Làn sóng trả mặt bằng vẫn chưa dừng lại ở nhiều tuyến phố
Hà Nội - Nhiều mặt bằng "đất vàng" ở phố cổ Hà Nội thời gian qua liên tục treo biển nhưng vẫn khó tìm khách thuê.
Ghi nhận của PV Lao Động cho thấy, nhiều mặt bằng kinh doanh tại các tuyến phố cổ Hà Nội như Hàng Bông, Hàng Lược, Tràng Thi… vẫn đang trong tình trạng "cửa đóng then cài" suốt nhiều tháng qua. Dù chủ nhà liên tục treo biển, giảm giá sâu nhưng vẫn khó thu hút được khách thuê.
Đăng tin cho thuê một mặt bằng rộng 50m2 trên phố Hàng Lược nhưng hơn hai tháng nay, chị Nguyễn Ngọc Vân (sinh sống ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chán nản khi chỉ có người đến hỏi thông tin mà vẫn chưa tìm được người chốt thuê.
Chị Ngọc Vân cho biết thêm, chị đã nhờ nhiều người cùng đăng tin nhưng mặt bằng ở phố cổ có mức giá thuê cao, kén chọn khách thuê khiến hàng tháng gia đình chị thất thu hơn 90 triệu đồng so với trước đây.
“Trước đây, rất khó để tìm được mặt bằng bỏ trống trên các tuyến phố cổ Hà Nội nhưng thời gian qua, nhiều mặt bằng tại đây vẫn liên tục đóng cửa và chưa có dấu hiệu dừng lại. Mặt bằng gia đình tôi cho thuê chỉ có khách gọi điện đến hỏi thông tin, chưa có ai chốt thuê” - chị Vân nói.
Tương tự, anh Lê Minh Thông (môi giới bất động sản tại Hà Nội) chia sẻ, làn sóng bỏ trống mặt bằng tại khu vực phố cổ Hà Nội vẫn chưa dừng lại dù có dấu hiệu khởi sắc. Để tiết kiệm chi phí, nhiều khách thuê đang có xu hướng đổ dồn về các quận khác, nơi có giá thuê mặt bằng thấp hơn nhưng vẫn đảm bảo doanh thu ổn định.
Thậm chí, theo anh Thông, để thu hút khách thuê, nhiều chủ nhà đã chủ động giảm giá từ 10 - 15%/tháng cùng với nhiều điều kiện ưu đãi.
Dữ liệu của CBRE Việt Nam mới đây phân tích, trong 3 năm tới, dự kiến giá thuê mặt bằng bán lẻ ở các khu vực trung tâm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có thể tăng từ 7 - 10% và khu vực ngoài trung tâm sẽ tăng 2 - 3%. Hiện tại, giá thuê tại khu vực trung tâm đã đạt gần 280 USD/m2/tháng, tăng 18,5% so với năm trước.
Nhiều chuyên gia bất động sản phân tích, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều mặt bằng nhà phố vẫn khó tìm khách thuê. Để khắc phục tình trạng này, những người cho thuê nhà sẽ phải điều chỉnh giá theo cơ chế, mức giá phù hợp hơn với những nhóm khách đi thuê.
Đáng chú ý, tình trạng mặt bằng ế ẩm tại nhiều tuyến phố trung tâm Thủ đô sẽ khó giảm khi mức giá thuê neo cao, gặp sự cạnh tranh gắt gao của thương mại điện tử, kênh bán hàng online.
Bà Hoàng Nguyệt Minh - chuyên gia cấp cao của Savills Hà Nội - nhận định, hiện nay, các nhãn hàng không còn mở cửa hàng một cách đại trà như trước mà trở nên khắt khe hơn khi tìm kiếm mặt bằng.
Chuyên gia bất động sản phân tích, sự phát triển của thương mại điện tử đang khiến hoạt động mua sắm diễn ra đa dạng, linh hoạt hơn. Việc thuê mặt bằng nhà phố tại Hà Nội để kinh doanh, trưng bày sản phẩm dần trở nên không cần thiết, khiến việc cho thuê sẽ trở nên khó khăn hơn.