"Văn hóa còn, dân tộc còn" - khẩu hiệu không cũ!
Khẩu hiệu này xuất hiện thường xuyên trên báo chí, ở các diễn đàn trong cuộc đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc và trở thành phong trào rộng khắp từ thành thị tới nông thôn.
Đầu những năm 1960, Mỹ tung đô-la vào miền Nam Việt Nam gây ra cảnh phồn vinh giả tạo và hình thành nên lối sống hưởng thụ ở Sài Gòn. Năm 1965, khi nhảy vào miền Nam, Mỹ coi văn nghệ đồi trụy là công cụ tha hóa tinh thần và nếp sống của nhân dân ta.
Góp phần giữ gìn phong hóa
Trước bối cảnh đó, tháng 4-1965, Trung ương Cục miền Nam tăng cường cán bộ cho Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Ông Trần Bạch Đằng, Ủy viên Thường vụ Khu ủy, được giao nhiệm vụ Trưởng Ban Tuyên huấn Khu ủy.
Tháng 5-1965, Đảng ủy Văn hóa (có nhiệm vụ lãnh đạo hoạt động báo chí, văn hóa văn nghệ nội thành Sài Gòn) được thành lập, do nhà báo Vũ Tùng, Phó Ban Tuyên huấn Khu ủy, làm Bí thư. Cuối năm 1965, Đảng ủy trực tiếp chỉ đạo các cơ sở cách mạng trong báo chí giành quyền lãnh đạo Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt. Ban Chấp hành, hầu hết là cán bộ hoặc cơ sở của ta, do ký giả Ký Ninh làm Tổng Thư ký.
Tháng 1-1966, ông Vũ Tùng hy sinh, ông Hoàng Hà - Trưởng Ban Tuyên huấn Đô thị, được Khu ủy giao kiêm nhiệm công tác của đồng chí Vũ Tùng. Tháng 4-1966, Văn phòng Đảng ủy Văn hóa chuyển vào hoạt động bí mật trong nội thành.
Trước nguy cơ "mất gốc", cuộc đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một phong trào rộng khắp trong quần chúng mọi giới, từ thành thị tới nông thôn. Khẩu hiệu "Văn hóa còn, dân tộc còn; văn hóa mất, dân tộc mất" xuất hiện thường xuyên trên báo chí, trong các cuộc đấu tranh, ở các diễn đàn. Ngày 20-4-1966, 118 văn nghệ sĩ có nhiều uy tín đã đồng ký tên vào bản tuyên ngôn đòi tự do sáng tác, tự do xuất bản, đồng thời phản đối chính quyền Sài Gòn kìm kẹp văn nghệ tiến bộ, cổ xúy cho văn hóa đồi trụy.
Trong khi đó, người dân ở nhiều nơi đã tự tổ chức các hình thức bảo vệ con em họ và góp phần giữ gìn phong hóa. Chẳng hạn, con gái ăn mặc đứng đắn, đi ngoài đường mà bị lính Mỹ chọc ghẹo thì bà con hè sức đánh hội đồng; ăn mặc hở hang mà bị sàm sỡ thì ráng chịu! Các tổ chức bảo vệ phụ nữ, trẻ em lần lượt ra đời như Hội Bảo vệ nhân phẩm phụ nữ, Hội Bảo vệ thanh thiếu niên Việt Nam... để giương cao ngọn cờ bảo vệ văn hóa truyền thống. Bảo vệ thuần phong mỹ tục dần trở thành phong trào chống Mỹ dưới mọi hình thức có thể.
Đầu tháng 8-1966, Hiệp hội Văn học - Nghệ thuật được thành lập, với Ban Chấp hành gồm 17 văn nghệ sĩ yêu nước, do nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải làm Chủ tịch, luật sư Bùi Chánh Thời làm Tổng Thư ký. Hiệp hội tham gia vận động thành lập Mặt trận Văn hóa. Ngày 7-8-1966, Lực lượng Bảo vệ văn hóa dân tộc (BVVHDT) chính thức ra mắt trong một đại hội hoành tráng với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu các tổ chức, hội đoàn văn hóa - giáo dục, các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà hoạt động văn hóa có uy tín ở miền Nam. Đại hội bầu Ban Chấp hành hơn 100 vị, do GS Lê Văn Giáp làm chủ tịch, nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải và GS Dương Minh Thới làm chủ tịch danh dự, nhà văn Vũ Hạnh là Tổng Thư ký.
Hướng về cội nguồn dân tộc
Đại hội cũng đã ra tuyên ngôn của Lực lượng BVVHDT, trong đó có đoạn: "Từ nhiều năm qua, văn hóa đồi trụy đã đầu độc nặng nề tâm hồn thanh thiếu nhi, đã phá hoại nghiêm trọng tinh thần dân chúng. Sự lan tràn những khuynh hướng và văn hóa phẩm đồi trụy, hoang đường, sự du nhập bừa bãi lý thuyết và văn hóa phẩm ngoại lai đã xô đẩy người dân vào cảnh thác loạn, gây biết bao tệ đoan xã hội. Bao nhiêu hạnh phúc bị đổ vỡ, bao nhiêu gia đình bị tan nát, văn hóa phẩm đồi trụy và hậu quả của nó đã bôi nhọ đạo lý, nhân phẩm và truyền thống tinh thần dân tộc (…) Đại hội thiết tha kêu gọi các nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật, các bậc phụ huynh và toàn thể đồng bào quan tâm đến tương lai con trẻ và tiền đồ dân tộc dốc lòng góp sức chống lại khuynh hướng văn hóa, văn nghệ sa đọa, bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy".
Nằm trong hoạt động này, Khu ủy chỉ đạo thành lập tạp chí Tin Văn, phát hành 2 số/tháng, do nhà báo Nguyễn Ngọc Lương (1929-2002) chủ nhiệm, ra mắt độc giả ngày 6-6-1966 và được hoan nghênh nhiệt liệt. Đây là tạp chí nghiên cứu, sáng tác, phê bình văn hóa văn nghệ, có tôn chỉ "Chống lại văn hóa đồi trụy, lố lăng, mất gốc. Xây dựng nền văn nghệ lành mạnh; bảo vệ và phát huy truyền thống tự cường dân tộc".
Nhiều cây bút như Vũ Hạnh, Triệu Công Minh, Lê Nguyên Trung... đã đấu tranh gay gắt với các tác phẩm đồi trụy, phản động của nhiều tác giả "ăn khách" lúc bấy giờ. Một số cây bút khác như Nguyễn Hiến Lê, Bình Nguyên Lộc... đã tích cực đấu tranh cho một nền văn hóa tiến bộ, hướng về cội nguồn dân tộc.
Đến ngày 24-3-1967, để đáp ứng tình hình mới, Đảng ủy Văn hóa chỉ đạo chuyển Tin Văn thành một tuần báo, tồn tại cho đến ngày 4-8-1967.
Song song đó, hàng loạt hoạt động đấu tranh trên mặt trận này cũng hết sức sôi động. Ngày 30-10-1966, tại rạp Thống Nhứt, Lực lượng BVVHDT tổ chức đại nhạc hội Tiếng trống hào hùng. Ngày 11-12-1966, tại Trường Quốc gia Âm nhạc, Đoàn Văn nghệ học sinh sinh viên biểu diễn chương trình văn nghệ với nhiều tác phẩm kêu gọi đấu tranh như nhạc phẩm "Việt Nam gấm hoa", "Hội nghị Diên Hồng"… Trong phần trình diễn, diễn viên đã lồng vào những câu nói đầy tính thời sự như: "Trước nhục mất nước nên hòa hay nên chiến?"…
Ngày 6-11-1966, tại trụ sở Hội Nghệ sĩ ái hữu do Khu ủy lãnh đạo, hàng trăm nghệ sĩ cải lương, các vị quản lý các đoàn hát, các soạn giả, đạo diễn… đã tổ chức đại hội thành lập Hội Nghệ sĩ Việt Nam, bầu Ban Chấp hành do nghệ sĩ Ba Vân làm Chủ tịch, nhà thơ - soạn giả Kiên Giang làm Tổng thư ký. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Khu ủy, một trọng tâm hoạt động của hội là nâng cao chất lượng tuồng tích. Dịp này, vở "Con cò trắng" với nội dung đề cao kháng chiến, khơi gợi luân lý của soạn giả Thu An được đoàn cải lương Hương Mùa Thu trình diễn nhiều ngày, được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt.
Ngoài Tin Văn, một số tờ báo khác cũng do cán bộ hoặc cơ sở của ta quản lý và định hướng nội dung. Trong đó có tờ Hồn Trẻ của Hội Bạn trẻ em Việt Nam chuyển thành cơ quan ngôn luận công khai của Thành Đoàn; các tờ như Dân Chủ của Vũ Ngọc Các do nhà báo Ký Ninh làm phụ trách, nhật báo Tiến của Đằng Nhâm do Tô Nguyệt Đình, Văn Mại phụ trách; tờ Sân Khấu của Lê Văn do Ký Ninh, Văn Lương, Huy Trường phụ trách… Hầu hết các tờ báo đều có đảng viên, cán bộ cách mạng cốt cán đứng chân trong ban biên tập, tòa soạn.
Trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2015-2020, tại TP HCM. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Ý nghĩa hết sức rộng rãi
Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, là người trực tiếp chỉ đạo các hoạt động đấu tranh trên mặt trận văn hóa, đã có nhiều đánh giá quan trọng tại buổi kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Lực lượng BVVHDT diễn ra ở TP HCM (năm 2006): "Cuộc chiến đấu này (trên mặt trận văn hóa) hết sức phong phú, đặc biệt và cũng hết sức nguy hiểm. Đây cũng là mặt trận đấu tranh có ý nghĩa hết sức rộng rãi, có sức hút lớn không chỉ ở Sài Gòn mà còn liên quan đến nhiều nơi ở miền Nam.
Nói bảo vệ văn hóa dân tộc, theo nghĩa rộng, tức là tất cả các lực lượng yêu nước có ý thức dân tộc, có ý chí đấu tranh chống lại bọn xâm lược Mỹ và tay sai đều liên quan đến lịch sử, truyền thống, nguồn gốc văn hóa của dân tộc Việt Nam, bởi vậy có khẩu hiệu "văn hóa còn, dân tộc còn".
Trong điều kiện miền Nam lúc bấy giờ, cuộc đấu tranh này cực kỳ khó khăn, phức tạp, hết sức nguy hiểm, vì phải đổi bằng máu để gìn giữ, bảo vệ bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc. Đấy là nguồn gốc của sức mạnh, của thắng lợi và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam".
Hiện nay, vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc có những thách thức không nhỏ. Tuy nguy cơ vong bản không còn lớn như trong thời gian miền Nam bị tạm chiếm nhưng nguy cơ và thách thức trong sự mất mát hoặc phai mờ truyền thống văn hóa dân tộc cũng không nhỏ. Do đó, những vấn đề về bảo vệ văn hóa dân tộc mà Đảng ta đặt ra trước đây vẫn mang tính thời sự.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào tháng 11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc; nói lên bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn". Tổng Bí thư cũng chỉ rõ đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển" và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng XHCN vào giữa thế kỷ XXI…
Định hướng của Tổng Bí thư rất sâu sắc và có ý nghĩa bền lâu trong việc bảo vệ văn hóa dân tộc trong bối cảnh mới. Suy cho cùng, văn hóa của một dân tộc thay đổi thì dân tộc đó có thể cũng sẽ trở thành dân tộc khác!
Nên có một khẩu hiệu mới
Cũng tại buổi kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Lực lượng BVVHDT, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt vấn đề bảo vệ văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay: "Rất tiếc là sau hơn 30 năm giải phóng miền Nam (...), bên cạnh việc bảo vệ bản sắc văn hóa và tiếp thu những tinh hoa của các nước trong quá trình hội nhập thì mặt yếu, những phần có dấu hiệu suy thoái, xuống cấp của văn hóa cũng không nhỏ. Điều này đặt ra cho Đảng bộ thành phố, cho các nhà hoạt động văn hóa, cho cộng đồng chúng ta phải bảo vệ bản sắc, bảo vệ truyền thống văn hóa như thế nào. Nên có một khẩu hiệu mới cho hoạt động văn hóa, mang tính rộng rãi cho mọi người, cho tất cả các tầng lớp, đặc biệt là thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo. Nếu như trước đây, "văn hóa còn, dân tộc còn", mà bây giờ văn hóa có mảng suy sụp, suy thoái đáng lo ngại thì nó có liên quan đến sự tồn vong của dân tộc hay không?".