Lo ngân hàng tăng lãi suất cho vay
Doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục ổn định hoặc giảm thêm nhằm giảm chi phí đầu vào trong giai đoạn hồi phục sau dịch Covid-19.
Lãi suất huy động nhích lên thời gian qua cùng với áp lực lạm phát có thể tăng trong năm 2022 khiến các doanh nghiệp (DN) lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng theo, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh đang từng bước hồi phục sau dịch.
Doanh nghiệp bắt đầu lo
Trong báo cáo thị trường tiền tệ tuần cuối của năm 2021, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết lãi suất huy động trung bình tiếp tục có diễn biến tăng nhẹ trong tháng 12-2021 đối với cả 2 kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, lên mức 4,76%/năm và 5,55%/năm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này chủ yếu ở nhóm ngân hàng (NH) thương mại cổ phần, trong khi lãi suất đầu vào của nhóm NH quốc doanh vẫn giữ ổn định đến thời điểm này.
Trước đó, Báo Người Lao Động cũng phản ánh về làn sóng tăng lãi suất tiền gửi ở một số NH thương mại trong bối cảnh nhu cầu tín dụng gia tăng vào dịp cuối năm.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tính tới ngày 24-12-2021, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt mức 12,97%, cao hơn nhiều so với mức 10,1% tính tới cuối tháng 11 và cao hơn mức tăng 12,13% của cả năm trước. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, tín dụng đã ghi nhận mức tăng 2,87 điểm %, cao hơn mức tăng theo tháng của giai đoạn 2017-2019. Theo BVSC, những yếu tố này đã tạo áp lực tăng lên lãi suất liên NH.
Đà tăng của lãi suất huy động cùng với áp lực lạm phát khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng và triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế có thể tạo sức ép lên lãi suất cho vay. Diễn biến này thu hút sự quan tâm của các DN vì hoạt động sản xuất - kinh doanh chỉ mới bắt đầu hồi phục sau giai đoạn khó khăn kéo dài do dịch Covid-19, nếu tăng lãi suất cho vay sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jeans, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM - cho biết sau giai đoạn phục hồi, nhiều DN vẫn còn gặp khó khăn do thiếu nhân công, giá cả đầu vào tăng và thị trường đứt gãy nên cần thời gian để trở lại. "Để sớm khôi phục trở lại, các DN đã đầu tư mạnh vào chuyển đổi số, đổi mới công nghệ để bù đắp khó khăn do thiếu hụt nguồn lao động, giảm chi phí đầu vào. Đặc biệt, trong quá trình này, DN rất cần vốn lưu động để đầu tư vào chuỗi cung ứng, hàng hóa. Do đó, việc nhiều NH thương mại tăng lãi suất đầu vào, cộng thêm áp lực lạm phát từ các nước trên thế giới và trong nước là một nỗi lo lớn của DN" - ông Phạm Văn Việt nói.
Trong lĩnh vực du lịch, các DN cũng vừa mở cửa kinh doanh trở lại nên bài toán ổn định lãi suất cho vay và tiếp cận được nguồn vốn lưu động là rất cần thiết. Sở Du lịch TP HCM cho biết đến nay các DN du lịch vẫn gánh hàng loạt chi phí như trả lương cho người lao động (dù đã cắt giảm và cơ cấu lại nhân sự), trả lãi vay...
Theo các DN, nếu lãi suất cho vay ổn định trong nửa đầu năm 2022 hoặc tiếp tục giảm sẽ góp phần rất lớn giúp ổn định chi phí đầu vào, thêm cơ hội phục hồi.
Trong giai đoạn hồi phục sau dịch, các doanh nghiệp rất cần nguồn vốn vay với lãi suất thấp để phục vụ sản xuất - kinh doanh. Ảnh: TẤN THẠNH
Phấn đấu giảm thêm lãi suất
Tuy vậy, ông Hà Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Nam Á (Nam A Bank), trấn an DN rằng việc điều chỉnh lãi suất chỉ diễn ra ở một vài NH nhằm cân đối nguồn vốn cung cầu phù hợp giai đoạn cuối năm, không phải xu hướng chung. Về áp lực lạm phát tăng trong năm nay là có nhưng không ở mức quá cao mà sẽ được kiểm soát phù hợp. Việc điều hành chính sách tiền tệ của NH Nhà nước thời gian qua cũng rất linh hoạt, bảo đảm lãi suất thực dương để có lợi cho người gửi tiền.
"Do đó, lãi suất trong năm 2022 vẫn sẽ ổn định. Còn việc có giảm thêm hay không tùy thuộc vào việc các NH tiếp tục cắt giảm chi phí hoạt động; có giảm thêm lãi suất đầu vào thấp để giảm giá vốn như thông qua việc thu hút tiền gửi không kỳ hạn (CASA) với chi phí huy động vốn thấp hơn" - ông Hà Huy Cường phân tích.
Trong báo cáo ngành NH năm 2022, các chuyên gia kinh tế của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nhận định áp lực tăng lãi suất trong năm nay là không lớn vì thanh khoản hệ thống được hỗ trợ từ hoạt động mua ngoại tệ của NH Nhà nước, lượng tiền đồng được bổ sung vào hệ thống NH nửa cuối năm theo kênh này khoảng 200.000 - 300.000 tỉ đồng. Một số NH có thể sử dụng nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế để thay thế cho việc huy động trong nước...
Theo phản ánh của một số DN, thời điểm cuối năm, nhiều NH đang cấp tập thu hồi nợ, trong đó có việc yêu cầu người vay bổ sung thêm tài sản thế chấp hoặc giảm hạn mức giải ngân. Đồng thời, không ít DN lo sẽ khó tiếp cận được tín dụng sau thời điểm Thông tư 14 của NH Nhà nước về cơ cấu lại nợ hết hiệu lực từ sau ngày 30-6-2022.
"Nếu NH hạn chế cho vay dịp cuối năm hoặc không tiếp tục giải ngân vốn mới, nhất là trong quý I/2022 khi các DN vừa mới sản xuất - kinh doanh trở lại sẽ rất khó khăn. Một số DN phản ánh với chúng tôi nếu không kịp bổ sung hoàn thiện giấy tờ, thế chấp thêm tài sản sẽ không được vay tiếp, ảnh hưởng tới tâm lý. Vì vậy, kiến nghị NH Nhà nước nghiên cứu điều chỉnh chính sách, có thể tiếp tục cơ cấu nợ cho DN tới cuối năm 2022 để thêm cơ hội hồi phục sau khi vừa "ốm dậy" - ông Phạm Văn Việt nói.
Xây dựng giải pháp giảm lãi suất
Tại phiên giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu xung quanh dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới đây, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết lãi suất là vấn đề DN và đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Ngành NH cũng coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành.
Theo thống đốc, trong bối cảnh lạm phát trên thế giới có xu hướng gia tăng, các NH trung ương đã bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ và tăng lãi suất, yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất là một vấn đề thật sự khó khăn. Tuy nhiên, trong xây dựng chương trình phục hồi này, Chính phủ cũng đã cân nhắc để đưa ra một số giải pháp, phấn đấu hệ thống tổ chức tín dụng giảm từ 0,5 đến 1 điểm % lãi suất trong 2 năm.