• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xử lý 4 nhóm vấn đề để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) là hướng đi tất yếu không chỉ riêng doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh thế giới đang định hình “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư; tạo sức ép và cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.

Tăng cường tuyên truyền để người dân thay đổi tư duy về tiêu dùng theo hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường. Tăng cường tuyên truyền để người dân thay đổi tư duy về tiêu dùng theo hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, quá trình phát triển KTTH ở Việt Nam gặp không ít khó khăn, thách thức. Về tổng thể, thách thức lớn nhất trong việc áp dụng mô hình kinh tế là đòi hỏi đầu tư lớn vào kết cấu hạ tầng thu gom, phân loại và tái chế rác thải; đảm bảo hài hoà các chi phí và các lợi ích từ thu hồi và tái chế, tái sử dụng chất thải trong chu kỳ sản xuất; mở rộng nhu cầu về các sản phẩm tuần hoàn và các sản phẩm thay thế; thu hút được sự tham gia từ những chuyên gia có trình độ, kỹ thuật để thực hiện mô hình kinh tế mới này.

Trong khi đó, tại Việt Nam, các mô hình sản xuất, kinh doanh theo nền KTTH hiện chưa phổ biến; Đa số các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động theo logic nền kinh tế tuyến tính, tập trung vào việc tạo ra giá trị ngắn hạn, trong khi KTTH là mô hình tạo ra giá trị dài hạn.

Để khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, qua đó thúc đẩy KTTH phát triển, TS. Nguyễn Minh Phong khuyến nghị 4 nhóm vấn đề cần tập trung xử lý, cụ thể:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, quản lý và tái sử dụng, tái chế chất thải cho phát triển KTTH; thực hiện lồng ghép KTTH ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; xây dựng hệ thống các chỉ tiêu cụ thể để đánh giá kết quả thực hiện KTTH phù hợp với ngành, lĩnh vực, sản phẩm và địa bàn được giao quản lý; xây dựng cơ sở dữ liệu về KTTH gắn với chuyển đổi kinh tế số và cuộc CM 4.0; tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nhân lực và cung cấp nền tảng chia sẻ thông tin, dữ liệu về KTTH.

Trước mắt ưu tiên xây dựng chiến lược tổng thể về phát triển KTTH. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học về KTTH làm cơ sở đề xuất, xây dựng và hoàn thiện các chính sách KTTH, phù hợp với các Chương trình, chính sách hiện hành có liên quan, như: Chương trình quốc gia về sản xuất tiêu dùng bền vững giai đoạn 2025 - 2030; Nghị định về phát triển ngành Công nghiệp môi trường...

Hai là, thúc đẩy hợp tác, liên kết cộng sinh công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; phát triển thị trường tái sử dụng sản phẩm thải bỏ, tái chế chất thải; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình KTTH, sản xuất, kinh doanh gắn liền với bảo vệ môi trường. Quy định chặt chẽ về trách nhiệm của doanh nghiệp với chất thải do doanh nghiệp tạo ra.

Ba là, tăng cường trao đổi, học hỏi và áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam những kinh nghiệm quốc tế, nhất là mô hình  của các quốc gia đã và đang thực hiện thành công phát triển công nghệ sạch, tái sử dụng, tái chế chất thải như một nguồn tài nguyên; Chủ động và tích cực tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững; phối hợp giải quyết những vấn đề toàn cầu và khu vực (liên quốc gia): giảm phát thải các bon; ô nhiễm nguồn nước, không khí; khai thác rừng; đập thủy điện; những vấn đề xã hội như di dân, xuất khẩu lao động...

Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi tư duy về tiêu dùng theo hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường, các sản phẩm dán nhãn KTTH. Nâng cao ý thức về phân loại rác thải tại nguồn nhằm giảm chi phí trong việc sử dụng và tái chế rác thải; đưa vào chương trình giáo dục - đào tạo ở các cấp học những kiến thức về KTTH nhằm cung cấp những tri thức cơ bản về KTTH và đào tạo nguồn nhân lực đủ khả năng vận hành mô hình KTTH gắn với đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ cao.

Cùng với đó, cần có chính sách khen thưởng rõ ràng đối với những tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo đảm phát triển bền vững; tăng cường sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Sinh viên, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng dân cư, đảm bảo phối hợp các hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như báo chí, truyền thông..


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết