Khơi thông các thị trường xuất khẩu cho gạo Việt
Chủ động lựa chọn phân khúc thị trường khó tính, trong đó có Nhật Bản là cách để nâng cao giá trị hạt gạo Việt. Bên cạnh đó, dự báo, châu Phi sẽ trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, tuy nhiên theo nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) gạo đây là thị trường rộng nhưng không dễ.
Lúa gạo Việt Nam đã và đang chiếm lĩnh niềm tin người tiêu dùng trên thế giới (Ảnh minh họa).
Chủ động chọn thị trường khó
Các thị trường XK gạo trọng điểm của Việt Nam gồm Philippines, Indonesia và Malaysia, Trung Quốc. EU và Hoa Kỳ là 2 thị trường nhập khẩu các loại gạo chất lượng cao như gạo thơm đặc sản ST24, ST25 với thị phần nhỏ khoảng 0,5-0,6%/năm. Như vậy, các thị trường XK gạo chính của Việt Nam không có Nhật Bản.
Nhật Bản năm nay đang thiếu gạo, đây không phải là lần đầu tiên diễn ra mà đã xảy ra cách đây 3-4 năm, và họ vẫn đang thiếu gạo. Nguyên nhân do Nhật mất mùa, giá gạo tăng liên tục.
Với các DN Việt Nam, đa phần XK gạo sang đất nước hoa anh đào được thực hiện thông qua các công ty tại Nhật. Đây là những DN từng làm tại đây và đã quen với văn hóa của thị trường này. Với những DN chưa từng XK gạo sang Nhật, họ sẽ rất ngại. Nguyên do, đây là thị trường rất khó tính, yêu cầu về các tiêu chuẩn dư lượng rất khắt khe. Bên cạnh đó, thủ tục nhập khẩu gạo vào Nhật cũng khá phức tạp. Thông thường, phải mất tới một năm rưỡi mới có giấy phép.
Một thách thức nữa đó là người tiêu dùng Nhật Bản đã quen với chủng loại gạo của Nhật Bản, bởi họ quen vị dẻo, ngon, an toàn. Họ cũng đề cao sản phẩm quốc nội. Như vậy, chủng loại gạo XK sang thị trường này cũng rất “kén”, DN phải có vùng nguyên liệu thì họ mới XK được.
Ví dụ như DN của Phước Thành IV, do không có vùng nguyên liệu nên rất khó để XK sang thị trường này. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long) cho biết: “Tiêu chuẩn thị trường quá khắt khe, cùng chính sách nhập khẩu không liên tục nên các doanh nghiệp ngại xuất khẩu sang thị trường này”.
Dù vậy, các DN vẫn rất muốn “chinh phục” thị trường Nhật Bản, vì khi đạt chuẩn nhập khẩu vào các thị trường khó tính, là cơ hội khẳng định giá tị gạo Việt.
“Tháng 5 này, chúng tôi sẽ XK lô gạo đầu tiên có dán nhãn phát thải carbon vào thị trường Nhật Bản. Giá bán tại kho của lô hàng này là 785 USD/tấn, nếu cộng thêm chi phí giao đến cảng, giá bán sẽ vào khoảng hơn 800 USD/tấn (giá FOB). Cơ hội tại thị trường Nhật Bản là rất lớn”, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ, để XK được vào thị trường này, Công ty đã liên kết với phía DN Nhật Bản, họ đưa giống, kỹ sư sang hướng dẫn, và DN phải trồng theo quy trình của họ.
Hiện nhu cầu tại thị trường Nhật Bản rất lớn, tuy nhiên DN cũng chỉ đáp ứng được một phần.
Để XK gạo vào thị trường khó tính, trong đó có Nhật Bản, theo các chuyên gia, DN phải bắt đầu từ khâu sản xuất. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp giảm hàng rào thương mại hay đưa ra những ưu đãi về thuế quan. Nhưng nếu gạo không đạt tiêu chuẩn của thị trường cũng sẽ không vào được.
Muốn nắm bắt được cơ hội thị trường, ông Phạm Thái Bình cho biết, nông dân phải liên kết với DN và trồng theo yêu cầu của DN, và chính DN cũng phải theo tiêu chuẩn của quốc gia nhập khẩu.
