• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển thị trường trái phiếu xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay

Trái phiếu xanh là công cụ nợ được phát hành trên thị trường vốn nhằm huy động vốn cho phát triển xanh và hiện thực hóa các kế hoạch về đối phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh quốc gia. Tại Việt Nam, thời gian qua đã có nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường trái phiếu xanh và đã đạt được kết quả ban đầu, tuy nhiên, thực tiễn cũng đạt ra một số vấn đề cần giải quyết

Thị trường trái phiếu xanh

Theo thống kê của Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu khí hậu, trái phiếu xanh đã tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây và khối lượng trái phiếu xanh phát hành trên thị trường có thể đạt mốc 1 nghìn tỷ USD/năm vào năm 2023.

 Khối lượng phát hành trái phiếu xanh toàn cầu trong năm 2020 đã đạt 269,5 tỷ USD, cao hơn 5,7% so với năm 2019. Mỹ là quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng về khối lượng phát hành trái phiếu xanh với 51,1 tỷ USD, vị trí thứ hai thuộc về Trung Quốc với 31,3 tỷ USD, thứ ba là Pháp với 30,1 tỷ USD.

Về lĩnh vực đầu tư, cũng theo Climate Bonds Initiative, trong số các trái phiếu xanh được phát hành vào năm 2019, 32% thuộc lĩnh vực năng lượng sạch, 30%  trong lĩnh vực xây dựng các-bon thấp, 20% thuộc lĩnh vực giao thông các-bon thấp, 9% về tài nguyên nước, 3% thuộc tái chế rác thải, 2% về sử dụng đất.

Về kỳ hạn, hầu hết các trái phiếu xanh là công cụ tài chính trung hạn với kỳ hạn từ 5 - 10 năm, cụ thể: 14,7% có kỳ hạn trên 20 năm; khoảng 36%, kỳ hạn từ 5 đến 10 năm; 29,3% có kỳ hạn 5 năm; 17,8% kỳ hạn từ 10 đến 20 năm.

Như vậy, có thể thấy, xu hướng ngày càng tăng trong phát triển trái phiếu xanh tại các nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường trái phiếu xanh đã được các bộ, ngành đồng loạt triển khai, như: hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin và minh bạch hóa các hoạt động về tài chính xanh; khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thường niên đề cập đến phát triển bền vững, phát triển xanh. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã và đang tích cực xây dựng các biện pháp để hiện thực hóa việc thu hút vốn đầu tư vào thị trường trái phiếu xanh Việt Nam.

Cùng với đó, Việt Nam đã chủ động phối hợp với một số tổ chức quốc tế phát hành thí điểm trái phiếu xanh. Tính đến tháng 10/2020, đã có 4 đợt phát hành trái phiếu xanh với tổng trị giá gần 284 triệu USD, trong đó, phát hành bởi một tổ chức được Chính phủ bảo lãnh: 23,4 triệu USD (năm 2016), phát hành bởi một chính quyền thành phố là 3,6 triệu USD (năm 2016) và hai khoản vay xanh tương ứng 71 triệu USD và 186 triệu USD (năm 2020).

Trong đó, phần lớn nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu, chiếm 57%, được sử dụng cho năng lượng tái tạo, là lĩnh vực chính được các bên liên quan của Việt Nam quan tâm. Về lĩnh vực đầu tư, các ngành đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư quốc tế trong huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu xanh, bao gồm năng lượng tái tạo, tài nguyên nước, nông nghiệp xanh và xử lý chất thải.

Vấn đề đặt ra đối với thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam

Mặc dù, tiềm năng là rất lớn, nhưng thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển, quy mô huy động vốn bằng trái phiếu xanh còn chưa nhiều, nền tảng cung, cầu trên thị trường còn thiếu ổn định và chưa có nhiều các thành viên thị trường tham gia vào thị trường tiềm năng này.

Một số vấn đề đặt ra để phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm:

Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với trái phiếu xanh và thị trường trái phiếu xanh. Hiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định các nguyên tắc, tiêu chuẩn cũng như hướng dẫn quy trình phát hành, trách nhiệm của các bên đối với trái phiếu xanh của Việt Nam còn chưa đồng bộ.

Chính vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan đến khung tài chính xanh, bao gồm: hoạt động phát hành, giao dịch trái phiếu xanh trên thị trường; các tiêu chuẩn, tiêu chí liên quan đến các dự án, lĩnh vực xanh; báo cáo và giám sát theo các tiêu chí tài chính xanh. Khung khổ pháp lý đầy đủ sẽ giúp các định chế tài chính trong việc xây dựng các hướng dẫn nội bộ trong đầu tư, hỗ trợ phát hành trái phiếu xanh, qua đó, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh.

Tăng cường triển khai các chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh thông qua phát hành, niêm yết trái phiếu xanh. Trái phiếu xanh cũng chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các chủ thể phát hành, các nhà đầu tư bởi đầu tư vào các dự án xanh thường có chi phí vốn lớn và rủi ro.

Để phát triển thị trường trái phiếu xanh, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ về thuế, phí cũng như thủ tục, cơ chế đối với doanh nghiệp, các nhà đầu tư khi thực hiện các dự án, chương trình và lĩnh vực xanh.

Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp hành chính, các công cụ kinh tế cũng như công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy lối sống, sinh hoạt, tiêu dùng thân thiện với môi trường, hướng đến nền kinh tế xanh.

Tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững là xu thế không thể đảo ngược trong phát triển hiện nay trên thế giới. Tại Việt Nam, với các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, nhu cầu vốn cho phát triển các dự án xanh, năng lượng tái tạo và xử lý môi trường là rất lớn.

Vì vậy, cần phát triển các sản phẩm tài chính xanh, trong đó có trái phiếu xanh. Tuy nhiên, trái phiếu xanh nói riêng và các công cụ tài chính xanh nói chung là những vấn đề tương đối mới ở Việt Nam, phát triển thị trường trái phiếu xanh là một quá trình lâu dài với sự tham gia đồng bộ của nhiều chủ thể trong chiến lược phát triển xanh của nền kinh tế.

 Sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, hài hoà lợi ích giữa cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư là rất quan trọng, góp phần tạo lập các chính sách, giải pháp đồng bộ và toàn diện cho phát triển thị trường trái phiếu xanh.

Cùng với Nhà nước, sự chủ động tham gia của các thành viên thị trường sẽ góp phần phát triển thị trường trái phiếu xanh, tạo nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của Thủ tướng Chính phủ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...