• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hôm nay, Quốc hội thảo luận giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội sẽ đưa ra những chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiệu quả hơn, mang tính dài hơn và bền vững để phát triển kinh tế.

Hôm nay, Quốc hội thảo luận giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Đông

Sáng 25.5, tiếp tục kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Trước đó, báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh những kết quả đạt được, tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn mục tiêu, hàng loạt các ngành sản xuất chủ lực đang đối diện với khó khăn. Bài toán này cần có lời giải cấp bách để vực dậy kinh tế, tiếp sức cho doanh nghiệp.

Báo cáo Chính phủ cũng nhìn nhận thực trạng đơn hàng giảm, tồn kho có xu hướng tăng tại nhiều doanh nghiệp trong các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực. Doanh nghiệp thiếu vốn nhưng có thể phải vay lãi suất cao.

Chính phủ đánh giá thực trạng này đã và đang làm gia tăng thêm áp lực đối với doanh nghiệp để duy trì hoạt động. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động bốn tháng giảm 2% so với cùng kỳ 2022 (gần 78.900 doanh nghiệp), trong khi doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25,1% (77.000).

Chính phủ nhận định, tình hình này có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, có việc một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để duy trì sản xuất, kinh doanh.

Trong các giải pháp, Chính phủ nhấn mạnh sẽ tiếp tục xem xét hạ lãi suất, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay; điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, có giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn.

Bên cạnh đó, sẽ ban hành các chính sách tài khóa, nhất là về thuế, phí, lệ phí... chính sách tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nền kinh tế, người lao động, bảo đảm an sinh xã hội...

Nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; trong đó có vướng mắc về PCCC.

Tiếp tục giải quyết dứt điểm vấn đề kiểm định xe cơ giới, cũng như tháo gỡ và thúc đẩy phát triển lành mạnh các thị trường tài chính, bất động sản...

Cũng tại phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội sẽ thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam...

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết