IMF duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,2% trong năm nay
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay vẫn duy trì ở mức 3,2% như đã dự báo vào tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, rủi ro từ các cuộc xung đột vũ trang, tranh chấp thương mại tiềm ẩn và tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ đối với triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn đang ở mức cao.
Đây là thông tin do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) công bố ngày 22/10, trong đó có một số điều chỉnh về dự báo tăng trưởng toàn cầu và cảnh báo về những rủi ro mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt. IMF dự báo trong năm 2025, kinh tế thế giới tăng 3,2%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7. Tăng trưởng trung hạn dự kiến giảm xuống mức trung bình 3,1% trong 5 năm, thấp hơn nhiều so với xu hướng trước đại dịch COVID-19. Theo thể chế tài chính này, triển vọng toàn cầu đã có sự cải thiện song vẫn còn nhiều khó khăn trong trung hạn.
Theo dự báo của IMF, các chính phủ mới được thành lập tại một số nước trên thế giới có thể đưa ra những thay đổi đáng kể trong chính sách thương mại và tài khóa.
"Hơn nữa, sự quay trở lại của những biến động thị trường tài chính vào mùa Hè vừa qua đã khơi dậy lo ngại về những lỗ hổng tiềm ẩn. Điều này đã làm gia tăng sự lo lắng về lập trường chính sách tiền tệ, nhất là ở các quốc gia nơi lạm phát dai dẳng và các dấu hiệu suy thoái đang xuất hiện" - báo cáo phân tích.
Bên cạnh đó, báo cáo của IMF cũng lưu ý rằng sự gia tăng các rạn nứt địa chính trị có thể ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư và dòng chảy tự do của các ý tưởng. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng dài hạn, đe dọa khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và tạo ra những sự lựa chọn khó khăn cho ngân hàng trung ương các nước.
Theo bản WEO mới nhất của IMF, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ ổn định, nhưng có nguy cơ suy yếu cùng sự gia tăng của các yếu tố rủi ro. Bất chấp những tin tức tích cực về lạm phát, kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức có thể kéo lùi đà tăng trưởng, từ sự gia tăng bất ổn địa chính trị cho tới việc các quốc gia theo đuổi chính sách bảo hộ các ngành công nghiệp và người lao động trong nước.
Cũng theo IMF, triển vọng tăng trưởng ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vẫn duy trì ở mức ổn định khoảng 4,2% trong năm nay và năm sau, với hiệu suất mạnh mẽ liên tục từ các nền kinh tế mới nổi ở châu Á./.