• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngoại giao kinh tế sôi động, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài

Những kết quả tăng trưởng tích cực về thu hút vốn FDI đạt được trong bối cảnh các nội dung về mở rộng hợp tác kinh tế, thu hút doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đầu tư và làm ăn tại Việt Nam luôn là một trong những trọng tâm được đề cập trong các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động trong 6 tháng đầu năm 2024.

Ngoại giao kinh tế sôi động, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo chứng kiến trao Bản ghi nhớ về thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 150 tỉ USD. Ảnh: VGP

Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 30.6-3.7 theo lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo. Trong các ngày này, người đứng đầu Chính phủ tận dụng từng giờ, từng phút để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, quảng bá môi trường đầu tư an toàn, thuận lợi của Việt Nam và gặp gỡ, chia sẻ nhằm thu hút các Chaebol hàng đầu Hàn Quốc tiếp tục đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Trước đó tại buổi tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Hùng Ba vào sáng 11.6, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn hai bên phối hợp chặt chẽ trên một số trọng tâm: Duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, thúc đẩy kết nối đường sắt qua biên giới và hợp tác phát triển một số tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn tại các tỉnh phía bắc Việt Nam; đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường cho nông thủy sản, trái cây, thịt gia súc, gia cầm của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, công tác ngoại giao kinh tế được triển khai đồng bộ, toàn diện thời gian qua và từng bước trở thành nhiệm vụ cơ bản, trung tâm, đóng góp tích cực vào các kết quả phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ngoại giao kinh tế tiếp tục đóng góp quan trọng trong duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước.

Quan hệ đối ngoại và hợp tác kinh tế được mở rộng; các khuôn khổ quan hệ với 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện được củng cố, mở rộng, nâng tầm, nâng cấp (từ nửa cuối năm 2023 đến đầu tháng 4.2024, Việt Nam nâng tầm, nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 4 đối tác lớn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia với nhiều nội hàm hợp tác quan trọng như khoa học công nghệ, bán dẫn, ODA thế hệ mới, kinh tế xanh, kinh tế số).

Với các kết quả trên, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh việc tăng tốc thúc đẩy làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới sẽ là một trong những trọng tâm ngoại giao kinh tế trong năm 2024. Trong đó tiếp tục củng cố xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt; mở ra các thị trường mới, tiềm năng; đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA mới. Đẩy mạnh phát triển ngành Halal theo tinh thần Đề án đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai hiệu quả hợp tác nông nghiệp ba bên với một số nước châu Phi.

Đồng thời đẩy mạnh truyền tải thông điệp, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về bảo đảm môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Tập trung triển khai hợp tác đầu tư, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực bán dẫn, AI, hydrogen… Thu hút các nguồn tài chính xanh phục vụ chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững, nhất là Kế hoạch thực hiện JETP.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết