• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rộng cửa cho doanh nghiệp Nam Trung Bộ

Các doanh nghiệp, hợp tác xã vùng Nam Trung Bộ khẳng định "thu hoạch" được nhiều từ cuộc tiếp xúc trực tiếp với những nhà phân phối lớn đến từ TP HCM.

Trở về từ hội nghị kết nối giao thương giữa TP HCM và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ diễn ra ngày 14-4, Công ty TNHH SX-TM-XNK D&T (D&T Group) với sản phẩm chủ lực là rong nho Okinawa bắt tay vào các khâu chuẩn bị để từ đầu tháng 5 đưa hàng vào hệ thống siêu thị, cửa hàng của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA).

Đặt hàng kết nối

"Nhờ chương trình kết nối giao thương, công ty ký được một hợp đồng thu mua với SATRA và một biên bản ghi nhớ với Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op). Chúng tôi hy vọng phát triển được doanh số ở hệ thống siêu thị và được nhiều người tiêu dùng biết đến thương hiệu công ty" - ông Nguyễn Quang Duy, Tổng Giám đốc D&T Group, cho hay.

D&T Group là một trong số những doanh nghiệp (DN) bước đầu kết nối thành công với các hệ thống bán lẻ hiện đại. Theo thống kê của Sở Công Thương TP HCM, có tổng cộng 28 hợp đồng thu mua, 19 biên bản ghi nhớ giữa DN các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi với 4 nhà phân phối lớn là Saigon Co.op, SATRA, Central Retail, sàn thương mại điện tử Tiki đã được ký kết tại sự kiện kết nối giao thương giữa các tỉnh Nam Trung Bộ và TP HCM vừa qua. "Trải qua nhiều giai đoạn công phu mới có được số hợp đồng, biên bản ghi nhớ này" - ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, thông tin.

Đại diện Công ty TNHH NLN TBT (Quảng Ngãi; chuyên sản xuất các sản phẩm từ gạo lứt thương hiệu Ấn Trà Việt) cho biết DN đã học được rất nhiều từ những góp ý của các nhà phân phối trong những đợt tiếp xúc, giúp DN nhìn nhận rõ các hạn chế trong sản xuất, để khắc phục nhằm hoàn thiện hơn.

Cũng bày tỏ mong muốn các chương trình kết nối giao thương giữa TP HCM và các tỉnh diễn ra thường xuyên hơn để hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm địa phương, đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Định còn "đặt hàng" TP HCM đưa thêm các nhà sản xuất lớn đến kết nối với tỉnh. Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Định cho hay tình trạng chung của các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ là nông dân, nhà sản xuất nhỏ lẻ, mang tính tự phát. "Rất mong trong các chuyến kết nối, TP HCM đưa thêm các nhà sản xuất lớn đến gặp tỉnh để tổ chức các kênh liên kết sản xuất, tiêu thụ mang tính bền vững, hình thành các chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Chúng tôi có 2.000 ha đất, có thể liên kết với DN TP HCM giải quyết mô hình sản xuất - tiêu thụ cho nông dân" - đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Định giới thiệu.

Rộng cửa cho doanh nghiệp Nam Trung Bộ - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ và TP HCM giới thiệu, kết nối giao thương

Phải kết nối hiệu quả hơn

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhìn nhận chương trình kết nối giao thương giữa TP HCM với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ trong những năm qua đã giúp nhiều sản phẩm hàng hóa của các tỉnh tiếp cận các hệ thống phân phối hàng hóa lớn trên địa bàn TP HCM như: Saigon Co.op, MM Mega Market, Central Retail... Một số sản phẩm được tiêu thụ ổn định tại thị trường TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam đã có những tác động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy tiêu thụ và kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh luân chuyển hàng hóa, nâng tầm giá trị sản phẩm đặc trưng của các địa phương, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tại các địa phương. Một số tập đoàn lớn đã nghiên cứu, mở các chi nhánh trên địa bàn các tỉnh, tạo động lực phát triển hạ tầng thương mại của địa phương theo hướng hiện đại.

"Các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Khánh Hòa đa dạng, bảo đảm yêu cầu về hình thức, mẫu mã, chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Thúc đẩy hoạt động tiêu thụ hàng hóa, kết nối giao thương qua các hệ thống phân phối hàng hóa với những nhà cung ứng là hết sức thiết thực và ý nghĩa, là cơ hội lớn để các DN tìm hiểu, kết nối đi đến hợp tác, đồng hành phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, đóng góp lớn cho nền kinh tế" - ông Tuân nói.

Ông Nguyễn Tấn Tuân tin tưởng với tiềm lực về tài chính, mạng lưới thị trường rộng khắp trong nước, quốc tế và kỹ năng quản trị kinh doanh tốt của các tập đoàn, DN ở TP HCM sẽ tiếp tục kết nối hiệu quả hơn nữa, tạo ra chuỗi giá trị sản xuất - cung ứng, cung cấp các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đa dạng, phong phú, hiện đại, đáp ứng yêu cầu thị trường và hướng tới sự phát triển bền vững.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, khẳng định mở rộng giao thương, kết nối với các tỉnh, thành là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của thành phố. "Phải kết nối lại thành chuỗi, có sự chia sẻ và giúp đỡ nhau trên cơ sở bình đẳng, đôi bên cùng có lợi, cùng đi lên. Sự chia sẻ, giúp đỡ đó không dừng lại ở mua - bán mà quan trọng là phải đầu tư từ đầu đến cuối cho chuỗi, bao gồm đầu tư của nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà nước" - ông Hoan nhấn mạnh. 

Phát huy hơn nữa vai trò "ông mai, bà mối"

Lãnh đạo UBND TP HCM và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ mong muốn các hệ thống phân phối tiếp tục có trách nhiệm lớn hơn trong việc truyền tải tín hiệu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, qua đó định hướng sản xuất, hướng dẫn nhà cung ứng đổi mới tư duy, chuyển từ sản xuất sản phẩm mình có sang sản xuất sản phẩm thị trường cần. Theo đó, hỗ trợ DN phát triển sản phẩm, phát triển thị trường; đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Trong đó, đẩy mạnh kết nối trực tuyến, chủ động nắm bắt xu hướng tiêu dùng, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước để định hướng, khuyến nghị sản xuất phù hợp, sản xuất theo nhu cầu thị trường; góp phần nâng cao giá trị các chuỗi cung ứng.


Tác giả: Bài và ảnh: Thanh Nhân
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết