Kinh tế châu Âu "trồi sụt" gây khó cho chính sách tiền tệ của ECB
Kinh tế châu Âu tăng trưởng thất thường, khiến quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) trở nên khó khăn hơn.
Triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa khiến ECB loay hoay với kế hoạch giảm lãi suất sắp tới (Ảnh: Politico)
Tăng trưởng không như mong đợi
Cơ quan thống kê của EU hôm 6/9 cho biết, GDP của 20 nền kinh tế thành viên Eurozone chỉ tăng 0,2% trong quý hai so với quý trước. Mức tăng này thấp hơn dự báo là 0,3%. Như vậy, GDP của khối chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ đánh dấu sự giảm tốc so với giai đoạn đầu năm, hiệu suất kinh tế của châu Âu trong quý 2 còn kém xa so với các nước Mỹ hay Vương quốc Anh. Trong quý 2, kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức 3% trên năm, gấp nhiều lần châu Âu.
Đây là hệ quả từ một loạt chỉ số kinh tế giảm mạnh trong quý, bao gồm đầu tư và chi tiêu tiêu dùng. Đầu tư của khối giảm mạnh, với mức giảm sâu lên tới 2,2%. Trong khi đó, tiêu dùng giảm nhẹ 0,1% so với quý trước.
Theo các chuyên gia, cả hai yếu tố này suy giảm bởi lãi suất cao đang làm giảm nhu cầu, cũng như phản ánh sự thận trọng của doanh nghiệp trước tình hình kinh tế không chắc chắn. Tăng trưởng của khối thời gian qua chủ yếu được thúc đẩy bởi xuất khẩu và chi tiêu công của chính phủ, theo các nhà quan sát.
Các khảo sát và dữ liệu gần đây tiếp tục cho thấy triển vọng tăng trưởng yếu kém có thể tiếp tục trong quý 3. Nguy cơ này đang ngày càng tăng khi Đức – đầu tàu kinh tế khu vực đồng tiền chung - đang trượt vào suy thoái sau khi thu hẹp trong quý 2.
Bên cạnh đó, Eurostat hạ ước tính tăng trưởng một phần cũng đến từ tăng trưởng yếu hơn của Pháp, thành viên lớn thứ hai của Eurozone. Đáng chú ý, sự thay đổi trong dữ liệu kinh tế châu Âu cũng tới từ một thành viên khác - Ireland.
Trước đó, Ireland – với động lực từ ngành dược phẩm bùng nổ sau Covid – đã đóng góp lớn vào các chỉ số tăng trưởng của khối Eurozone. Nước này là trụ sở của nhiều công ty dược phẩm lớn của Mỹ, và là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới trong năm 2022, khi nhu cầu thuốc tăng cao trong đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các số liệu mới công bố hôm thứ Năm lại chỉ ra sự suy giảm mạnh khi nhu cầu thuốc men thu hẹp vào năm ngoái. Mặc dù tăng trưởng được dự báo sẽ tiếp tục trong năm nay, nguy cơ suy giảm trong quý 2 được dự báo vẫn tiếp tục bởi hiệu suất yếu kém trong nước cũng như sự sụt giảm nhẹ trong hoạt động của các doanh nghiệp Mỹ.
ECB “đau đầu” với bài toán lãi suất
Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế eurozone đặt ra thách thức cho ECB, khi cơ quan này phải thận trọng trong việc tiếp tục các đợt cắt giảm lãi suất. ECB đã hạ lãi suất lần đầu tiên vào tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên kể từ năm 2019, từ mức 3,75% xuống còn 3,5%.
Các nhà đầu tư dự đoán giới hoạch định chính sách Eurozone sẽ hạ lãi suất chủ chốt một lần nữa khi họ họp vào tuần tới, nhưng với tình hình kinh tế như hiện nay, mức độ cắt giảm sẽ gây tranh cãi.
Một số nhà hoạch định của EU muốn tiến hành giảm lãi suất với tốc độ chậm, khi lập luận rằng nền kinh tế Eurozone không cần hỗ trợ khẩn cấp, và lạm phát có thể được kiềm chế mà không cần giảm sản lượng hoặc việc làm, thay vì một cuộc hạ cánh cứng.
“Mặc dù rủi ro đối với tăng trưởng đã tăng lên, một cuộc hạ cánh mềm vẫn có vẻ khả thi hơn so với suy thoái,” Isabel Schnabel, thành viên của hội đồng điều hành ECB, cho biết trong một bài phát biểu gần đây.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác nhận thấy rủi ro lớn hơn rằng nền kinh tế Eurozone sẽ bị đẩy vào tình trạng suy giảm hoặc đình trệ nếu ECB không giảm lãi suất một cách nhanh hơn. Một số nhà kinh tế dự đoán quan điểm này sẽ trở nên phổ biến hơn sau khi ECB cắt giảm lãi suất dự kiến vào tuần tới.
“Dựa trên triển vọng tăng trưởng yếu hơn, chúng tôi hiện tin rằng ECB sẽ đẩy nhanh tốc độ nới lỏng tiền tệ,” Peter Vanden Houte của ING Bank viết trong một ghi chú gửi khách hàng.
Dự kiến vào ngày 12/9 tới, cuộc họp tiếp theo của ECB sẽ diễn ra và các nhà hoạch định chính sách sẽ thảo luận các vấn đề tiền tệ, bao gồm các quyết định về lãi suất.