Thị trường đang quá phụ thuộc tâm lý nhà đầu tư cá nhân
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng hay giảm hiện phụ thuộc vào tâm lý “hưng phấn” hoặc “hoảng loạn” của nhà đầu tư thay vì những thông tin vĩ mô khởi sắc.
Nhà đầu tư cá nhân chiếm ưu thế tuyệt đối về lượng
Dữ liệu từ Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho thấy, tính đến ngày 30/9/2023, số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước là hơn 7,76 triệu tài khoản, chiếm ưu thế tuyệt đối với tỷ lệ 99,2% tổng số lượng tài khoản đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, số lượng tài khoản của tổ chức trong nước là 15.721 tài khoản (chiếm 0,2%), số lượng tài khoản đầu tư của cá nhân và tổ chức nước ngoài là 44.706 tài khoản, chiếm 0,6% tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam. Vì vậy, đóng góp và ảnh hưởng của của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường ngày càng lớn.
Theo Goldman Sachs Global Investment Research, tại Trung Quốc, nếu như những năm đầu thập kỉ 21, khoảng 60% giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán đại lục được nắm giữ bởi các nhà đầu tư cá nhân, thì năm 2020 đã giảm xuống chỉ còn dưới 40% và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống còn 30% vào năm 2030. Tỷ trọng này ở thị trường chứng khoán Hàn Quốc là 35%, hay thậm chí còn thấp hơn nữa, như ở Nhật Bản chỉ có 17% (năm 2018) và Hong Kong (Trung Quốc) chỉ có 14% (năm 2019). Đối với Đài Loan (Trung Quốc), từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ vốn nước ngoài trong cổ phiếu Đài Loan đã vượt quá 40%, khiến giá cổ phiếu tăng cao.
Bà Lê Thị Lệ Hằng - Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cho biết, việc nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ quá lớn là một trong những căn nguyên khiến thị trường biến động mạnh, quá phụ thuộc vào thanh khoản, tâm lý của họ.
“Khoảng 90% thanh khoản thị trường đến từ giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân. Trong đó, đáng lưu ý là sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân vào nhóm cổ phiếu có vốn hóa nhỏ, có biến động giá cao, mang tính chất đầu cơ với mức độ rủi ro lớn”, bà Hằng chia sẻ.
Tâm lý số đông quyết định thị trường
Nhìn lại diễn biến thị trường thời gian vừa qua, dòng tiền dồi dào từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước thúc đẩy đà tăng của chỉ số. Chỉ riêng trong 5 tháng (5-9/2023), có gần 762.000 tài khoản mở mới. Trong tháng 9 có nhiều phiên giao dịch chứng kiến thanh khoản vượt “tỷ đô”, đưa chỉ số vượt mốc 1.240 điểm, trong bối cảnh dòng vốn nước ngoài của các quỹ đầu tư chủ động (active fund) có xu hướng rút ròng do biến động về tỷ giá và những toan tính riêng.
Sang tháng 10/2023, bất chấp những thông tin vĩ mô khởi sắc, triển vọng trung và dài hạn của nền kinh tế trong nước, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp có nhiều phiên “đổ đèo” vì hành động bán tháo với tâm lý khá tiêu cực của nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Như vậy, thị trường chứng khoán phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý nhà đầu tư, trong khi tâm lý nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ lại thường phụ thuộc chủ yếu vào tin đồn. Khi thị trường xuất hiện tin đồn tiêu cực khiến nhà đầu tư hoảng sợ, hàng loạt cổ phiếu bị “rũ hàng”, bán tháo ồ ạt khiến chỉ số lao dốc bất chấp động thái mua vào, “gom hàng” của khối ngoại.
Ví dụ gần nhất chính là những phiên giao dịch “lau sàn” vừa qua khi lượng lớn giao dịch bán giá thấp thuộc về nhà đầu tư cá nhân, còn khối ngoại, tự doanh lại mua ròng. Phiên giao dịch ngày 26/10, VN-Index giảm hơn 46 điểm, nguyên nhân xuất phát từ các tin đồn liên quan cổ phiếu họ Vin.
Ngược lại, nhà đầu tư cá nhân cá nhân rất dễ “FOMO” khi thị trường đi lên, đặc biệt đối với một số cổ phiếu “lái”. Các điểm hạn chế của nhà đầu tư cá nhân Việt Nam nhìn chung cũng không khác với trên thế giới bởi đó là tính cố hữu của thị trường chứng khoán.
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương, một trong những lý do thị trường chứng khoán lên xuống là ảnh hưởng từ tâm lý nhà đầu tư. Điều này càng rõ nét hơn với thị trường Việt Nam, khi 99% nhà đầu tư là cá nhân.
“Ở các nước có thị trường phát triển, như Hàn Quốc, tỉ lệ nhà đầu tư tổ chức thường chiếm trên 60%, thị trường Việt Nam cũng nên phấn đấu đạt tỉ lệ ở mức này”, bà Phương nhận định.