Ninh Thuận: Đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao tỉ trọng ngành công nghiệp
Đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao tỉ trọng ngành công nghiệp, và “phát triển công nghiệp có chọn lọc” mà trong đó “ưu tiên phát triển ngành Công nghiệp có lợi thế cạnh tranh theo hướng hiện đại, bền vững”. Đó là một trong số mục tiêu chung cơ bản mà Ninh Thuận hướng tới. Để có cái nhìn khái quát, khách quan hơn, Tạp chí Việt Nam Hội nhập đã có buổi phỏng vấn ông Sử Đình Vinh, Trưởng Ban quản lý KCN Ninh Thuận.
PV: Xin ông hãy cho biết trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai những dự án Khu Công Nghiệp trọng điểm nào? Và tập trung khai thác thế mạnh về công nghiệp ở địa phương vào lĩnh vực nào?
Ông Sử Đình Vinh, Trưởng Ban quản lý KCN tỉnh Ninh Thuận: Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận, lĩnh vực công nghiệp luôn được lãnh đạo tỉnh rất chú trọng và quan tâm,Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành đã xây dựng nhiều đề án, nghị quyết về phát triển công nghiệp nhằm khai thác tiềm năng lợi thế, các lĩnh vực là thế mạnh của địa phương, từng bước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng diện tích là 1.682 ha, trong đó có 03 KCN đã được thành lập (KCN Thành Hải, KCN Phước Nam và KCN Du Long) và 01 KCN đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư (KCN Cà Ná).
Cụ thể: 1, KCN Thành Hải có quy mô diện tích 77,987 ha, thuộc địa bàn TP. Phan Rang - Tháp Chàm, được thành lập từ năm 2015 và do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng; 2, KCN Phước Nam có quy mô diện tích 369,92ha, thuộc địa bàn huyện Thuận Nam, được thành lập năm 2008 do Công ty Cổ phần đầu tư Phước Nam Ninh Thuận làm chủ đầu tư hạ tầng KCN; 3, KCN Du Long có quy mô diện tích 407,28 ha, thuộc địa bàn huyện Thuận Bắc, được thành lập năm 2008, do Công ty Cổ phần đầu tư khu công nghiệp Hoàng Thành Du Long làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật; 4, KCN Cà Ná có quy mô diện tích 827,2 ha, thuộc huyện Thuận Nam.
Các khu công nghiệp trên đều có lợi thế nằm trên Quốc lộ 1A, gần với đường sắt Bắc Nam, sân bay quốc tế Cam Ranh, Cảng tổng hợp Cà Ná và đường bộ cao tốc Bắc Nam. Đồng thời, nhờ sở hữu nhiều loại địa hình khác nhau, Ninh Thuận rất đa dạng nguồn tài nguyên khoáng sản và nổi tiếng với những bờ biển thoải, sạch, đẹp, thêm khí hậu đặc thù ít mưa, nhiều nắng cũng mang lại cho Ninh Thuận cơ hội phát triển những loại cây trồng và vật nuôi đặc sản như nho, hành, táo, tỏi, bò, dê, cừu.. Đây là một lợi thế để phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện khí. Do vậy,nhằm tập trung khai thác tiềm năng và thế mạnh này, tỉnh Ninh Thuận định hướng tập trung ưu tiên kêu gọi vào Khu công nghiệp các ngành nghề công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, sản xuất hàng tiêu dùng, các ngành nghề công nghệ cao, các dự án phục vụ cho sản xuất năng lượng tái tạo, ưu tiên các ngành nghề ít gây ảnh hưởng đến môi trường. Riêng KCN Cả Nã được định hướng phát triển tổng hợp đa ngành, tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, tiết kiệm tài nguyên, có giá trị gia tăng cao và ít gây ô nhiễm môi trường.
PV: Xin ông hãy cho biết tình hình phát triển kinh tế đối với các Khu công nghiệp trên địa bàn hiện tại đã đạt được những thành quả gì? Tình hình dịch bệnh Covid-19 thời gian qua có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế công nghiệp của tỉnh nhà? Có biện pháp gì để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch?
