Khuôn khổ để thị trường tín chỉ carbon thực sự hiệu quả
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố bộ quy tắc hướng dẫn đầu tiên về thị trường carbon. Đây là bước đi nhằm thúc đẩy mạnh mẽ mô hình thị trường này trong nỗ lực cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, cũng như bảo đảm tính liêm chính cao và sự tham gia có trách nhiệm của các bên liên quan.
Mỹ công bố bộ quy tắc hướng dẫn về thị trường carbon
Tuyên bố chính sách mới được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu về tín chỉ carbon sẽ tăng đáng kể trong vài năm tới, khi các doanh nghiệp ngày càng đặt các mục tiêu tham vọng để đưa mức phát thải ròng carbon về zero (Net-Zero).
Văn kiện này được đồng ký bởi các quan chức cấp cao của Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen; Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack; Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm; Cố vấn cấp cao về chính sách khí hậu quốc tế John Podesta; Cố vấn kinh tế quốc gia Lael Brainard và Cố vấn khí hậu quốc gia Ali Zaidi.
Thị trường carbon là gì?
Thị trường tín chỉ carbon là một hệ thống giao dịch cho phép các tổ chức mua bán quyền phát thải khí nhà kính, cụ thể là khí CO2. Tín chỉ carbon là chứng nhận đại diện cho việc một tập đoàn hoặc quốc gia có thể phát thải 1 tấn khí CO2 hoặc khí nhà kính khác được quy đổi tương đương 1 tấn CO2, nhưng sẽ phải “bù đắp” bằng việc đầu tư vào các dự án giảm hoặc loại bỏ lượng khí thải tương đương, thường là các dự án trồng cây hay bảo vệ rừng cũng như dự án thu giữ và lưu trữ CO2.
Một số nghiên cứu cho thấy, các thị trường hiện nay không được kiểm soát chặt chẽ, đồng thời đang phải đối mặt với hoài nghi liên quan đến tính liêm chính. Những bên tham gia thị trường không thể phân biệt được dự án chất lượng cao với dự án chất lượng thấp vì không có dữ liệu đầy đủ hoặc nhất quán để đánh giá hiệu quả của dự án. Do đó, ngày càng nhiều công ty lớn hiện đã rút lui khỏi thị trường carbon tự nguyện vì phát hiện ra một số dự án bảo vệ rừng không thực sự giúp giảm khí phát thải như đã cam kết, khiến cho giá tín chỉ đã giảm mạnh trong 12 tháng qua do thanh khoản giảm.
Trong nhiều trường hợp, tín chỉ carbon không đáp ứng được các tiêu chuẩn cao cần thiết để những bên tham gia thị trường giao dịch một cách minh bạch.
Trước tình trạng này, nhằm củng cố thêm cam kết của Chính phủ Mỹ trong việc khôi phục vị thế dẫn đầu về khí hậu của Mỹ trong và ngoài nước, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố bộ nguyên tắc hướng dẫn đầu tiên để phát triển thị trường carbon tự nguyện có tính liêm chính cao, đưa ra các khuyến khích và biện pháp bảo vệ cần thiết để thị trường này phát huy được hết tiềm năng.
Bảo đảm tính liêm chính và phát huy tiềm năng
Bộ quy tắc tập trung vào 3 nội dung chính:
Đầu tiên, các thị trường tín chỉ phải bảo đảm tính liêm chính. Các hoạt động tạo ra tín chỉ và bản thân các tín chỉ đó phải được chứng nhận theo tiêu chuẩn vững chắc, chẳng hạn như không được phát hành hai lần; tác động thực tế và có thể định lượng được; có thể xác minh kết quả bởi bên thứ ba độc lập; mang lại lợi ích lâu dài về khí hậu.
Thứ hai, các hoạt động sản xuất tín chỉ carbon cần tránh gây tác hại đến môi trường và xã hội, đồng thời phải hỗ trợ chia sẻ lợi ích một cách minh bạch và toàn diện nhất nếu có thể. Các doanh nghiệp nên ưu tiên giảm lượng khí thải có thể đo lường được trong chuỗi giá trị của chính họ trước khi mua và sử dụng tín chỉ carbon tự nguyện, cũng như chỉ nên dựa vào các tín chỉ carbon đáp ứng các tiêu chuẩn liêm chính cao. Các bên tham gia thị trường cũng phải đóng góp vào những nỗ lực cải thiện tính toàn vẹn của thị trường.
Thứ ba, thúc đẩy khu vực tư nhân và các bên liên quan khác tham gia một cách có trách nhiệm vào thị trường carbon tự nguyện trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của thị trường này.
Triển vọng và sự phát triển trong tương lai
Những cải cách này đánh dấu một bước quan trọng hướng tới các quy định rõ ràng và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư. Khi các tiêu chuẩn và nguyên tắc phát triển, thị trường sẽ có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình khử carbon toàn cầu, cung cấp các cơ chế đáng tin cậy để giảm lượng khí thải và hỗ trợ công bằng về khí hậu.
Hơn nữa, các thị trường mua bán tín chỉ có tính toàn vẹn cao, hoạt động tốt có thể đẩy nhanh quá trình khử carbon theo nhiều cách; đồng thời mang lại nguồn doanh thu ổn định, đáng tin cậy cho nhiều dự án, chương trình và hoạt động khử carbon, bao gồm các giải pháp dựa vào thiên nhiên và công nghệ khí hậu đổi mới giúp tăng quy mô loại bỏ carbon. Loại hình thị trường này cũng có thể mang lại những lợi ích quan trọng cả trong và ngoài nước, bao gồm hỗ trợ phát triển kinh tế, duy trì sinh kế của người dân bản địa và cộng đồng địa phương, cũng như bảo tồn tài nguyên đất, nước và đa dạng sinh học.
Giám đốc điều hành của Sáng kiến thị trường carbon tự nguyện Mark Kenber cho biết, chỉ đạo rõ ràng này từ chính phủ giúp các doanh nghiệp tự tin hành động hơn. Còn ông Nat Keohane thuộc Trung tâm Giải pháp năng lượng và khí hậu ở Mỹ thì cho rằng, việc công bố bộ quy tắc hướng dẫn nói trên cho thấy Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển của thị trường carbon. Theo ông, trong bối cảnh thị trường tồn tại nhiều loại tín chỉ carbon có chất lượng khác nhau trên thực tế, hướng dẫn này sẽ giúp thúc đẩy thị trường carbon hoạt động hiệu quả, thống nhất.