• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tín hiệu tốt cho thị trường chứng khoán (*): Phải phạt thật nghiêm!

Cần sửa quy định hiện nay theo hướng tăng nặng mức phạt đối với các hành vi làm giá cổ phiếu, thao túng chứng khoáng.

Ở các nước, thay vì hình sự hóa tội thao túng chứng khoán, đối tượng vi phạm sẽ phải đóng mức phạt rất nặng đến nỗi không dám tái phạm. Với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hiện nay, cơ chế "vừa đá bóng vừa thổi còi" là rất khó xử lý vi phạm triệt để mà cần cơ quan độc lập về thanh tra đối với những doanh nghiệp (DN), cá nhân vi phạm.

Chứng khoán không phải "sòng bạc"

Vụ ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, bị bắt để điều tra về hành vi thao túng chứng khoán, đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính và cơ quan quản lý nhằm làm trong sạch và minh bạch TTCK. Tất cả những hành vi thao túng, vi phạm luật pháp mang tính hệ thống, đều sẽ bị xử lý theo chiều hướng tăng nặng.

Tín hiệu tốt cho thị trường chứng khoán (*): Phải phạt thật nghiêm! - Ảnh 1.

Tâm lý lo ngại của nhà đầu tư khiến thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ ngày 31-3 .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nếu những lần trước, hành vi thao túng giá cổ phiếu chỉ bị phạt hành chính với mức phạt chưa tương xứng thì lần này, cơ quan tố tụng hình sự đã thật sự coi đây là "án điểm". Bởi hành vi thao túng của ông Trịnh Văn Quyết liên quan số lượng cổ phiếu khổng lồ và gây thiệt hại rất nghiêm trọng. Trên thị trường, hiếm có vụ việc tương tự nào cổ đông lớn bán chui tới hàng trăm triệu cổ phiếu như vậy.

Vụ việc này ngoài tác dụng răn đe các đội, nhóm đã và đang có ý định làm giá chứng khoán còn giúp trấn an tâm lý cho nhà đầu tư cá nhân, cũng như mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong quá khứ, cổ phiếu ROS cũng thuộc Tập đoàn FLC từng được "thổi" lên tới hơn 200.000 đồng/cổ phiếu. Thời điểm đó, có 2 quỹ ngoại mua mã ROS với giá trên 200.000 đồng/cổ phiếu rồi sau đó phải bán toàn bộ khoản đầu tư này với giá 2.000 đồng/cổ phiếu - vụ việc đã ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của một số nhà đầu tư nước ngoài về cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Đối với các quỹ đầu tư, việc thất bại với những quyết định đầu tư ngắn hạn không ảnh hưởng lớn nhưng quan trọng là lòng tin của họ vào tính minh bạch và sự nghiêm túc của thị trường bị giảm sút. Do đó, khi hành vi của ông Trịnh Văn Quyết bị xử lý nghiêm chắc chắn sẽ nâng hình ảnh của TTCK Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Về dài hạn, rõ ràng đây là tin tốt cho thị trường, nó chứng minh cho nhiều nhà đầu tư hiểu rằng TTCK không phải như "sòng bạc", người tham gia không chỉ nghe thông tin từ các "đội lái", đội nhóm hô hào là có lợi nhuận. Thay vào đó, những nhà đầu tư chân chính có thể yên tâm hơn khi xem đây là kênh đầu tư giá trị, sinh lời từ việc đầu tư vào những DN có hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt, minh bạch. Những hành vi xâm hại đến lợi nhuận của họ sẽ bị cơ quan quản lý xử lý nghiêm.

Xử lý cả những đội, nhóm hô hào

Trên TTCK gần đây còn có hiện tượng các đội, nhóm trên mạng xã hội với hàng chục ngàn thành viên được lập ra để hô hào cổ phiếu cụ thể rồi kêu gọi nhà đầu tư mua bán. Đây là xu hướng mới cần báo động, bởi những nhà đầu tư mới chưa am hiểu nhiều về chứng khoán, không được tư vấn chuẩn mực… khi tham gia những hội nhóm như vậy chắc chắn sẽ gặp rủi ro và có cái nhìn không tốt về TTCK. 

Ở nước ngoài, những hành vi này cũng bị xem là vi phạm và sẽ bị chế tài nghiêm. Trong khi những chế tài trong nước với các hành vi trên còn ít và chưa đủ sức răn đe. Do đó, Luật Chứng khoán cần được sửa đổi, bổ sung quy định chế tài với các hành vi can thiệp, hô hào làm giá công khai lộ liễu như vậy - phải xử lý hơn cả việc thao túng chứng khoán. Bởi, hành vi trên có nguy cơ gây thiệt hại cho rất nhiều nhà đầu tư.

Ngay cả đội ngũ môi giới ở các công ty chứng khoán cũng cần chấn chỉnh để tư vấn cho nhà đầu tư chuẩn mực. Đã có quy định về việc nhân viên công ty chứng khoán không được phép thao túng hoặc cung cấp thông tin sai lệch. Nhưng thực tế, rất nhiều công ty chứng khoán tuyển dụng nhân viên môi giới không có chứng chỉ hành nghề, không được đào tạo bài bản, trong khi số lượng nhà đầu tư mới tăng quá nhanh nên chất lượng của nhân viên môi giới cũng là một vấn đề.

Trở lại vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết, chưa biết hình phạt đối với vi phạm này ra sao nhưng thực tế thời gian qua, hành vi thao túng TTCK hoặc làm giá cổ phiếu thường chỉ xử lý về mặt kinh tế với khung hình phạt còn rất nhẹ. Trong mức phạt có đề cập yếu tố "sẽ thu giữ lại những khoản lợi bất chính" nhưng để chứng minh và thu giữ được là rất khó. Cũng rất hiếm vụ vi phạm nào mà nhà nước thu được khoản này, vì không tìm thấy bằng chứng thu lợi bất chính nên chỉ xử theo khung phạt hành chính.

Do đó, nếu có những hình thức và thẩm quyền xử lý nghiêm hơn, có thể thu lại số tiền trục lợi thì sức răn đe sẽ lớn hơn nhiều. Còn trong xu hướng kinh tế thị trường hiện nay, có thể hạn chế tối đa việc hình sự hóa mà theo hướng tăng nặng mức phạt, đồng thời thu giữ khoản tiền bất chính từ hành vi vi phạm. Như ở các nước, thẩm quyền được trao cho các sở giao dịch chứng khoán là vô cùng lớn và khi xử phạt sẽ đánh vào kinh tế, tài chính tạo hệ lụy lớn nên người tham gia thị trường không dám vi phạm hoặc cân nhắc giữa việc vi phạm và bị xử phạt nặng. Ngoài ra, cần có cơ quan độc lập về thanh - kiểm tra những vi phạm của các đối tượng tham gia TTCK để bảo đảm tính minh bạch và lành mạnh cho thị trường.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-3

FLC có tân chủ tịch

Theo thông tin từ Công ty CP Tập đoàn FLC, từ ngày 31-3, ông Đặng Tất Thắng chính thức đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT tập đoàn và Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) cho đến khi có quyết định mới của Đại hội đồng cổ đông và HĐQT. Ông Đặng Tất Thắng sinh năm 1981, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành xây dựng và quản lý dự án tại Đại học Northumbria (Anh). Hiện ông là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bamboo Airways. Tại FLC, ông đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc kể từ năm 2014 và được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT FLC nhiệm kỳ 2021 - 2026 từ tháng 4-2021.

M.Chiến

Tâm lý nhà đầu tư vẫn còn lo sợ

Phiên giao dịch chứng khoán ngày 31-3, VN-Index mặc dù tăng 1,64 điểm, lên 1.492,15 điểm nhưng phần lớn các mã chứng khoán trên sàn đều giảm giá. Sắc xanh của chỉ số chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu trụ và những mã khác trong nhóm ngân hàng. Trong khi cổ phiếu ở hầu hết các nhóm ngành, đặc biệt là các cổ phiếu đầu cơ, có yếu tố "đội lái" giảm rất mạnh.

Sàn HNX phản ánh đúng diễn biến thị trường hơn, thể hiện qua việc HNX-Index giảm 1,57 điểm, còn 449,62 điểm.

Tâm lý thận trọng và lo sợ của các nhà đầu tư khi cơ quan chức năng đang mạnh tay với hoạt động thao túng và thổi giá chứng khoán khiến giao dịch trên thị trường sụt giảm đáng kể. Thanh khoản toàn thị trường phiên này giảm tới 28% so phiên trước, chỉ đạt hơn 27.000 tỉ đồng.

Nhóm cổ phiếu FLC tiếp tục phản ứng tiêu cực với việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt giam. Theo đó, các mã FLC, ROS, AMD, ART đã có phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp, tổng mức giảm từ 30%-40% mỗi mã. Riêng mã KLF dù đóng cửa sát mức giá sàn nhưng không còn tình trạng mất thanh khoản như trước, khi có gần 20 triệu cổ phiếu KLF được khớp lệnh thành công.

Trao đổi với báo chí liên quan tới việc thị trường biến động mạnh sau vụ việc ông Trịnh Văn Quyết, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cho hay ngay sau khi Cơ quan điều tra của Bộ Công an công bố thông tin chính thức, UBCKNN đã tổ chức họp để triển khai các công việc tiếp theo, theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao. Cơ quan này cũng khuyến nghị các nhà đầu tư bình tĩnh, phân tích nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các DN để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư. UBCKNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trên tinh thần thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật, giữ vững kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của TTCK.

Ông Dũng cũng nói thêm việc khởi tố ông Trịnh Văn Quyết khó tránh khỏi những tác động tâm lý tới nhà đầu tư. Tuy nhiên, những tác động đó chỉ là ngắn hạn và không quá lớn do giá trị vốn hóa của Tập đoàn FLC, cũng như các công ty trong hệ sinh thái FLC chiếm tỉ trọng không lớn trên thị trường (lần lượt chiếm khoảng 0,16% và 0,35% vốn hóa toàn thị trường). "Nhà đầu tư nên bình tĩnh để có góc nhìn khách quan, nên phân tích nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các DN để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư" - ông Trần Văn Dũng khuyến nghị. Ông Dũng nhấn mạnh thêm bên cạnh các giải pháp quan trọng để TTCK phát triển ổn định, sẽ tiếp tục tăng cường tính minh bạch, kỷ cương, kỷ luật, hỗ trợ thúc đẩy tính bền vững của thị trường trong năm 2022 và những năm tới.

S.Nhung - M.Chiến


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...