầm vỏ ốc (Shanka) biểu tượng nguồn gốc của sự sống, 2 tay trước, tay phải cầm quả cầu (Bhu) tượng trưng cho trái đất, tay trái đặt lên cây trùy dài. Thần quấn dhoti dài.

Tượng được tạo hình cân đối, hài hòa độc đáo, có giá trị thẩm mỹ, tiêu biểu cho vị thần Hindu quan trọng của văn hóa Óc Eo.

Tranh “Thanh niên thành đồng”

Tranh “Thanh niên thành đồng” của họa sĩ Nguyễn Sáng, được phác thảo năm 1967. Hiện vật thuộc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2017.

Tranh “Thanh niên thành đồng”. Ảnh: Ngọc Dủ
Tranh “Thanh niên thành đồng”. Ảnh: Ngọc Dủ

Theo tài liệu của Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, "Thanh niên thành đồng" sử dụng chất liệu sơn mài, hoàn thành năm 1978. Bức tranh độc bản mô tả cảnh học sinh, sinh viên Sài Gòn biểu tình chống chiến tranh trong những năm 1960, phản đối sự có mặt của lính Mỹ tại Việt Nam.

Tượng Avalokitesvara

Tượng Avalokitesvara (văn hóa Óc Eo) có niên đại thế kỷ 8 - 9. Hiện vật thuộc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2013.

Tượng nặng 35kg, tóc búi cao có miện chạm hình tượng Phật ngồi, mang nhiều trang sức. Tượng có 4 tay, 2 tay trước đưa ra cầm nụ sen và bình nước cam lồ.

Tượng Phật Sa Đéc

Tượng Phật Sa Đéc (văn hóa Óc Eo) có niên đại thế kỷ 4. Hiện vật thuộc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2013.

Tượng Phật bằng gỗ sao, đứng trên tòa sen có 2 tầng, dáng thanh mảnh, cổ cao, vai ngang, đỉnh đầu còn dấu vết unisa, tóc xoắn ốc, dấu vết áo choàng dài đến ống chân.

Tượng Nữ thần Durga

Tượng Nữ thần Durga (văn hóa Óc Eo) có niên đại thế kỷ 7 - 8, được tìm thấy năm 1902 tại Trà Vinh. Hiện vật thuộc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2013.

Tượng Nữ thần Durga. Ảnh: Ngọc Dủ
Tượng Nữ thần Durga. Ảnh: Ngọc Dủ

Bảo vật bằng đá sa thạch, cao 75cm và nặng 75kg. Tượng đứng trên đầu một con trâu, là hình ảnh tượng trưng cho Quỷ trâu bị nữ thần Durga khuất phục, giúp loài người thoát khỏi những tai ương.

Tượng Avalokitesvara Hoài Nhơn

Tượng Avalokitesvara Hoài Nhơn (văn hóa Champa) có niên đại thế kỷ 8 - 9. Hiện vật thuộc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2013.

Tượng Avalokitesvara Hoài Nhơn. Ảnh: Ngọc Dủ
Tượng Avalokitesvara Hoài Nhơn. Ảnh: Ngọc Dủ

Tượng bằng đồng, nặng khoảng 40kg, thể hiện Bồ Tát 4 tay, đứng, dáng thanh thoát, đội tượng Phật A Di Đà trên đầu.

Tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc”

Bức tranh sơn mài "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM được công nhận bảo vật quốc gia năm 2013. Đây là tác phẩm được họa sĩ sáng tác lâu nhất, từ năm 1969 đến 1989 mới hoàn thành, có kích thước lớn 200 x 540cm. Hiện vật được trưng bày dưới dạng số hóa tại triển lãm.

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993) cùng với Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn tạo thành bộ tứ họa sĩ nổi tiếng thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...