• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lo ngại thắt chặt tiền tệ

Room tín dụng hiện đang trở thành một “tài nguyên đắt giá” và các ngân hàng rất khó có thể "rộng tay" cho vay...

Bắt đầu động thái thắt chặt chính sách tiền tệ

Theo báo cáo “Vĩ mô và 2H2022” của CTCK Bảo Việt (BVSC), Lạm phát sẽ còn tăng mạnh hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn còn công cụ để kiểm soát lạm phát trong năm 2022.

Nếu như ở góc độ tài khóa, trong khi vốn đầu tư công được kỳ vọng sẽ thúc đẩy trong 6 tháng cuối năm và năm sau, thì ở góc độ tiền tệ, tỷ giá đang chịu áp lực mất giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể phải thực hiện các biện pháp để hỗ trợ ổn định tỷ giá; lãi suất đang phản ánh những động thái bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ của NHNN.

“Với nền kinh tế tăng trưởng tốt trong bối cảnh tiền VND chịu áp lực mất giá và mục tiêu kiểm soát lạm phát được đặt lên cao hơn, NHNN bắt đầu có những động thái thắt chặt chính sách tiền tệ hơn và nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tăng lãi suất”, BVSC nhận định. 

Soi chiếu với thực tế, rõ ràng NHNN đã có nhiều động thái như là tín hiệu “bật đèn xanh” thời kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Cụ thể là từ 21/6 đến nay kể từ khi tái khởi động kênh phát hành tín phiếu, NHNN đã hút ròng hàng trăm nghìn tỷ đồng nhằm giải phóng ứ thừa thanh khoản trong hệ thống; đẩy tăng lãi suất liên ngân hàng. 

Đến ngày 20/7, thị trường ghi nhận quy mô phát hành tín phiếu của NHNN đã giảm cả về khối lượng và giá trị phát hành, kỳ hạn tín phiếu tăng lên và số lượng thành viên tham gia giảm. Cùng với đó, lãi suất liên ngân hàng ghi nhận đạt mức tăng mạnh khi với kỳ hạn cho vay VND qua đêm từ  0,4%, nay đã được đẩy lên dao động từ trên 1% - 1,4%/năm, gấp khoảng 3 lần so với mốc khi NHNN bắt đầu sử dụng kênh tín phiếu. 

Theo Bộ phận Nghiên cứu của CTCK BVSC, trước các áp lực từ lạm phát và tỷ giá, lãi suất có thể sẽ được điều chỉnh tăng trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, mức tăng sẽ chưa quá lớn để vẫn có thể hỗ trợ hồi phục kinh tế.

Đầu tư công - động lực tăng trưởng kinh tế năm 2022 chưa được giải ngân và hiệu quả như kỳ vọng. Nguồn: Agriseco Research

CTCK Agriseco cũng cho rằng áp lực lạm phát đang gia tăng, đặc biệt trong các tháng gần đây. Giai đoạn sắp tới áp lực sẽ tiếp tục thể hiện ở yếu tố “cầu kéo”, bên cạnh yếu tố “chi phí đẩy” như hiện tại và sẽ là một thách thức trong việc ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.  Các “đầu kéo” chính của tăng trưởng vẫn đến từ xuất khẩu và tiêu dùng, trong khi yếu tố đầu tư công và đầu tư nước ngoài vẫn chưa thể hiện rõ vai trò như kỳ vọng. 

“Khi kinh tế hồi phục với tốc độ khả quan như hiện tại thì NHNN vẫn có dư địa tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, với kỳ vọng việc đẩy mạnh đầu tư công cũng như thu hút FDI sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng”, Agriseco Research nhận định.

Có thể thấy mặc dù “ngành ngân hàng phấn đấu điều hành giảm mặt bằng lãi suất từ 0,5-1%; ổn định tỷ giá khi giá cả hàng hoá tăng cao, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu; kiểm soát lạm phát bình quân 4% trong bối cảnh lạm phát trên thế giới tăng cao, nền kinh tế có độ mở lớn, nguy cơ nhập khẩu lạm phát hiện hữu” - theo phát biểu của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2022 diễn ra trung tuần tháng 7, song áp lực và khả năng NHNN phải thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất đang được các định chế dự báo khá rõ ràng. 

Tín dụng: Cố định hay mở rộng?

Với tín hiệu bắt đầu các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ, việc duy trì chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% như NHNN đã đặt ra kế hoạch đầu năm được xem là một trong nỗ lực để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Dù vậy, trong bối cảnh mà tín dụng đã tăng trưởng hơn 9% và dư địa của hơn 5 tháng còn lại của khá hẹp, xu hướng chờ đợi mở rộng tín dụng vẫn đang hàm chứa nhiều kỳ vọng của chính các NHTM thực hiện cung vốn và các bên có nhu cầu vốn.

(Nguồn: Agriseco Research)

Tuy nhiên, CTCK BVSC nhận định: Tăng trưởng tín dụng kiểm soát trước áp lực lạm phát nên thời gian tới khó có thể tăng mạnh như nửa sau của các năm gần đây. NHNN nhiều khả năng sẽ chỉ nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14% như đầu năm đề ra. 

Quan điểm "cố định tín dụng" theo nhận định này cũng đã được DĐDN đề cập qua nhiều bài viết; song một điểm hết sức quan trọng là cho đến hiện nay, theo “người trong cuộc” - những nhà băng đang phải cho vay nhỏ giọt theo nguồn vốn có được từ cơ cấu lại nguồn vốn, thì room tín dụng hiện là một “tài nguyên đắt giá”; do đó các ngân hàng khó có thể "rộng tay" cho vay và thậm chí còn phải “đấu giá” tài nguyên này trong hệ thống theo hướng, ai chấp nhận lãi suất vay cao sẽ được ưu tiên. 

Điều này khiến dấy lên lo ngại nếu NHNN không sẵn sàng nới room tín dụng, nâng hạn mức cho những tổ chức trong cơ chế ưu tiên, hay những tổ chức đáp ứng các chỉ tiêu an toàn như tỷ lệ CAR cao, mô hình quản trị rủi ro tốt… thì khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và các thành phần khác trong nền kinh tế trong những tháng cuối năm sẽ càng bị thu hẹp. 

Song song đó, đặc biệt là các tổ chức đi vay, có khả năng sẽ phải chịu lãi suất vay cao đột biến mới có thể vay được. 

“Bơm tiền cho doanh nghiệp, chấp nhận đánh đổi một phần lạm phát để duy trì nguồn lực cho doanh nghiệp hoạt động” như quan điểm của PGS., TS. Trần Đình Thiên hoặc là có thể “mở rộng tín dụng tới 15-16% mà không hề hấn gì” như quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa; hay ở chiều ngược lại cần thận trọng trước mở rộng tiền tệ quá đà bởi những bài học trong quá khứ, thậm chí vẫn đang để lại hệ lụy kéo dài với quy mô tăng trưởng dư nợ nền kinh tế lên mức rất cao so với GDP, vì vậy, sẽ còn là bài toán khó trong chính sách điều hành của nhà quản lý.


Tác giả: Theo Lê Mỹ/diendandoanhnghiep.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...