Ông Sử Đình Vinh: Tính đến Tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 30 dự án vào các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư khoảng 2.800 tỷ đồng, trong đó vốn FDI có 2 dự án với vốn đầu tư 491tỷ đồng (tương đương hơn 21 triệu USD). Hiện nay, có 18 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (trong đó KCN Thành Hải có 10 doanh nghiệp; KCN Phước Nam có 08 doanh nghiệp) chủ yếu tập trung vào các ngành như chế biến thực phẩm, chế biến thủy sản, nông sản xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc và giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân khoảng 7,35 triệu đồng/người/tháng.
Hầu hết các dự án đầu tư thứ cấp trong các khu công nghiệp hiện nay đa số là các dự án đầu tư trong nước với quy mô nhỏ và siêu nhỏ, vì vậy tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong hai năm vừa qua cũng đã gây nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như quá trình triển khai đầu tư dự án của các doanh nghiệp. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi sản xuất, kinh doanh tỉnh Ninh Thuận (Quyết định số 2068/QĐ-UBND ngày 28/10/2021) và ban hành Kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới (Kế hoạch số 4886/KH-UBND ngày 15/9/2021); Thành lập Tổ công tác đặc biệt thực hiện tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 1825/QĐ-UBND ngày 20/9/2021); ban hành Kế hoạch số 4653/KH-UBND ngày 03/9/2021 về Tổ chức các ngày Hội việc làm năm 2021 nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động bị ảnh hưởng bởi Dịch Covid-19. Ban quản lý các khu công nghiệp cũng đã triển khai một số công việc theo chỉ đạo của UBND tỉnh như:
- Phối hợp với Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận tiêm vacxin cho toàn bộ người lao động trong các khu công nghiệp. Đến nay, tất cả người lao động trong khu công nghiệp đã hoàn thành việc tiêm mũi 3 theo quy định.
- Phối hợp với Sở Công Thương để hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến và trực tiếp để đảm bảo chuỗi cung ứng cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
- Thường xuyên kiểm tra, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá mức độ an toàn sản xuất, chủ động trong công tác phòng chống dịch để có phương án xử lý, hỗ trợ doanh nghiệp khi cần thiết.
- Tiếp nhận, giải quyết hoặc phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp tập trung sản xuất, phục hồi những tổn thất do dịch Covid - 19 gây ra.
PV: Về công tác quản lý các Khu công nghiệp trên địa bàn đơn vị gặp những khó khăn, hạn chế nào trong công tác quản lý, cũng như kêu gọi đầu tư?
Ông Sử Đình Vinh: Trong thời gian qua, mặc dù việc thu hút vốn đầu tư dự án thứ cấp vào các khu công nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực, tình hình kêu gọi các dự án đăng ký đầu tư, thuê lại đất tại 2 khu công nghiệp Du Long và Phước Nam vẫn chưa đáp ứng theo kế hoạch đề ra, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp này còn thấp và hạn chế do tồn tại một số khó khăn sau:
- Từ năm 2020 đến nay do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc đầu tư hạ tầng, đồng thời Chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN thiếu quyết tâm đầu tư; hạn chế về khả năng huy động vốn thực hiện dự án thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý điều hành và xúc tiến đầu tư các dự án thứ cấp vào khu công nghiệp.
- Kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp được đầu tư chưa đồng bộ, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực như: môi trường, quy hoạch, xây dựng...
- Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng KCN Thành Hải phần diện tích 20 ha mở rộng còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế, chính sách.
- Ban quản lý các khu công nghiệp không có bộ phận thanh tra, chỉ phối hợp với thanh tra Sở ngành chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ thanh, kiểm tra theo ngành, lĩnh vực nên hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao. Một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện quy định, gây khó khăn cho công tác quản lý. Việc phối hợp trong xử lý vi phạm giữa các cơ quan chưa được đồng bộ, chặt chẽ nên hoạt động thanh tra, kiểm tra còn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
- Chính sách ưu đãi đầu tư đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp ít khác biệt so với dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp trên cùng địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn. Trong khi đó, nhà đầu tư vào khu công nghiệp phải thuê lại đất của chủ đầu tư hạ tầng và đóng các khoản phí sử dụng hạ tầng ... nên việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn.
