• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Bí sử" trùng tu di sản Huế

Huế giữ cho đất nước một kinh thành đầy đủ thành quách, cung điện... để khắc họa bức chân dung lịch sử.

"Má hồng lắm nỗi truân chuyên"

Hơn 40 năm kể từ ngày đặt chân lên xứ người, ông Nguyễn Thanh Lộc (Việt kiều Úc) mới trở về quê hương. Huế vào xuân mưa phảng phất càng làm cho ông nhớ da diết cái Tết gần nửa thế kỷ trước.

Bí sử trùng tu di sản Huế - Ảnh 1.

Di tích Đại nội Huế đã được trùng tu Ảnh: LÊ HOÀNG

Bí sử trùng tu di sản Huế - Ảnh 2.

Lễ đón bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới. (Ảnh tư liệu)

Sau ngày giải phóng, khu Ðại nội Huế, các lăng tẩm, thành quách đổ nát vì chiến tranh. Ðám thanh niên ông Lộc mỗi lần Tết lại vào tham quan, chụp ảnh kỷ niệm. Ngày trở lại, ông Lộc ngỡ ngàng bởi rất nhiều di tích đã được phục dựng, nhiều lễ hội như Tết hoàng cung và các trò chơi cung đình được tái hiện.

Ông Thái Công Nguyên, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế từ năm 1989-2022, kể lại Huế trải qua 2 cuộc chiến tranh kéo dài ngót 30 năm. Năm 1947, ngọn lửa chiến tranh thiêu rụi Tử Cấm Thành. Tết Mậu Thân 1968, cả kinh thành chìm trong tiếng bom rền đạn nổ suốt 26 ngày đêm. Ðại nội, Kỳ đài, Ðông Ba, Chánh Tây, Thượng Tứ và nhiều khu di tích khác đã biến thành tọa độ của những trận pháo kích và máy bay oanh tạc.

Tác giả Nguyễn Bá Lăng trong "Danh sách cung điện trong Ðại nội Huế" nêu rằng sau chiến tranh, khu vực Hoàng thành Huế còn lại 62 công trình so với con số 136 công trình kiến trúc thời nguyên thủy. Khu vực kinh thành còn 97 công trình hư hỏng nặng. Các lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức... chỉ còn lại số ít công trình nguyên vẹn.

Trên 300 đơn vị kiến trúc còn lại của quần thể di tích đều mang trên mình đầy thương tích, mối mọt. Từ kinh thành đến lăng tẩm, ở đâu cũng thấy cảnh cung điện dột nát, tường thành sụt lở, sân vườn hoang phế, nhiều lâu đài vàng son lộng lẫy chỉ còn lại nền cũ bị vùi lấp dưới đám cỏ tranh.

"Nhiều lần tôi trả lời với các nhà báo quốc tế rằng không phải Chính phủ Việt Nam không quan tâm đến di sản nhưng do ảnh hưởng của chiến tranh tàn khốc, đang bị Mỹ cấm vận. Chính phủ phải lo cái ăn, cái mặc, việc chữa bệnh cho dân" - ông Nguyên kể lại.

Di tích đầu tiên được công nhận di sản

Sau 10 ngày ở Huế khảo sát các giá trị và thực trạng của di sản cố đô, ngày 25-11-1981, tại Hà Nội, ông Ama dou Mahtar M’Brow, Tổng Giám đốc UNESCO thời bấy giờ, đã ra lời kêu gọi trên toàn thế giới: Huế là một đỉnh cao của bản sắc văn hóa, cứu vãn Huế là cứu vãn cho thế giới bởi Huế là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa loài người.

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, cuộc phát động không đạt được mục tiêu nhưng với những khoản viện trợ đa dạng dành cho di tích Huế từ năm 1981-1990 cùng nỗ lực của Chính phủ là những "thang thuốc" cấp thời tránh cho di tích Huế khỏi hiểm họa sụp đổ. Từ thời điểm này, việc bảo quản, trùng tu tôn tạo các di tích Huế bắt đầu được vận hành đúng với quỹ đạo.

Ðiện Thái Hòa nằm trong Tử Cấm thành, là ngôi điện duy nhất còn sót lại ở Việt Nam. Sau chiến tranh, ngôi điện có thể đổ sập bất cứ lúc nào vì cây cột chính bằng gỗ lim, cao 11 m, đường kính 0,7 m bị pháo bắn gãy vào năm 1968.

Ông Thái Công Nguyên đã gặp những tay thợ lành nghề hỏi cách khắc phục, thay cột nhưng không hạ giải điện. Thợ trả lời rằng kỹ thuật đơn giản nhưng khó nhất phải tìm được cây gỗ lim về làm cột. Sau bao tháng ngày cùng ngành lâm nghiệp lặn lội khắp vùng rừng núi Bình Trị Thiên (gồm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khi chưa tách tỉnh - PV), ông Nguyên đã tìm được cây gỗ lim đủ tiêu chuẩn ở vùng rừng núi Nam Ðông, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Do chiến tranh, nhóm thợ Hà Ðạt Trung Hoa về nước nên từ khá lâu, ở kinh thành Huế không còn người nào làm được ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly (dòng gốm tráng men chì) để lợp ở di tích. Các công trình đành phải chống dột bằng cách sử dụng các tấm lợp caro do UNESCO viện trợ.

Năm 1990, ông Thái Công Nguyên ra Hà Nội gặp nhà sử học Dương Trung Quốc nhờ giới thiệu thợ làm gốm giỏi nên được dẫn đến nhà thợ gốm Nguyễn Chi. Không lâu sau, ông Chi được mời vào Huế để khảo sát, tìm cách phục dựng sản xuất ngói. Ông mang mẫu đất sét về Hà Nội làm thử và thành công nên trở lại Huế hướng dẫn xây lò sản xuất hàng loạt. 

Trong điều kiện ngân quỹ khó khăn, ông Thái Công Nguyên tự nguyện cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mượn 10 lượng vàng mang về chợ Ðông Ba bán để làm thử, nếu thành công thì sau này lấy lại tiền, còn không xem như mất trắng.

 "Nhiều người nói tôi không phải là kỹ sư silicat mà dám bỏ tiền ra làm. Vợ tôi cũng lo lắng rằng nếu thất bại thì lấy gì nuôi con. Nhưng mẹ tôi bảo rằng hãy đồng ý vì mình dùng số tiền đó không phải vì mục đích đánh bạc. Tôi tự tin mình làm được" - ông chia sẻ.

Ðến ngày 2-9-1990, mẻ ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly đầu tiên được nung thành công. Sau lễ mít-tinh chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, nhiều lãnh đạo tỉnh Bình Trị Thiên tới tham quan đã rất ngạc nhiên về kết quả này.

Không trông chờ vào người khác

Năm 1990, Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào làm việc với Thừa Thiên - Huế. Các ngành có 5 phút để báo cáo, riêng ông Thái Công Nguyên được ưu tiên trình bày thêm 5 phút về tình trạng di tích. 10 ngày sau, ông Phạm Bá Diễn, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế lúc bấy giờ, cùng đoàn công tác ra Hà Nội báo cáo giá trị và thực trạng di tích Huế với Chính phủ.

Nhân cơ hội này, tỉnh đề nghị cho phép lập hồ sơ quy hoạch định hướng bảo tồn và nâng cao giá trị khu di tích Huế; lập hồ sơ khoa học trình UNESCO đưa Huế vào danh mục di sản văn hóa thế giới; lập khoanh vùng bảo vệ để dân không lấn chiếm. Các đề nghị trên được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý. "Ta chiến đấu nhằm mục tiêu bảo vệ văn hóa của ông cha, ta phải bỏ tiền ra mà gìn giữ, không trông chờ vào người khác" - ông Thái Công Nguyên nhắc lại lời của cố Thủ tướng.

Quyết định 05 về quy hoạch, bảo tồn di tích Huế được Chính phủ phê duyệt. Ðến năm 1993, Quần thể Di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa nhân loại. Hai sự kiện này đã mở ra một chân trời mới cho công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế đến hôm nay.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết đến nay, nhiều công trình tiêu biểu của di tích triều Nguyễn đã được trùng tu phục hồi như Ngọ môn, Hiển Lâm các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Ðường... Bên cạnh đó, đang tiếp tục trùng tu nhiều công trình quan trọng khác như điện Thái Hòa, điện Kiến Trung. Việc trùng tu di sản Huế luôn trung thành với lịch sử, đúng chất liệu, đường nét, màu sắc và tuân thủ Công ước quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...