• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển kinh tế số tại Việt Nam và vấn đề đặt ra

Đến nay, sau hơn 10 năm triển khai Chính phủ điện tử, Việt Nam mới cơ bản hoàn thành việc kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ. Bên cạnh những kết quả tích cực, những cơ hội cho việc đẩy nhanh phát triển kinh tế số, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số thách thức đặt ra cần giải quyết.

Phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Kinh tế số xuất hiện ở Việt Nam từ khi có máy tính, nhất là khi có máy tính cá nhân vào những năm 1980. Kinh tế số bắt đầu phát triển mạnh mẽ kể từ thời điểm cuối những năm 1990, khi Internet bắt đầu có mặt tại Việt Nam.

Kinh tế số dần được phổ cập là khi mật độ điện thoại thông minh đạt mức trên 50%, vào cuối những năm 2000. Nó được  thúc đẩy mạnh mẽ hơn với sự xuất hiện của Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong những năm gần đây.

Tháng 9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị Quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải đẩy nhanh quá trình CĐS. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việt Nam thuộc nhóm ít các nước trên thế giới sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia, chiến lược về một quốc gia số.

Những năm gần đây, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Năm 2007, số người sử dụng Internet ở Việt Nam là 17,7 triệu người. Đến năm 2017, số người sử dụng Internet ở Việt Nam đã tăng lên mức 64 triệu người, xấp xỉ 67% dân số. Dựa trên số liệu của Tập đoàn Miniwatts Marketing, Việt Nam hiện xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới.

Thương mại điện tử (TMĐT), một trong những cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số ở Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và quy mô thị trường. Quy mô ngành TMĐT Việt Nam hiện ở mức 5,2 tỷ USD. Năm 2017, 21 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực TMĐT Việt Nam nhận đầu tư nước ngoài với tổng số vốn lên đến 83 triệu USD, cao nhất trong tất cả các ngành nghề nhận được huy động vốn đầu tư.

Xu hướng sát nhập và mua lại (M&A) giữa các doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam cũng đã tăng trưởng đều cả ở giá trị và số lượng thuơng vụ. Đến hết năm 2021 tiếp tục có sự chuyển biến mạnh mẽ, khi hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo bắt đầu hình thành một cách đầy đủ.

Theo đó, đã có trên 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành, cùng với đó có trên 40 quỹ tổ chức đầu tư mạo hiểm, mạng lưới đầu tư thiên thần; Đặc biết, có khoảng trên 80 công ty công nghệ tài chính(fintech) đã được thành lập tại Việt Nam, điển hỉnh như: Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) – Ví điện tử MoMo; Công ty cổ phần Đổi mới công nghệ Tài chính Fiin – FIIN CREDIT; Công ty cổ phần AirPay- ShopeePay; Công ty cổ phần ZION – Ví điện tử ZaloPay; Công ty cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY)...

Cùng với các công ty fintech, lĩnh vực vẫn tải cũng ra mắt nhiều ứng dụng công nghệ số - kinh tế số trong kinh doanh để cạnh tranh với Grab, Uber như FastGo, Be, VATO... Lĩnh vực du lịch, Việt Nam có các ứng dụng như: Mytour, Luxstay… cạnh tranh cùng Booking, Agoda hay AirB&B của thế giới...

Đặc biệt, chuyển đổi các hoạt động quản lý Nhà nước đã có những bước tiến mạnh mẽ, từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển từ văn bản giấy sang môi trường số được đẩy mạnh và đạt kết quả bước đầu rất đáng trân trọng; nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực được đưa ra phục vụ kịp thời, hiệu quả người dân, doanh nghiệp.

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số. Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển ở từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chuyển đổi số, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định tăng 32,7%, mạng di động tăng 4,7% so với cùng kỳ. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, đã kết nối đến 100% huyện, hơn 97% xã trên toàn quốc.

Tính đến hết tháng 6/2022, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết nối liên thông với 11 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp Nhà nước và 14 địa phương tiếp tục làm giàu dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; cấp trên 68 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử; hoàn thành xác thực 45 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội; bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước phục vụ người dân khám chữa bệnh, rút tiền tại các cây ATM... Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đã quản lý thông tin của 27 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm thông tin của 98 triệu người dân.

Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.699 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ); hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ); hơn 4,1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ).

Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP tiếp tục tăng; nhiều doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 10,41% (tỷ trọng này năm 2021 ước tính là 9,6%). Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 20%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 67.300 doanh nghiệp, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỉ lệ 0,69 doanh nghiệp trên 1.000 dân.

Thuế điện tử, hóa đơn điện tử được phổ cập. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%. Người dân tích cực sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công quốc gia trong các hoạt động kinh tế, xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng khoảng 76% về số lượng và 30,6% về giá trị so với cùng kỳ 2021; trong đó mức độ tăng trưởng ấn tượng nhất là qua điện thoại di động (tăng 99,1% về số lượng và 86,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021) và QRCode (tăng 68,9% về số lượng và 113,2% về giá trị).

Một số chỉ tiêu trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 đã sớm đạt mục tiêu đề ra như tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử là 100%, đạt mục tiêu đề ra; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ là 11,27%, vượt mục tiêu đề ra là 7%; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán là 66%, vượt mục tiêu đề ra là 65%.

Một số vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả tích cực, những cơ hội cho việc đẩy nhanh phát triển kinh tế số, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số thách thức đặt ra cần giải quyết. Trong đó, có vấn đề nổi cộm về pháp lý, an toàn an ninh mạng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng và cả việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin  nhằm phát triển chính phủ điện tử. Đến nay, sau hơn 10 năm triển khai Chính phủ điện tử, Việt Nam mới cơ bản hoàn thành việc kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các tỉnh còn chưa cao. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 hoàn toàn không phản ánh đúng thực trạng phát triển Chính phủ điện tử tại các tỉnh. Khoảng cách giữa các tỉnh trong việc phát triển Chính phủ điện tử hiện nay cũng là một vấn đề đáng lưu ý.

Số lượng dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến tại các tỉnh chỉ chiếm tỷ lệ ít trên tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Điều này dẫn đến tình trạng lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến tại một số tỉnh còn rất thấp so với số lượng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của tỉnh.

Ngoài ra, Việt Nam còn gặp phải một thách thức lớn đến từ việc xây dựng một hệ cơ sở dữ liệu chung của quốc gia. Hiện một số bộ, ngành đã tự xây dựng cơ sở dữ liệu cho mình nhưng khả năng liên thông chúng với nhau vẫn còn hạn chế.

Đây là nút thắt quan trọng cần phải giải quyết, bởi việc có được nguồn dữ liệu đầu vào tốt là nền tảng căn bản để tạo lợi thế cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước, từ đó giúp họ có thể tìm ra lời giải cho bài toán Việt Nam và cạnh tranh sòng phẳng với các dịch vụ công nghệ xuyên biên giới.

Kinh tế số Việt Nam thời gian qua cơ bản là phát triển tự phát, nhưng phát triển khá nhanh. Điều này là do Việt Nam có nền tảng hạ tầng Viễn thông – công nghệ thông tin khá tốt, phủ sóng rộng khắp với mật độ người sử dụng cao.

Cùng với đó, người Việt Nam ham mê công nghệ, thích sử dụng công nghệ vào loại cao nhất trong khu vực, dân số Việt Nam trẻ, được đào tạo tốt, học toán tốt và lao động chăm chỉ... Đây là lợi thế để phát triển kinh tế số, nhưng rất cần sự dẫn dắt của Chính phủ, cần có các giải pháp hữu ích để phát triển kinh tế số.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...