• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Mai Vàng nhân ái" thăm nhạc sĩ Lê Văn Lộc và NSƯT - ca sĩ Nhất Sinh

Sáng 29-11, chương trình "Mai Vàng nhân ái" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến Hội Âm nhạc TP HCM thăm nhạc sĩ Lê Văn Lộc và NSƯT - ca sĩ Nhất Sinh.

Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên Tập Báo Người Lao Động và ông Phạm Thành Nghiệp, Trưởng phòng Thương hiệu Ngân hàng TMCP Nam Á, đã trao số tiền hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái" cho nhạc sĩ Lê Văn Lộc 10 triệu đồng và NSƯT - ca sĩ Nhất Sinh 5 triệu đồng.

Mai Vàng nhân ái thăm nhạc sĩ Lê Văn Lộc và NSƯT - ca sĩ Nhất Sinh - Ảnh 1.

Ông Bùi Thanh Liêm – Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động và ông Phạm Thành Nghiệp – Trưởng phòng Thương hiệu Ngân hàng TMCP Nam Á trao tiền hỗ trợ nhạc sĩ Lê Văn Lộc

Nhạc sĩ "trên mọi mặt trận"

Nhạc sĩ Lê Văn Lộc sinh năm 1952 tại Sài Gòn. Năm 1989, ông tốt nghiệp đại học âm nhạc chuyên ngành sáng tác tại Nhạc viện TP HCM.

Từ năm 1977-1984, ông gia nhập lực lượng thanh niên xung phong và bắt đầu sáng tác ca khúc. Từ năm 1990-1998, ông là nhân viên Công ty Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn, quận 5, TP HCM.

Năm 1998, ông là chuyên viên Phòng Nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM; nay đã nghỉ hưu.

Những tác phẩm nổi bật trong hành trang nghệ thuật của nhạc sĩ Lê Văn Lộc gồm: Prelude số 2, Variation, Concerto for trumpet (khí nhạc) và các ca khúc "Em đi qua cầu cây", "Hò trên biển" (thơ Vũ Duy Thông), "Thằng bạn tôi" (thơ Nguyễn Nhật Ánh), "Hãy dừng chân ơi con suối rừng"… Ngoài ra, ông còn sáng tác một số ca khúc cho thiếu nhi như: "Kể chuyện viên gạch hồng", "Ba em là công nhân lái xe"... Nhạc sĩ Lê Văn Lộc cùng với nhạc sĩ Vũ Hoàng là cha đẻ của ca khúc "Bụi phấn" mà nhiều khán giả thuộc nằm lòng.

Mai Vàng nhân ái thăm nhạc sĩ Lê Văn Lộc và NSƯT - ca sĩ Nhất Sinh - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Lê Văn Lộc

Nhạc sĩ Lê Văn Lộc cho biết thời gian còn công tác tại Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, ông từng được mời tham gia hội đồng nghệ thuật bình xét tiêu chuẩn đề cử của các cá nhân được bạn đọc giới thiệu những hạng mục Gải Mai Vàng. "Sau 27 năm tổ chức, Giải Mai Vàng thật sự lớn mạnh trong lòng văn nghệ sĩ cả nước và bạn đọc, khán giả quan tâm đến lãnh vực văn hóa nghệ thuật" – nhạc sĩ Lê Văn Lộc nhận xét.

Theo giới chuyên môn, nhạc sĩ Lê Văn Lộc là người hoạt động sôi nổi trên nhiều mặt trận. Khi tham gia phong trào thanh niên xung phong, ông luôn năng động, đạt nhiều thành tích. Ký ức mà ông lưu giữ chính là đã đến biên giới Tây Nam, thâm nhập thực tế để sáng tác rất nhiều tác phẩm trong giai đoạn này. Những sáng tác của ông đã góp phần không nhỏ trong việc khích lê tinh thần chiến đấu của quân dân Việt Nam như: "Em đi qua cầu cây", "Những vết chai cho Tổ quốc", "Thằng bạn tôi"…

Mai Vàng nhân ái thăm nhạc sĩ Lê Văn Lộc và NSƯT - ca sĩ Nhất Sinh - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Lê Văn Lộc (thứ 3 từ trái sang) và NSƯT - ca sĩ Nhất Sinh (thứ 2 từ trái sang) với đại diện Chương trình "Mai Vàng nhân ái" tại Hội Âm nhạc TP HCM

"Những sáng tác của tôi cũng bắt nguồn từ ý thức mãnh liệt, ước mơ tạo dựng cho đất nước những công trình, góp phần bằng bàn tay, khối óc của mình xây dựng cuộc sống cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn. Cảm ơn tình cảm của chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã dành cho tôi. Đây là món quà tạo thêm sức mạnh để tôi tiếp tục cống hiến" – nhạc sĩ Lê Văn Lộc tâm sự.

Hạnh phúc khi 3 con đều theo nghệ thuật

Trong khi đó, được đánh là người đa năng, vừa sáng tác vừa biểu diễn, NSƯT - ca sĩ Nhất Sinh là gương mặt được công chúng mến mộ từ nhiều thập niên qua.

Mai Vàng nhân ái thăm nhạc sĩ Lê Văn Lộc và NSƯT - ca sĩ Nhất Sinh - Ảnh 4.

Ông Bùi Thanh Liêm – Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động và ông Phạm Thành Nghiệp – Trưởng phòng Thương hiệu Ngân hàng TMCP Nam Á, trao số tiền hỗ trợ cho NSƯT - ca sĩ Nhất Sinh

Tên tuổi của NSƯT - ca sĩ Nhất Sinh gắn liền với nhiều ca khúc để đời như: "Tơ hồng", "Chim sáo ngày xưa", "Hát về cây lúa hôm nay"... Nổi tiếng qua nhiều bài hát sống mãi cùng năm tháng nhưng ít ai biết cái duyên khiến ông có nghệ danh "lạ" hết sức tình cờ: Nhất Sinh.

NSƯT - ca sĩ Nhất Sinh kể khi đang còn là một chàng trai tuổi đôi mươi, được một người chị giới thiệu vào đoàn văn công của tỉnh Quảng Ngãi, vốn đam mê âm nhạc nên ông đồng ý.

 

Tuy có sẵn chất giọng đẹp nhưng vì chưa được rèn luyện chuyên môn nên khi vào đoàn, ông chỉ được làm những việc vặt như: kéo màn, đóng vai phụ trong những vở diễn… Thế nhưng, ông vẫn không nản chí, để rồi sau thời gian dài kiên trì, năm 1977, ông được đứng trên sân khấu và con đường âm nhạc bắt đầu mở ra.

Mai Vàng nhân ái thăm nhạc sĩ Lê Văn Lộc và NSƯT - ca sĩ Nhất Sinh - Ảnh 5.

NSƯT - ca sĩ Nhất Sinh

Trong quá trình ca hát, ông tự tìm tòi viết lời, sáng tác nhạc. Tìm thấy sự kết nối giữa tâm hồn mình với những giai điệu, ca từ, ông chuyển sang sáng tác và sau này chính thức hoạt động âm nhạc với tư cách là một nhạc sĩ.

Tính đến nay, NSƯT - ca sĩ Nhất Sinh đã sáng tác đến 200 bài và tất cả các bản nhạc đó đều mang âm hưởng dân ca. Ông thường thay đổi chủ đề sáng tác của mình theo từng giai đoạn. Khi mới chập chững viết nhạc, ông chọn chủ đề tình yêu. Thời gian sau đó, ông chuyển qua sáng tác những bản nhạc về quê hương, đất nước, tình mẹ.

Năm 1988, ông là ca sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Bông Sen do nhạc sĩ Hồ Bông làm trưởng đoàn. Trong một chuyến đi về miền Tây diễn, nhạc sĩ Hồ Bông dẫn ông đến nhà một người bạn mà chồng là người Nam, vợ miền Bắc. "Từ đó tôi thấy cái tứ hay nên về chấp bút viết bài "Tơ hồng" trong 4 tháng..." – NSƯT Nhất Sinh nhớ lại.

Mai Vàng nhân ái thăm nhạc sĩ Lê Văn Lộc và NSƯT - ca sĩ Nhất Sinh - Ảnh 6.

NSƯT Ca sĩ Nhất Sinh (giữa) giới thiệu con trai là tay trống trong ban nhạc pop-rock Chillies (Sĩ Phú)

Từ ca khúc đầu tay "Tơ hồng", Nhất Sinh được nhiều người biết đến hơn và ông mở rộng con đường sự nghiệp của một nhạc sĩ với nhiều chủ đề.

Nam ca sĩ Quang Linh, người từng thành công với ca khúc "Chim sáo ngày xưa" của nhạc sĩ Nhất Sinh, từng bày tỏ lời cảm ơn với ca khúc mang lại cho anh nhiều cơ hội may mắn.

Niềm hạnh phúc của NSƯT - ca sĩ Nhất Sinh chính là 3 người con đều nối nghiệp âm nhạc. Con gái lớn của ông là Lưu Ly, dạy organ; người con kế là Phú Sĩ, hiện là chuyên viên thiết kế sân khấu và cậu con trai út tài năng là Sĩ Phú, tay trống của ban nhạc pop-rock Chillies.

"Nhận được món quà ý nghĩa của chương trình "Mai Vàng nhân ái" do Báo Người Lao Động trao tặng, tôi rất vui. Đây là một kỷ niệm khó quên đối với một nhạc sĩ. Tôi vẫn luôn đồng hành với công việc sáng tác, biểu diễn âm nhạc, tiếp tục cống hiến cho đời để tri ân những tình cảm của công chúng dành cho nghệ sĩ" – NSƯT Nhất Sinh bày tỏ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...