Thế giới tăng cường kiềm chế lạm phát
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa có lần nâng lãi suất mạnh nhất trong 22 năm qua nhằm đối phó lạm phát leo thang.
Nhiều ngân hàng trung ương vừa tiếp tục nâng lãi suất để đối phó lạm phát đang leo thang trong bối cảnh thế giới đối mặt thách thức về chuỗi cung ứng do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Trong động thái được nhiều người kỳ vọng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 4-5 nâng lãi suất cho vay ngắn hạn áp dụng đối với các ngân hàng khắp nước này lên thêm 0,5 điểm % (từ biên độ 0,25%-0,5% hiện nay lên biên độ 0,75%-1%). Đây cũng là lần nâng lãi suất mạnh nhất của FED trong 22 năm qua nhằm đối phó lạm phát leo thang.
Chủ tịch FED Jerome Powell nhận định lạm phát hiện quá cao và "chúng tôi phải hành động khẩn trương để giảm nó xuống". Theo ông Powell, lạm phát đang đè nặng lên người thu nhập thấp và FED cam kết mạnh mẽ đối với việc khôi phục sự ổn định về giá.
Đài CNBC nhận định lời lẽ này có nghĩa sẽ có những lần tăng lãi suất trong thời gian tới nhưng mức tăng có thể không quá 0,5 điểm %. Theo Công ty Ngoại hối CME Group (Mỹ), thị trường đang kỳ vọng FED sẽ nâng lãi suất lên biên độ 3%-3,25% vào cuối năm 2022.
Một trạm xăng ở TP Los Angeles, bang California - Mỹ hồi tháng 3-2022, tháng có chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh. Ảnh: Reuters
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, FED đã giảm lãi suất xuống còn biên độ 0%-0,25%. Tuy nhiên, đến tháng 3-2022, lãi suất này được tăng lên 0,25 điểm % vào thời điểm lạm phát leo thang. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ trong tháng đó tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 12-1981.
Một quốc gia châu Mỹ khác cũng có động thái tương tự hôm 4-5 là Brazil. Nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ Latin này có lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp lên 12,75% trong nỗ lực kiềm chế lạm phát đang tăng.
Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương Iceland cũng theo đuổi mục đích tương tự khi tăng lãi suất lên 3,75% ngày 4-5. Đây là lần thứ 2 ngân hàng có động thái này kể từ đầu năm sau khi lạm phát trong tháng 4 tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021. Lạm phát leo thang cũng có thể buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu nâng lãi suất sớm nhất là vào tháng 7, thay vì cuối năm như dự kiến. Đó là nhận định được Thống đốc Ngân hàng Trung ương Estonia Madis Müller đưa ra hôm 3-5.
Động thái tăng lãi suất đáng chú ý khác đến từ Ngân hàng Trung ương Ấn Độ ngày 4-5, với mức tăng 0,4 điểm %, lên 4,4%. Theo trang Bloomberg, đây là lần đầu tiên ngân hàng này tăng lãi suất cơ bản kể từ năm 2018 giữa lúc nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á đối mặt lạm phát tăng cao.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Shaktikanta Das cho rằng tình trạng thiếu hụt dầu ăn do xung đột Nga - Ukraine và lệnh cấm xuất khẩu dầu của một số quốc gia khiến giá thực phẩm ở nước này tăng vọt. Ngân hàng này vừa nâng mức dự báo về lạm phát của Ấn Độ trong năm tài chính hiện nay (bắt đầu từ ngày 1-4-2022) lên 5,7%. Tỉ lệ trước đó là 4,5%, được đưa ra hồi tháng 2.
Trước đó một ngày, Ngân hàng Trung ương Úc tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong hơn 11 năm (từ 0,1% lên 0,35%). Đây là bước đi không gây ngạc nhiên sau khi dữ liệu chính thức mới công bố cho thấy lạm phát ở Úc trong quý I/2022 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2001, một phần do giá nhiên liệu tăng.
Một số nền kinh tế khác ở châu Á cũng đang đau đầu với bài toán lạm phát. Theo hãng tin Yonhap, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) dự kiến sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 4 lần nữa cho đến cuối năm nay. Trước đó, tại cuộc họp chính sách tiền tệ của BOK vào tháng rồi, các thành viên kêu gọi tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát.
Sức ép cũng gia tăng tại Philippines sau khi CPI trong tháng 4 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 12-2018.
Lời giải cho an ninh lương thực toàn cầu?
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres hôm 4-5 nhận định không thể giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu nếu không có nông sản từ Ukraine và lương thực, phân bón từ Nga.
Theo ông Guterres, cuộc xung đột ở Ukraine chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn, dẫn đến cuộc khủng hoảng đang tàn phá hệ thống lương thực, năng lượng, tài chính toàn cầu, nhất là đối với các nước đang phát triển.
Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh hiện không có giải pháp thực sự nào cho vấn đề an ninh lương thực toàn cầu nếu không có nỗ lực đưa nông sản Ukraine, lương thực và phân bón của Nga, Belarus trở lại thị trường thế giới bất chấp xung đột đang diễn ra. Ông Guterres cho biết sẽ tạo điều kiện đối thoại để giúp đạt được mục tiêu này.
Ông Guterres phát biểu như trên khi đến thăm Nigeria, một trong những quốc gia chịu tác động không nhỏ từ xung đột Nga - Ukraine. Nigeria đã phải mua khẩn cấp nguồn cung kali từ Canada sau khi không thể nhập khẩu mặt hàng này từ Nga do tác động của lệnh trừng phạt của phương Tây. Vào tháng rồi, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo xung đột Nga - Ukraine giáng đòn mạnh vào vùng châu Phi cận Sahara, đẩy giá lương thực và năng lượng lên cao, khiến nhiều người có nguy cơ thiếu ăn.
Anh Thư