- Thủ tục hành chính và cơ chế một cửa tại Ban Quản lý các KCN tỉnh thuộc thẩm quyền của nhiều sở, ban ngành có liên quan khiến DN mất nhiều thời gian để quy trình, làm thủ tục. Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều cải cách về thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nhưng việc thực hiện đúng theo quy trình thủ tục kết quả vẫn chưa được cải thiện.
- Nguồn nhân lực qua đào tạo, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu cho các ngành nghề công nghệ cao còn khan hiếm.
PV: Thưa ông, theo định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Thuận, đưa nền công nghiệp đi lên, đơn vị đã có những giải pháp tối ưu nào để đẩy mạnh sự phát triển của các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh? Được biết tỉnh nhà là một trong những tỉnh đang thúc đẩy kêu gọi doanh nghiệp về đầu tư, vậy cơ chế chính sách của địa phương dành cho doanh nghiệp là gì? Hiện tại tỉnh đã có bao nhiêu khu công nghiệp hoạt động, và có bao nhiêu doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đóng chân trên địa bàn tỉnh?
Ông Sử Đình Vinh; Nhằm đạt mục tiêu đưa nền công nghiệp tỉnh nhà đi lên, nhiệm vụ trọng tâm của Ban quản lý các khu công nghiệp là đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các khu công nghiệp. Từ những khó khăn đã nêu ở trên, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã tập trung vào một số giải pháp tối ưu thực hiện trong thời gian tới như sau:
1)- Thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư các KCN triển khai xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật như: Trạm xử lý nước thải, trồng cây xanh, hạ tầng giao thông và xây dựng các công trình dịch vụ như: Khu văn phòng, công trình văn hoá - dịch vụ, nhanh chóng chuẩn bị quỹ đất sạch để xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp.
2)- Tập trung thu hút đầu tư những ngành nghề theo lợi thế và tiềm năng phát triển của tỉnh như ngành công nghiệp chế biến, các ngành nghề công nghệ cao, bảo vệ môi trường.
3) - Hoàn thiện các chính sách khuyến khích đầu tư vào khu công nghiệp, như: Quán triệt thực hiện cơ chế quản lý “một cửa”, “một cửa liên thông”, tập trung đầu mối tại Ban quản lý các KCN nhằm hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết nhanh chóng và thuận lợi các thủ tục hành chính về cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và các thủ tục hành chính khác liên quan đến các dự án đầu tư trong KCN.
4 ) - Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với một số giải pháp cụ thể như: Tập trung thực hiện tốt chính sách đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên viên có triển vọng và đạo đức tốt, nắm vững pháp luật và các kỹ năng liên quan đến lĩnh vực chuyên môn; Phối hợp với các sở, ngành liên quan trong công tác đào tạo, phát triển đội ngũ công nhân theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong KCN, quan tâm đào tạo chuyên sâu những ngành nghề có tính chất thế mạnh của các doanh nghiệp; Làm đầu mối liên kết các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo các ngành nghề mà doanh nghiệp cần nâng cao kỹ năng thực hành cho người lao động để tiếp cận ngay các công việc tại các doanh nghiệp.
5) - Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư và dịch vụ hỗ trợ đầu tư như: phát huy ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến đầu tư như nâng cấp trang thông tin điện tử của Ban quản lý các khu công nghiệp, cập nhật đầy đủ, minh bạch các thông tin nhà đầu tư quan tâm bằng nhiều ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật; thường xuyên cập nhật thông tin về cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động đầu tư nhằm cung cấp thông tin kịp thời đến nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thờ liên kết với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Nam, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức xúc tiến đầu tư) để tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh đến với các nhà đầu tư; đồng thời cải thiện môi trường đầu tư và cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch dễ hiểu, dễ thực hiện đối với nhà đầu tư (từ khi đăng ký đầu tư đến khi dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh); Thường xuyên tổ chức rà soát các thủ tục hành chính không còn phù hợp với quy định để đề xuất, kiến nghị cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đảm bảo một môi trường đầu tư thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Để cải thiện môi trường đầu tư, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả trong công tác xúc tiến đầu tư, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, chú trọng việc kêu gọi đầu tư vào khu, cụm công nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, có giá trị gia tăng và tỷ trọng xuất khẩu lớn, các dự án tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên của tỉnh và tiếp tục xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm năng, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh. "Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 khu công nghiệp đang hoạt động là KCN Thành Hải, KCN Phước Nam và KCN Du Long với 30 dự án thứ cấp, trong đó có 2 dự án FDI là Dự án Nhà máy sản xuất rượu Vodka (349,92 tỷ đồng) tại KCN Thành Hải và Dự án Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em (138 tỷ đồng) tại KCN Du Long".
PV: Là đơn vị có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý, ông có thể đánh giá khách quan về nền công nghiệp của tỉnh nhà trong những năm qua, và những năm tới đây về phát triển công nghiệp hóa trên địa bàn tỉnh?
Ông Sử Đình Vinh: Mặc dù sở hữu thế mạnh về điều kiện vị trí địa lý, các tiềm năng tự nhiên cũng như tiềm năng lớn về nguồn nông-lâm-thủy sản, nền công nghiệp tỉnh Ninh Thuận vẫn chưa thực sự phát triển một cách đột phá và đạt hiệu quả tối ưu từ các nguồn tiềm năng của tỉnh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với các quyết sách và định hướng đúng đắn trong phát triển kinh tế, một số chỉ tiêu phát triển công nghiệp đã hoàn thành đạt và vượt mong đợi. Giá trị SXCN giai đoạn 2016-2020 tăng 186,3% so với giai đoạn 2011-2015 (thực hiện năm 2015 đạt 5116,4 tỷ đồng –năm 2020 đạt 9532,7 tỷ đồng), tốc độ tăng bình quân (13,3%/năm). Thu ngân sách năm 2020 đạt 3.900 tỷ đồng, năm 2021 đạt 3.907 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió), công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, kinh tế biển, du lịch, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp... cũng ngày càng được nhiều nhà đầu tư tiềm năng biết đến và triển khai thực hiện dự án tại tỉnh Ninh Thuận, đóng góp tăng thu ngân sách địa phương, phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà.
Trong những năm tới, để đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế trọng điểm theo hướng phát triển bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 19/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, nghị quyết xác định một số quan điểm như sau:
1)- Phát triển công nghiệp trở thành đòn bẩy để phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ khác, phù hợp với chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, công nghiệp .
2) - Phát triển công nghiệp đồng bộ, tương xứng với tiềm năng và khai thác tối đa lợi thế so sánh của các tiểu vùng trong toàn tỉnh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; ưu tiên phát triển công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.
3) - Ưu tiên phát triển các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ gió, điện mặt trời, điện khí, thủy điện tích năng), cảng biển, đóng tàu, công nghiệp hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực có lợi thế như: công nghiệp năng lượng (điện chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ...
4) - Huy động có hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh để phát triển, cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng sử dụng công nghệ cao, hiện đại, quy mô lớn, công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, tạo nguồn thu lớn, bền vững cho ngân sách.
5) - Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh đầu tư vào các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh.
Tôi tin rằng, với sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền cùng với sự nỗ lực của các sở, ngành trong việc bám sát các quan điểm và triển khai thực hiện tốt 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết 18, tỉnh Ninh Thuận sẽ đạt được những thành tựu đáng kể, sớm trở thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại,đạt loại khá trong khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.
PV. Xin chân thành cảm ơn ông.
Nguyễn Hương - Mai Trinh