Sau Mỹ, tới lượt hệ thống ngân hàng Đức “gặp chuyện”?
Cơ quan quản lý tài chính của Đức hôm 9-5 cảnh báo hệ thống ngân hàng của nước này đang trải qua một phép thử căng thẳng trong bối cảnh biến động, đồng thời dự báo sự suy yếu đáng kể đối với lĩnh vực bất động sản thương mại.
Lĩnh vực ngân hàng đã được chú ý kể từ tháng 3 sau sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (Mỹ) và việc giải cứu một số ngân hàng đang gặp khó khăn khác. Áp lực đối với lĩnh vực này ngày càng gia tăng khi nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất cơ bản.
Ông Mark Branson, chủ tịch của cơ quan quản lý Đức BaFin (Cơ quan giám sát tài chính liên bang), nói với đài CNBC rằng Đức đã nhận thấy những tác động tương tự từ lãi suất cao hơn giống nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Ông Mark Branson, chủ tịch của cơ quan quản lý Đức BaFin. Ảnh: CNBC
Ông Branson nói rằng hệ thống ngân hàng Đức đã gặp một số khó khăn nhưng nhấn mạnh rằng không có mối nguy hiểm hệ thống nào và hệ thống tài chính đã xoay sở để thích nghi tốt với các tác động của lãi suất cao hơn.
Ông nói: "Hiện tại, chúng tôi không gặp khủng hoảng ngân hàng toàn cầu nhưng chúng tôi có một khoảng thời gian lo lắng và phép thử căng thẳng đối với các bộ phận của hệ thống ngân hàng".
Nhìn chung, lãi suất cao hơn sẽ là một điều tích cực đối với bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề có thể phát sinh khi các ngân hàng gánh thêm rủi ro và không theo kịp tốc độ tăng lãi suất liên tục và mạnh mẽ.
Chính vì vậy, sự biến động được chứng kiến ở Mỹ đã đặt ra hoài nghi về việc những ngân hàng châu Âu cũng có thể gặp rủi ro. Chẳng hạn, cổ phiếu Ngân hàng Deutsche Bank đã chịu áp lực vào cuối tháng 3 và Credit Suisse cuối cùng bị đối thủ UBS mua lại.
Trong khi đó, thị trường bất động sản, vốn có liên kết chặt chẽ với các ngân hàng, cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi những thay đổi về lãi suất. Ông Branson cảnh báo có thể xảy ra một số vấn đề về rủi ro tín dụng trong thị trường bất động sản thương mại.
Phát biểu vào cuối tuần qua, tỉ phú Warren Buffett cũng nhấn mạnh rằng thị trường bất động sản thương mại đã bắt đầu chịu hậu quả từ chi phí đi vay cao hơn. Điều này là do lãi suất tăng cao khiến người đi vay tốn kém hơn trong việc mua bất động sản thương mại và tái cấp vốn cho các khoản vay của họ. Đồng thời, việc linh hoạt hơn khi làm việc tại nhà cũng đã thay đổi một số nhu cầu về bất động sản thương mại.