Muốn làm được việc này, quan trọng nhất là phải tổ chức lại sản xuất theo tiêu chí của “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” khi đó vừa giảm chi phí cho bà con nông dân vừa nâng cao được giá trị hạt gạo Việt Nam.
Khơi thông các thị trường xuất khẩu cho gạo Việt (Ảnh minh họa)
XK gạo sang châu Phi: Thị trường rộng nhưng không dễ
Ngoài ra, Châu Phi là thị trường XK gạo quan trọng của Việt Nam, hiện chúng ta XK sang 54 quốc gia châu Phi, trong đó các thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất gồm Ghana, Bờ Biển Ngà, Senegal, Mozambique, Cameroon, Tanzania, Ai Cập…
Hiện nay, các DN gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng xác nhận giá gạo đang tăng do nhu cầu tại thị trường châu Phi và Philippines đang cao trong khi vụ Đông Xuân đã kết thúc nên nguồn cung gạo hạn chế.
Các mặt hàng gạo trắng giá rẻ đặc biệt từ Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan chiếm ưu thế ở thị trường châu Phi trong thời gian qua. Trong khi đó, gạo Việt Nam chỉ đứng vị trí thứ 4 tại thị trường này.
Tuy nhiên, cũng có những nhà nhập khẩu gạo lớn ở châu Phi lại là khách hàng truyền thống của Việt Nam. Trong đó, Bờ Biển Ngà là quốc gia nhập khẩu gạo nhiều thứ 2 ở châu Phi với 1,8 triệu tấn mỗi năm. Nhiều năm trước, nước này luôn nằm trong nhóm những nước mua gạo nhiều nhất của Việt Nam.
Nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước châu Phi tiếp tục tăng và Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh XK gạo sang khu vực trong thời gian tới, đặc biệt là mặt hàng gạo thơm, Jasmine; gạo cấp trung bình và cấp thấp sẽ phải chịu áp lực với nguồn gạo cạnh tranh giá rẻ từ Thái Lan.
Theo đại diện doanh nghiệp XK gạo tại Vĩnh Long, gạo của Việt Nam XK sang châu Phi chủ yếu là gạo trắng hạt dài 15%, 25% tấm, ngoại trừ hai nước nhập khẩu nhiều nhất gạo đồ, gạo thơm và gạo 5% tấm là Nam Phi và Nigeria. Trong những năm gần đây, các nhà nhập khẩu ở châu Phi đang ngày càng tìm mua nhiều hơn gạo thơm Việt Nam do chất lượng ổn định và giá cả cạnh tranh.
Dù vậy, đối với hai thị trường tiêu thụ và nhập khẩu lớn gạo đồ và gạo thơm chất lượng trung bình và cao như Nam Phi và Nigeria, lượng gạo Việt Nam XK sang vẫn còn rất nhỏ bé. Nguyên do, dù nhu cầu thị trường tăng, nhưng DN ngại xuất sang thị trường này do sự minh bạch hóa thông tin về thị trường lúa gạo, XK gạo còn thiếu. Bên cạnh đó, châu Phi là địa bàn xa xôi, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khâu thanh toán, vận chuyển.
Theo số liệu của Cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong quý I/2025, Bờ biển Ngà là thị trường XK gạo lớn thứ hai của Việt Nam với 143 triệu USD, tăng tới 138% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh Bờ biển Ngà, XK gạo sang Ghana với 106 triệu USD, tăng 105% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia nhận định, thời gian qua, mặc dù diện tích gieo cấy lúa tại châu Phi đã được mở rộng nhưng sản xuất gạo tại đây dự báo sẽ chưa bắt kịp được mức tăng trưởng về nhu cầu tiêu thụ gạo của người dân và gia tăng dân số của khu vực. Đây sẽ là cơ hội XK gạo cho Việt Nam sang thị trường này nếu các DN đẩy mạnh quảng bá, tăng cường sự hiện diện của sản phẩm gạo Việt Nam tại châu Phi…
Đáng chú ý, DN và chuyên gia trong ngành đều cho rằng, lúa gạo Việt Nam đã và đang chiếm lĩnh niềm tin người tiêu dùng trên thế giới. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh công tác dự báo thị trường để người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nắm bắt và có định hướng trong sản xuất, xuất khẩu, thì việc triển khai có hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp sẽ giúp nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chuỗi giá trị, tăng cường khả năng cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.