Thị trường khởi sắc nhưng nguy cơ vẫn còn
Thông điệp ôn hòa từ FED làm tăng hy vọng giảm tốc tăng lãi suất và để ngỏ kịch bản kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm %, lên phạm vi 4,5%-4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10-2007. Đây là đợt nâng lãi suất thứ 8 kể từ tháng 3-2022 nhằm kiềm chế lạm phát cao kỷ lục trong 40 năm qua tại Mỹ.
Trong thông báo hôm 1-2 (giờ địa phương), Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết đã đạt được bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống lạm phát nhưng vẫn cần tiếp tục tăng lãi suất và duy trì ở mức cao ít nhất là hết năm 2023.
Theo hãng tin Reuters, từ mức cao nhất - gần 7% vào tháng 6-2022, chỉ số lạm phát của Mỹ giảm còn 5% trong tháng 12-2022. Tuy vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu hạ lạm phát xuống còn 2% nhưng diễn biến trên cho thấy FED đang đi đúng hướng.
Triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ đã làm tăng kỳ vọng về kịch bản hạ cánh mềm cho kinh tế Mỹ (nghĩa là giảm tăng trưởng kinh tế theo chu kỳ để tránh suy thoái).
Phản ứng trước quyết định giảm tốc tăng lãi suất của FED, các chỉ số quan trọng trên thị trường chứng khoán Mỹ như S&P 500, Nasdaq Composite và Dow Jones đều tăng điểm.
Ở châu Á, trong phiên giao dịch ngày 2-2, các chỉ số chứng khoán cũng tăng "dựng đứng", như MSCI của thị trường châu Á - Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản), Nikkei của Nhật Bản, S&P/ASX 200 của Úc, Shanghai Composite của Trung Quốc.
Một nhân viên thu ngân tính tiền khách hàng trong siêu thị ở gần TP Nice - Pháp. Ảnh: REUTERS
Tương tự, thị trường chứng khoán châu Âu ngập trong sắc xanh với chỉ số Eurostoxx 50 và DAX (Đức) đều tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 2-2.
Chỉ số đồng USD (DXY), chỉ số đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) có thời điểm giảm xuống quanh ngưỡng 101,16. Giá vàng thế giới cũng tăng lên ngưỡng 1.955 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 2-2 nhờ giá USD giảm.
Ông Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư tại Công ty Tài chính Independent Advisor Alliance (Mỹ), nhận định thị trường phục hồi mạnh mẽ do giới đầu tư phớt lờ khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất và hy vọng FED sớm từ bỏ quan điểm "diều hâu" đối với chính sách tiền tệ.
Dù vậy, theo đài CNBC, ông Zaccarelli cũng cảnh báo sẽ có một đợt bán tháo cổ phiếu khi các nhà đầu tư nhận ra lãi suất vẫn được duy trì ở mức cao trong tương lai gần và suy thoái có thể diễn ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024.
Trong khi đó, chiến lược gia cấp cao Kristy Akullian thuộc tập đoàn quản lý đầu tư Mỹ BlackRock tin rằng cách cuối cùng để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% là phải có một cuộc suy thoái - dù ngắn và ít nghiêm trọng hơn dự báo trước đây.
Ngoài BlackRock, các ngân hàng và nhà quản lý tài sản như Wells Fargo và Neuberger Berman gần đây cũng lặp lại cảnh báo về kịch bản suy thoái. Những lo ngại nói trên hoàn toàn có căn cứ khi các nhà hoạch định chính sách của FED dự báo tăng lãi suất lên phạm vi từ 5% đến 5,25% và giữ ở mức đó ít nhất cho đến cuối năm.
Dù vậy, trọng tâm giờ đây chuyển sang các cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng như lộ trình tăng lãi suất của cả hai trong tuần này. Lạm phát châu Âu đã giảm nhanh chóng sau khi đạt mức cao kỷ lục 10,6% vào tháng 10-2022 nhưng chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI), trừ thực phẩm và nhiên liệu, vẫn ở mức cao.
Tại Hàn Quốc, dù lạm phát tiêu dùng trong tháng 1 tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng qua nhưng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc tỏ ra thận trọng về việc tăng thêm lãi suất. Đi ngược lại với làn sóng tăng lãi suất ở nhiều nước, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) Masazumi Wakatabe ngày 2-2 nhấn mạnh họ "hoàn toàn không có thay đổi nào" trong cam kết duy trì chính sách siêu nới lỏng tiền tệ.