• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sắp bước vào chu kỳ mới với nhiều thay đổi cốt lõi

Theo FiinRatings, nếu nhìn về khía cạnh tích cực, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nói chung và TPDN riêng lẻ nói riêng sắp bước vào chu kỳ mới với nhiều thay đổi cốt lõi, giúp kênh vốn này phát triển bền vững hơn. TPDN vẫn là một kênh huy động vốn quan trọng cho DN, là công cụ quan trọng để huy động nguồn lực tài chính từ dân cư để thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển.

Thị trường TPDN được dự báo sẽ bước vào chu kỳ mới với nhiều thay đổi cốt lõi giúp kênh vốn này phát triển bền vững hơn.

Thị trường TPDN được dự báo sẽ bước vào chu kỳ mới với nhiều thay đổi cốt lõi giúp kênh vốn này phát triển bền vững hơn.

Theo Bộ Tài chính, những rủi ro trên thị trường TPDN riêng lẻ đã có manh nha trước năm 2022. Trong thời gian qua, cùng với các khó khăn về thanh khoản dòng tiền, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường TPDN riêng lẻ suy giảm mạnh trước các vụ việc sai phạm bị xử lý và tin đồn thất thiệt. Hiện tượng bán tháo hoặc ồ ạt rút tiền của nhà đầu tư đã tạo khó khăn rất lớn cho nhiều DN, thậm chí là cả các DN sản xuất, kinh doanh đang tốt.

Theo Báo cáo “Nhìn lại 2022 và triển vọng thị trường vốn 2023” vừa được FiinRatings công bố, ước tính đáo hạn TPDN riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, tương đương 157,97 nghìn tỷ đồng và 341,27 nghìn tỷ đồng. Thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là DN liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu.

Tuy nhiên, FiinRatings kỳ vọng áp lực đáo hạn sẽ được giải tỏa nếu dự thảo sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cho phép gia hạn nợ được thông qua. Theo đó, nếu nhìn về khía cạnh tích cực, thị trường TPDN sắp tới sẽ bước vào chu kỳ mới với nhiều thay đổi cốt lõi giúp kênh vốn này phát triển bền vững hơn.

“Tuy còn nhiều khó khăn, chúng tôi đánh giá đây là cơ hội để sàng lọc sức khỏe tài chính của các chủ thể tham gia. Việc kênh vốn này bị kiểm soát chặt hơn đã hỗ trợ cơ quan quản lý nhận diện các doanh nghiệp yếu kém để có các biện pháp khu trú riêng. Mặt khác, các đơn vị phát hành với năng lực tài chính mạnh và mô hình kinh doanh tốt có thể tận dụng thời cơ để mở rộng thị phần kinh doanh của mình trong kỳ kinh doanh sắp tới”, báo cáo của Finratings nhận định.

Việc phải xử lý các sai phạm trên thị trường TPDN riêng lẻ là điều không ai mong muốn, nhưng lại cần thiết để tăng cường kỷ cương, kỷ luật và tăng chất lượng phát triển cho thị trường này. Theo FiinRatings, loạt vi phạm vừa qua đã gây tâm lý xáo trộn không đáng có, song cũng giúp thành phần tham gia hiểu rõ hơn về các vấn đề của thị trường. Nhà đầu tư cũng được hỗ trợ bởi các quy định mới, trong đó yêu cầu đơn vị phát hành, định chế trung gian công bố thông tin về tình hình tài chính và hồ sơ chào bán TPDN.

“Chúng tôi kỳ vọng tình hình minh bạch thông tin sẽ được cải thiện dần với sự phát triển của hệ thống giao dịch thứ cấp tập trung vào năm sau, và cơ sở nhà đầu tư sẽ chuyển dịch sang các định chế tài chính”, FiinRatings nhận định.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cần khẳng định thị trường TPDN là một cấu phần quan trọng, có mối quan hệ liên thông với các thị trường khác và không thể thiếu đối với mọi thị trường tài chính. Do đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục có các giải pháp để phát triển có hiệu quả thị trường TPDN, bao gồm cả trái phiếu phát hành ra công chúng và trái phiếu phát hành riêng lẻ. Vì vậy, TPDN vẫn là một kênh huy động vốn quan trọng cho DN, là công cụ quan trọng để huy động nguồn lực tài chính từ dân cư để thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển.

Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đang gấp rút trình Dự thảo sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, những quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP là đúng đắn, nhưng trong bối cảnh thị trường đang khó khăn, tinh thần sửa đổi của Nghị định mới là giãn thời gian áp dụng một số quy định để hỗ trợ cho cả bên cung và bên cầu trên thị trường TPDN riêng lẻ.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Chí Hiếu – Chuyên gia tài chính – ngân hàng ủng hộ việc giãn thời gian thực hiện trong vòng một năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, tức sẽ áp dụng từ năm 2024 thay vì từ năm 2023. Vì hiện tại thị trường TPDN đang bị đóng băng, cần giãn thời gian thực hiện để khôi phục thị trường. Đồng thời, chuyên gia này cũng đồng tình với quy định cho phép các nhà phát hành đã phát hành trước đây còn dư nợ được gia hạn, thời gian gia hạn tối đa 2 năm. Theo đó, trái phiếu đã phát hành đến hạn, trường hợp nhà phát hành gặp khó khăn có thể đàm phán, thương lượng với nhà đầu tư để giãn thời hạn trả nợ trong 2 năm...

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, về dài hạn, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tổng rà soát các quy định liên quan và trao đổi với các bộ, ngành chức năng khác để sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về DN và tiền tệ ngân hàng… Đồng thời, tham mưu giải pháp trình các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh các quy định cho phù hợp hơn với thực tại thị trường.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, việc tạo ra một thị trường TPDN phát triển phụ thuộc vào ba phía là nhà phát hành, nhà đầu tư và các cơ quan giám sát. Trong đó, các nhà phát hành phải là những nhà phát hành có đạo đức kinh doanh, do đó, đòi hỏi phải có những quy định cụ thể về nhà phát hành có khả năng trả nợ. Về phía nhà đầu tư, họ phải nâng cao kiến thức về tài chính, nếu không có kiến thức về tài chính phải có công cụ xếp hạng tín nhiệm để bù trừ cho sự thiếu thông tin của họ. Về phía các cơ quan giám sát cần tiếp tục vào cuộc, đồng hành cùng thị trường.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã nhận diện và liên tục đưa ra cảnh báo từ khá sớm đối với các DN phát hành và nhà đầu tư tham gia. Trước những vấn đề của thị trường TPDN riêng lẻ, Bộ Tài chính đã có chỉ đạo từ rất sớm yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ tăng cường các giải pháp giám sát, thanh kiểm tra. Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các DN phát hành chấp hành nghiêm quy định pháp luật về trái phiếu và công bố thông tin minh bạch để nhà đầu tư nắm bắt kịp thời và đưa ra quyết định đầu tư hợp lý. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, cảnh báo nhà đầu tư về các rủi ro khi tham gia thị trường này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết